Web tìm kiếm Việt có thể "qua mặt" được Google?

Web tìm kiếm Việt có thể "qua mặt" được Google? ảnh 1

Những thị trường "ngách" như tìm kiếm địa điểm có thị phần quá nhỏ để các doanh nghiệp sở hữu web tìm kiếm made in Việt Nam có thể tồn tại và phát triển được.

Google đã giải quyết tốt đến 98% nhu cầu người dùng

Ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng Giám đốc Công ty Naiscorp, đơn vị chủ quản socbay.vn cho biết, ngay từ đầu, doanh nghiệp này chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cạnh tranh với Google và phát triển theo hướng kinh doanh riêng của mình. “Vì vậy, thông tin cho rằng socbay thất bại vì không cạnh tranh được với Google là chưa chính xác. Nếu cạnh tranh trực diện với Google - một ông lớn có nền tảng kỹ thuật và con người, tài chính rất mạnh thì chỉ có chết”, ông Tài nhấn mạnh. 

Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Netnam, đơn vị từng làm web tìm kiếm PanVietnam (1 trong 3 công cụ tìm kiếm trên Internet đầu tiên ở Việt Nam cùng với VinaSeek, PanVietnam), việc các trang xalo, socbay, timnhanh thất bại trước Google chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ thuật và thị trường. Bởi Google đã giải quyết tốt đến 98 - 99% nhu cầu tìm kiếm của người Việt nên các web khác dù cố gắng đến đâu cũng chỉ giải quyết được 1 - 2% nhu cầu còn lại. "Thị phần còn lại quá nhỏ để các doanh nghiệp sở hữu web tìm kiếm có thể tồn tại được sau khi đã đầu tư, nghiên cứu sản phẩm", ông Bình nói.

Tại thời điểm năm 2001-2002, PanVietnam, Hoatieu, VinaSeek có thể thành công nhất định do ngôn ngữ tiếng Việt dùng những bảng mã khác nhau. Tuy nhiên, khi Google bắt đầu hỗ trợ tiếng Việt với bảng mã Unicode, đồng thời tất cả các website ở Việt Nam thống nhất sử dụng chung bảng mã này thì Google đã thắng thế và những website tìm kiếm thế hệ đầu tiên đi vào "thoái trào".

Sở dĩ, năm 2007-2008, các công ty Việt Nam tiếp tục phát triển các trang web tìm kiếm là do họ nhìn thấy cơ hội cạnh tranh khi ở Trung Quốc, Baidu đã qua mặt Google để giữ vị trí số 1 trong thị trường web tìm kiếm, thông qua các "khe ngách" nào đó như chuyên tìm kiếm về nhạc, tin tức... Mặc dù vậy, do đặc điểm của tiếng Việt khác với tiếng Trung Quốc và không nhận được sự hỗ trợ, chào đón của người dùng nên các web tìm kiếm thế hệ sau như Xalo, Socbay, tìmnhanh... không thể đấu lại Google dù được đầu tư không ít. "Chưa kể, Google luôn cải tiến sản phẩm của mình với nhiều tính năng mới như bản đồ, ảnh... hay nâng cao khả năng tìm kiếm tiếng Việt tốt hơn", ông Bình nhấn mạnh.

Ông Vương Quang Khải - Phó Tổng Giám đốc điều hành VNG đánh giá: "Muốn giải bài toán kỹ thuật cho các trang web tìm kiếm không hề đơn giản, cần sự tham gia của những người nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc và lâu dài. Đó là lý do tôi không tiếp tục phát triển công cụ web tìm kiếm Hoatieu. VNG quyết định không phát triển công cụ tìm kiếm sau nhiều lần thảo luận nội bộ vì thấy không đủ “lực” về tài chính cũng như con người. Web tìm kiếm  không giống với những phần mềm như nghe nhạc, chat hoặc trình duyệt chỉ cần một vài tới vài chục kỹ sư. Tôi tin rằng, để giải quyết được bài toán web tìm kiếm, hàm lượng cũng như số lượng kỹ sư, tiến sĩ nghiên cứu khoa học trong Google có thể lớn hơn bất kỳ công ty công nghệ nào khác trên thế giới".

Xử lý ngôn ngữ tiếng Việt không phải là "chìa khóa" để vượt Google

Ông Khải và ông Bình đều khẳng định, bất kỳ ai cũng thấy rằng, để phát triển web tìm kiếm nên tập trung vào những thị trường ngách như địa điểm… Nhưng sớm muộn, những công cụ web tìm kiếm cũng nhắm đến việc tìm kiếm văn bản (text) giống như Google, vì nếu đánh vào thị trường ngách như địa điểm thì tương lai phát triển không thực sự rõ ràng do lượng người dùng không lớn, trong khi Google Maps đã đáp ứng tương đối tốt nhu cầu của đại đa số người dùng. "Tại Việt Nam, rất khó để khẳng định có cửa qua mặt Google hay không nhưng trước hết công ty làm web tìm kiếm cần có sự đầu tư rất lớn và thực sự nghiêm túc với hàng trăm kỹ sư, nhà khoa học chứ không phải chỉ dựa vào vài chục kỹ sư CNTT như những sản phẩm Internet khác", ông Khải kết luận.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng Giám đốc Công ty Naiscorp, nếu cạnh tranh trực diện với Google thì không có bất kỳ “cửa” nào cho doanh nghiệp nội. Từ trước đến giờ, những hướng phát triển ngách như tìm kiếm địa điểm, các doanh nghiệp Việt Nam đều đã làm nhưng không ăn thua. “Các thông điệp kiểu như "qua mặt Google" chỉ mang tính marketing/PR cho sản phẩm chứ thực tế thì gần như không thể cạnh tranh được”, ông Tài cho biết thêm.

Trước những ý kiến khẳng định việc xử lý tiếng Việt vượt trội sẽ giúp các web tìm kiếm Việt Nam chiếm ưu thế hơn Google, ông Khải cho rằng, bài toán web tìm kiếm là bài toán tổng thể và lợi thế về xử lý ngôn ngữ bản địa không phải là vấn đề quá quan trọng. Do vậy, các công ty Việt Nam không nên coi đó là sự khác biệt đối với Google. Tại một số thị trường như Trung Quốc, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ bằng cách chặn Google thì chưa chắc Baidu đã thắng được “gã khổng lồ” đến từ Mỹ. Còn Yandex hay NHN thắng Google ở Nga và Hàn Quốc là do những công ty này giỏi thực sự và có hàm lượng khoa học cao chứ không phải chỉ dựa vào lợi thế ngôn ngữ bản địa.

Cùng quan điểm, ông Bình khẳng định, ký tự tiếng Việt là ký tự La Tinh nên khá gần gũi với những ngôn ngữ như tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp... những ngôn ngữ mà Google đã giải quyết tốt và thống trị thị trường web tìm kiếm tại những quốc gia đó. "Trong khi đó, tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc... không thuộc nhóm ký tự La tinh nên yếu tố địa phương trong web tìm kiếm sẽ lớn hơn, vì vậy NHN và Baidu mới có cơ hội vượt qua Google", ông Bình nói.

Coccoc đặt mục tiêu chiếm 5% thị phần tìm kiếm Việt vào năm 2013
Ông Nguyễn Thanh Bình, một trong ba người sáng lập của Coccoc.com khẳng định, đơn vị này bắt đầu tìm hiểu thị trường từ năm 2008, nguyên nhân những web tìm kiếm Việt khác không thành công chủ yếu liên quan đến yếu tố công nghệ như: không thể can thiệp về mặt kỹ thuật hoặc thiếu nhân lực, tài chính đề đầu tư, nghiên cứu. Vì thế, Coccoc phải mời những nhân sự cấp cao của các công ty như Yandex, Mail.ru (Nga)... hay những chuyên gia xử lý tiếng Việt hàng đầu. Sau 2 năm, Coccoc đã đầu tư khoảng 15 triệu USD để xây dựng công cụ tìm kiếm và dự kiến đầu tư thêm khoảng 100 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng) đến năm 2017. Mục tiêu của Coccoc là đến cuối năm 2013 sẽ chiếm khoảng 5% thị phần tìm kiếm Việt. Sở dĩ Coccoc tin tưởng sẽ cạnh tranh được với Google là do suốt thời gian qua, người dùng Việt Nam không có bất kỳ sự lựa chọn công cụ tìm kiếm nào khác đủ tốt bên cạnh Google để so sánh, đối chiếu kết quả tìm được. Tuy nhiên, khi so sánh Google Việt Nam (.com.vn) với Google quốc tế (.com), Google Nga... với cùng một từ khóa, Coccoc thấy rằng kết quả tìm kiếm Google ở Việt Nam thấp nhất khi có quá nhiều "rác" mà không được xử lý, dẫn đến việc người dùng phải mở rất nhiều trang mới có thể tìm được kết quả mong muốn. Điều này chứng tỏ chính Google Việt Nam chưa hoàn toàn tốt và đây sẽ là cơ hội cho Coccoc thể hiện mình. "Thực tế, chúng tôi vẫn thường xuyên so sánh chất lượng các tập từ khóa giữa kết quả tìm kiếm của Coccoc và Google, trong đó với các từ khóa về địa điểm, doanh nghiệp thì Coccoc đang chiếm lợi thế", ông Bình nói.

Theo Thế Phương (ICT News)

Đọc thêm