Vì sao không nên cãi nhau trên Facebook?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Tranh luận, cãi nhau là điều rất thường thấy trên Facebook, đặc biệt là xoay quanh những sự kiện đang nóng.

Trong quá trình sử dụng Facebook hoặc các nền tảng mạng xã hội khác, chắc hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã thấy nhiều trường hợp tranh luận, cãi vã… liên quan đến các vấn đề trong cuộc sống.

Khi bạn đăng một bài viết, ý kiến hoặc liên kết của một bài báo lên Facebook, sẽ có người bình luận, đồng ý hoặc không đồng ý với những gì bạn đã đăng. Sau đó những người khác sẽ tham gia bình luận và bảo vệ quan điểm của họ, chẳng bao lâu, những từ ngữ cay độc sẽ được sử dụng. Mọi người sẽ bắt đầu tham gia vào một cuộc tranh luận ảo, cãi nhau với những người chưa bao giờ gặp mặt.

Nguyên nhân đằng sau điều này khá đơn giản: Chúng ta thường sẽ có phản ứng khác biệt với những gì người khác viết so với những gì họ nói, dù nội dung hoàn toàn giống nhau.

Phản ứng của chúng ta sẽ khác khi nghe hoặc đọc nội dung bằng văn bản. Ảnh: Getty Images

Phản ứng của chúng ta sẽ khác khi nghe hoặc đọc nội dung bằng văn bản. Ảnh: Getty Images

Đó là kết quả nghiên cứu của trường UC Berkeley và Đại học Chicago. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm cho 300 người đọc, xem video hoặc nghe các cuộc tranh luận về những chủ đề gây tranh cãi như chiến tranh, âm nhạc đồng quê hoặc rap. Sau đó, họ được phỏng vấn về phản ứng của mình đối với những ý kiến mà họ không đồng ý.

Phản ứng chung của họ là họ tin rằng những người không đồng ý với họ là ngu ngốc hoặc thờ ơ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể giữa những người nghe và những người đọc nội dung dưới dạng văn bản.

Những người đã nghe sẽ ít chê trách và xem thường người khác so với những người đọc nội dung.

Chia sẻ với The Washington, nhà nghiên cứu Juliana Schroeder cho biết: “Một người trong chúng tôi đã đọc một đoạn trích bài phát biểu được in trên báo của một chính trị gia mà anh ấy không thích. Tuần sau, anh ấy nghe chính xác đoạn clip bài phát biểu đó trên đài phát thanh và anh ấy đã bị sốc vì phản ứng của chính mình”. Nội dung bằng văn bản có thể gây khó chịu trong khi những lời tương tự được nói ra lại có vẻ hợp lý.

Nghiên cứu này cũng gợi ý rằng cách tốt nhất để những người bất đồng ý kiến tìm ra sự khác biệt và đạt được sự thỏa hiệp là nói chuyện với nhau, như cách mà mọi người thường làm ở các cuộc họp. Tuy nhiên, hiện giờ đa số tương tác của chúng ta diễn ra trên mạng xã hội, trò chuyện, tin nhắn văn bản hoặc email, nên những cuộc gặp gỡ trò chuyện trực tiếp đã bị giảm đi đáng kể.

Nếu bạn muốn đưa ra lập luận thuyết phục cho một quan điểm nào đó, tốt hơn hết bạn nên tạo một video ngắn hoặc liên kết đến video của người khác, thay vì viết ra.

Ngoài ra, nếu bạn đang có xu hướng tranh cãi với ai đó trên Facebook, Instagram… hoặc tin nhắn, hãy dừng lại việc nhắn tin hoặc bình luận. Thay vào đó, bạn hãy hẹn họ ra cà phê hoặc quán ăn để có thể tiếp tục trò chuyện, hoặc ít nhất là lấy điện thoại và gọi cho nhau.

Đọc thêm