Vì sao điện thoại Trung Quốc lại có giá rẻ như vậy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Điện thoại Trung Quốc đang dần thống trị các bảng xếp hạng trên toàn cầu vì hiệu suất tốt và mức giá rẻ. Vậy họ đã làm điều đó như thế nào?

Khi bắt đầu lên kế hoạch mua điện thoại mới, chắc hẳn Samsung và Apple sẽ là 2 cái tên đầu tiên mà bạn nghĩ đến. Tuy nhiên, khi các thương hiệu của Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực công nghệ, sự cạnh tranh đã tăng vọt hơn bao giờ hết.

Dưới đây là sự thật đằng sau sự bùng nổ bất ngờ của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc.

Đế chế điện tử BBK

Nếu đang sống ở châu Á, chắc hẳn là sẽ có đôi lần bạn nghe nói đến các thương hiệu điện thoại như OnePlus, vivo, OPPO, Realme… Tất cả những hãng sản xuất điện thoại này đều là công ty con của BBK Electronics có trụ sở tại TP Đông Hoản (Trung Quốc).

Trong quý 1 năm 2021, tập đoàn đa quốc gia này đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, vượt mặt cả những gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng.

bbk

BBK có thể không phải là một cái tên nổi tiếng trên toàn cầu, nhưng các thương hiệu con của họ đang dần trở nên phổ biến trong ngành công nghệ. Trên thực tế, các thương hiệu này đều đang hoạt động tách biệt, đơn cử như Realme (thương hiệu con của OPPO), iQOO (thương hiệu con của vivo)…

Về lý thuyết, những công ty con này có vẻ như không liên quan với nhau, nhưng thực tế họ lại chia sẻ rất nhiều thứ từ ý tưởng, chuyên môn cho đến chiến lược. Điều này sẽ giúp các công ty hạn chế việc thua lỗ, đây có lẽ là một trong những lý do lớn nhất dẫn đến thành công vang dội của BBK.

Để hiểu thêm về cách BBK đang thay đổi ngành công nghệ, bạn hãy xem xét kỹ hơn số liệu thống kê thị phần điện thoại thông minh toàn cầu quý 1 năm 2021.

thi-phan-thi-truong-smartphone-quy-1-2021

Tổng thị phần của 3 trong số các công ty con của BBK (OPPO, vivo và Realme) đạt 25%, vượt mặt cả Samsung (22%), Apple (17%) và đối thủ đồng hương là Xiaomi (14%). Lưu ý, thống kê này chưa bao gồm thị phần của OnePlus, mặc dù vậy BBK vẫn là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy BBK và Xiaomi đều đi theo cùng một chiến lược khi xâm nhập thị trường, chia cắt và chinh phục. Cụ thể, Xiaomi đã chia các dòng điện thoại của họ thành nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm POCO, Redmi, Black Shark và Mi (hiện tại đã bỏ), tuy nhiên tất cả đều hướng tới phục vụ một đối tượng cụ thể và một mục đích cụ thể.

Trong trường hợp của BBK, OPPO và vivo được định vị là những thương hiệu sáng tạo, tức là những thương hiệu được đầu tư nhiều vào R&D (nghiên cứu và phát triển) và đưa ra các công nghệ mới.

Trong khi đó OnePlus được định vị để mang đến các dòng smartphone cao cấp với mức giá cạnh tranh, Realme nhắm đến đối tượng người dùng quan tâm nhiều đến ngân sách.

Thương hiệu Trung Quốc

Ngày nay, với sự phổ biến của Internet, người tiêu dùng có thể tham khảo rất nhiều nguồn thông tin trước khi “xuống tiền” mua điện thoại. Lợi dụng điều này, các thương hiệu Trung Quốc đã giảm giá rất mạnh để bóp nghẹt sự cạnh tranh trong nước ngay khi họ bước vào một thị trường mới.

Vì châu Á có dân số đông, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ nên các công ty có thể giảm giá thành điện thoại, lợi nhuận sẽ ít hơn nhưng bán được nhiều hơn.

thuong-hieu-dien-thoai-trung-quoc

Đối với các thương hiệu được định vị nhắm vào phân khúc phổ thông (Redmi, Realme…), việc thu lợi nhuận trên phần cứng không phải là mục tiêu. Thay vào đó, các công ty sẽ kiếm lợi thông qua những quảng cáo tích hợp và các ứng dụng được cài mặc định trên điện thoại (bloatware).

Để đạt được mục tiêu và chiến lược đề ra, các công ty Trung Quốc thường hợp tác với những người nổi tiếng hoặc tài trợ cho sự kiện.

Một trong những lợi thế lớn nhất của việc có nhiều thương hiệu con là mỗi thương hiệu có thể được sử dụng để tạo, tiếp thị và khai thác một hình ảnh thương hiệu duy nhất. Ví dụ như OnePlus, khi vừa thành lập, công ty đã định vị mình là với các khẩu hiệu như "Never Settle" hay "Flagship Killer".

Công ty rất lắng nghe ý kiến của khách hàng và thay đổi những điểm chưa phù hợp trên các sản phẩm mới, tất cả điều này nhằm mang đến trải nghiệm smartphone cao cấp với mức giá cạnh tranh.

Các thương hiệu Trung Quốc có xu hướng tập trung vào cộng đồng và lấy khách hàng làm trung tâm, một chiến lược tuyệt vời cho thị trường châu Á vốn đang phát triển rất nhanh chóng.

Bạn có muốn mua hàng từ một thương hiệu Trung Quốc không?

Thương hiệu Trung Quốc có thể không phải là lựa chọn đầu tiên, đặc biệt nếu bạn sống ở Mỹ. Nhưng tại một thị trường phát triển nhanh như Ấn Độ, Việt Nam… các thương hiệu Trung Quốc đang dần trở nên phổ biến hơn.

Tuy nhiên, nói đi thì vẫn phải nói lại, nếu sở hữu một chiếc smartphone giá rẻ, cấu hình tốt, bạn sẽ phải đối mặt với quảng cáo tích hợp và các ứng dụng được cài đặt sẵn (không thể vô hiệu hóa), dẫn đến việc RAM bị chiếm dụng.

Bên cạnh đó, những cáo buộc liên quan đến việc các thương hiệu Trung Quốc theo dõi người dùng đang ngày một nhiều. Đây cũng là một vấn đề bạn cần xem xét trước khi nghĩ đến việc mua điện thoại Trung Quốc.

dien-thoai-trung-quoc

Đọc thêm