Vì sao 2020 là một năm ‘ác mộng’ của Huawei?

Trong khi phần lớn các hãng sản xuất đều không đạt được kỳ vọng mong muốn trong 3 tháng cuối năm, Apple vẫn đứng đầu và vượt lên tất cả.

Theo báo cáo mới nhất của Counterpoint, Apple đã đạt mức tăng trưởng hàng quý là 96% trong quý 4 năm 2020, xuất xưởng nhiều hơn gần 20 triệu chiếc điện thoại so với Samsung (hiện đang đứng vị trí thứ hai).

iphone-tang-truong-manh

iPhone tăng trưởng mạnh bất chấp đại dịch COVID-19.
Ảnh: David Imel/Android Authority

Rõ ràng iPhone 12 series đang gây áp lực đáng kể lên công ty Hàn Quốc, và kết quả là tăng trưởng hàng quý của Samsung đã giảm 22%. Tuy nhiên, nếu xét nguyên năm 2020, Samsung vẫn là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới với 19% thị phần, vị trí thứ hai thuộc về Apple với 15% thị phần. 

Xiaomi đã có một năm yên tĩnh nhưng ổn định. Công ty vẫn là nhà sản xuất lớn thứ tư trong năm 2020, xuất xưởng nhiều hơn 17% thiết bị so với năm trước. 

2020 là năm ‘ác mộng’ của Huawei

Quý 4 năm 2020 là một cơn ‘ác mộng’ đối với Huawei. Vẫn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, công ty đã rớt xuống vị trí thứ sáu (từ vị trí thứ tư trong quý 3 năm 2020). 

Hãng chỉ xuất xưởng 33 triệu thiết bị trong quý 4 năm 2020, giảm 35% so với quý 3 năm 2020. Các thương hiệu của BBK là Oppo và Vivo đã tăng lượng xuất xưởng lần lượt 10% và 8% so với quý trước để vượt mặt gã khổng lồ Trung Quốc (Huawei). 

Nhìn tổng thể trong năm 2020, Huawei vẫn giữ vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng toàn cầu. Công ty đã bán được 187,7 triệu thiết bị và chiếm 14% thị phần, tuy nhiên con số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm vào năm 2021.  

huawei-mate-40-pro

Lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei lao đao, thị phần sụt giảm nghiêm trọng.
Ảnh: Ryan-Thomas Shaw/Android Authority

Nỗi bất hạnh của Huawei bắt đầu vào năm 2019 khi chính quyền Trump đưa công ty vào danh sách đen thương mại, cấm làm ăn với các công ty Mỹ và ngược lại. Với sự thay đổi nhân sự gần đây, có hy vọng cho rằng Huawei sẽ được “khoan hồng”, tuy nhiên khả năng này có phần hơi ảm đạm khi Tổng thống Biden đã chọn Gina Raimondo làm Bộ trưởng Thương mại.

Khi trả lời các câu hỏi bằng văn bản từ các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện, Raimondo  nói rằng “không có lý do gì” để Huawei và các công ty Trung Quốc không phải tiếp tục chịu lệnh cấm vận thương mại.

Phản ứng trước nhận xét của Raimondo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Wang Wenbin cho biết: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt tình trạng đàn áp bừa bãi đối với các công ty Trung Quốc”, tại một cuộc họp báo diễn ra ở Bắc Kinh hôm thứ Năm.

Với những thông tin gần đây, nhiều khả năng Huawei sẽ chưa hoặc sẽ không nhận được bất kỳ ân xá nào từ các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ. Dù công ty đang phát triển hệ điều hành của riêng mình (HarmonyOS), nhưng một số bằng chứng cho thấy đây vẫn là hệ điều hành được “xào” lại từ Android 10.  

Những việc mà Huawei đang làm dường như không đủ để lấy lại sự thiếu vắng các dịch vụ của Google và sự quan tâm đã mất của người dùng. 

Realme tỏa sáng, Lenovo tàn lụi

Realme đã đạt mức tăng trưởng khổng lồ 417% trong năm 2019, dù năm 2020 có phần chậm lại, nhưng các lô hàng xuất xưởng vẫn tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty hiện đang đạt được nhiều thành công tại thị trường Ấn Độ, nơi nó đang chiếm 13% thị phần trong khu vực (giữ vị trí thứ tư tại thị trường này). 

realme-x3

Realme tăng trưởng mạnh tại Ấn Độ. Ảnh: Android Authority

Ngoài Huawei thì Lenovo cũng là một trong những nhà sản xuất gặp nhiều trắc trở trong năm 2020. 

2020 là một năm có nhiều vui buồn lẫn lộn đối với LG. Mặc dù tổng lượng hàng xuất xưởng giảm 13% trong năm 2020, nhưng quý cuối cùng của năm đã xuất hiện tia hi vọng báo trước sự phục hồi của công ty. 

Số lượng thiết bị xuất xưởng trong quý 4 năm 2020 tăng 600.000 thiết bị so với quý 4 năm 2019, phần lớn nhờ vào các sản phẩm tầm trung và các thiết bị mới như LG Wing.

Đọc thêm