TP.HCM: Mô hình '2 đội y tế' cứu nhiều F0 thoát chết

Hôm 14-8, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát đối với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang theo dõi tại nhà và cộng đồng. Trong đó, các ca F0 được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất và tinh thần. Trên thực tế, TP.HCM thời gian qua đã có một số đơn vị triển khai việc chăm sóc F0 trong cộng đồng, điển hình là mô hình của ĐH Y Dược TP.HCM triển khai tại quận 10 và mới nhân rộng tại quận 8.

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, PGS-TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa y ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định việc chăm sóc các ca F0 tại nhà là rất quan trọng. Việc này cần các mô hình hoạt động khoa học và hiệu quả để vừa trấn an người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm và quan trọng nhất là kịp thời cứu chữa các trường hợp F0 có nguy cơ trở nặng và tử vong nếu không phát hiện kịp thời.

Chăm sóc F0 tại nhà rất quan trọng

. Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của việc chăm sóc, tư vấn cho các ca F0 tại địa phương trong chiến lược chống dịch của TP.HCM với bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay?

+ PGS-TS Vương Thị Ngọc Lan: Hiện nay, chiến lược chống dịch ở TP.HCM đang chuyển sang giai đoạn mới. TP có chủ trương cách ly F0 tại nhà khi số ca F0 ở địa phương quá nhiều. Theo các nghiên cứu về dịch tễ, 80% số lượng F0 là không có triệu chứng; 20% cần thở ôxy, trong đó có 5% có triệu chứng nặng, cần can thiệp hỗ trợ hô hấp chuyên sâu.

Do đó, khi thực hiện cách ly F0 tại nhà, các vấn đề cần được quan tâm nhất hiện nay là: (i) Tâm lý lo âu; (ii) Các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch cần được theo dõi; (iii) Phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng; (iv) Tiếp cận nhân viên y tế để được hỗ trợ, đưa đi cấp cứu sớm và kịp thời; và (v) Tránh lây nhiễm cho những người cùng nhà, cùng địa phương.

Do đó, việc chăm sóc, tư vấn cho các ca F0 tại nhà có vai trò rất quan trọng, giúp người dân an tâm, biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, tránh lây nhiễm cho người xung quanh và nhất là giúp nhận biết sớm dấu hiệu trở nặng và đưa bệnh nhân (BN) đi cấp cứu kịp thời.

Một điểm quan trọng là mô hình này giúp BS nhận diện tình trạng bệnh để chuyển viện đúng tầng, làm giảm tải các khu cách ly, bệnh viện điều trị COVID-19. Đặc biệt xử lý kịp thời những trường hợp F0 trở nặng, giúp tăng cơ hội sống cho người bệnh. Tính phổ biến của mô hình là không cần lực lượng nhiều, chỉ cần dùng các ứng dụng hiện nay như Viber, Zalo… là có thể thực hiện.

GS-TS-BS TRẦN DIỆP TUẤN, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM (tại buổi gặp mặt Bí thư Nguyễn Văn Nên ngày 13-8)

Mô hình “hai đội y tế”

. Trong cuộc gặp gỡ với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên mới đây, bà có chia sẻ về mô hình mà Trường ĐH Y Dược TP.HCM thực hiện ở quận 10 nhằm giúp F0 đang cách ly tại nhà tự theo dõi sức khỏe. Xin bà nói rõ về mô hình và cách vận hành mô hình này? 

+ Mô hình mà chúng tôi triển khai thời gian qua được tổ chức gồm hai đội. Đội 1 có nhiệm vụ giám sát từ xa sức khỏe của các ca F0, phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng. Trong khi đó, đội 2 phản ứng nhanh, đưa BN có dấu hiệu trở nặng để xử trí cấp cứu kịp thời. Cụ thể, cách thức tổ chức và hoạt động của hai đội như sau.

Đội 1: Giám sát từ xa các F0 tại nhà. Chúng tôi tổ chức thành nhiều nhóm, mỗi nhóm gồm một bác sĩ (BS) đa khoa, 2-3 sinh viên khối ngành sức khỏe. Mỗi nhóm sẽ chăm sóc cho 20-30 ca F0 (thường chia theo hộ gia đình). Điểm đặc biệt của đội 1 trong mô hình của chúng tôi là chăm sóc sức khỏe theo cách cá thể hóa như là các BS gia đình.

Nhóm chăm sóc sức khỏe chủ động liên lạc với BN theo hình thức trực tuyến, chăm sóc sức khỏe, phân loại nguy cơ. Việc khám bệnh trực tuyến được thực hiện 1-3 ngày/lần, tùy theo BN thuộc nhóm nguy cơ cao hay thấp, tình trạng BN có hay không có triệu chứng và theo ngày diễn tiến bệnh. BN giữ số liên lạc của BS chăm sóc sức khỏe cho mình, khi có vấn đề gì, BN gọi, BS nghe máy ngay, xem tình trạng BN thế nào qua video, Zalo, Viber, FaceTime… Nếu phát hiện có dấu hiệu trở nặng, BS sẽ báo ngay cho đội 2.

Đội 2: Đội phản ứng nhanh tại Trạm cấp cứu ngoại viện. Chúng tôi tổ chức 20 giường sơ cấp cứu, có các phương tiện hỗ trợ hô hấp và sơ cấp cứu. Nhân sự đội 2 gồm bốn BS chuyên khoa, bốn BS đa khoa, 12 điều dưỡng, tám sinh viên y khoa và hai hộ lý. Chúng tôi chia thành bốn kíp, mỗi kíp gồm hai BS, ba điều dưỡng, hai sinh viên và một hộ lý, làm việc ba ca, mỗi ca 8 tiếng.

Khi có ca F0 có dấu hiệu trở nặng, đội 1 gọi cho đội 2 và đội 2 đưa xe cấp cứu đến nhà BN, đưa BN về Trạm cấp cứu ngoại viện, xử trí cấp cứu. Nếu BN giảm nhẹ triệu chứng, đưa BN về nhà và giao lại cho đội 1 tiếp tục giám sát tại nhà. Nếu BN vẫn còn nặng, chuyển viện lên các tầng trên. Đội 2 sẽ giúp cấp cứu kịp thời, tăng cơ hội sống cho BN, phân tầng, chuyển viện kịp thời và an toàn đến các bệnh viện tầng trên.

(Nguồn: Mô hình ĐH Y Dược TP.HCM) Đồ họa: ĐÔNG TRÚC

Những kết quả lạc quan

. Xin bà chia sẻ về kết quả ban đầu mà mô hình đã thực hiện được?

+ Mô hình thực hiện ban đầu ở một phường tại quận 10, sau đó triển khai rộng cho toàn quận đã giúp giảm tỉ lệ tử vong nhờ vào việc phát hiện sớm các BN có thể trở nặng.

Điểm mạnh và khác biệt của mô hình này so với các mô hình khác là chủ động chăm sóc sức khỏe F0, không phải chờ khi F0 có triệu chứng thì mới tiếp cận; cá thể hóa chăm sóc F0 như BS gia đình, trấn an BN; cấp cứu kịp thời, chuyển viện đúng tầng và an toàn, chuyển viện hai chiều; đặc biệt là có sự liên kết giữa đội 1 và đội 2 và ngược lại để chăm sóc F0 toàn diện.

Ưu điểm của mô hình là áp dụng ở các địa bàn có số F0 lớn, có thể triển khai nhanh, kinh phí thấp so với hiệu quả đạt được và sử dụng nguồn nhân lực y tế phù hợp.

Khó khăn chính của mô hình là việc cập nhật danh sách F0 cần liên tục, cần sự phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương. Công tác hậu cần trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc men cần thiết cho trạm cấp cứu cộng đồng và chuyển viện lên tầng trên còn khó khăn. Với sự phối hợp chặt chẽ của địa phương thì hai khó khăn đầu có thể giải quyết được. Vấn đề chuyển viện thì hy vọng khi có nhiều mô hình chăm sóc F0 ở cộng đồng sẽ giảm tải cho các tầng trên. Ngoài ra, thêm nhiều bệnh viện hồi sức COVID-19 được thành lập thì việc chuyển viện sẽ bớt khó khăn hơn.

Đội ngũ y tế hỗ trợ kịp thời cho người dân tại nhà sẽ có thể cứu nhiều người thoát khỏi tử vong. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

. Được biết sau khi triển khai thành công ở quận 10 thì hiện dự án được triển khai tiếp tục ở quận 8. Khu vực này được cho là tình hình dịch nặng và phức tạp. Đội ngũ có những khó khăn gì và có giải pháp nào hay chưa?

+ Chúng tôi đã triển khai mô hình ở quận 8 được hơn một tuần. Chúng tôi đã triển khai 130 nhóm giám sát F0 tại nhà và Trạm cấp cứu cộng đồng cũng đã được thành lập tại Trung tâm văn hóa quận 8, cấp cứu cho hàng trăm trường hợp. Ở quận 8, tình hình dịch diễn biến nặng và phức tạp tạo áp lực khá lớn cho cả hai đội khi làm việc. Tuy nhiên, sau một tuần làm việc, quy trình phối hợp giữa hai đội đã khá ổn. Khó khăn cũng có nhiều nhưng chúng tôi vẫn đang làm việc, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo và y tế địa phương để giải quyết.

. Xin cám ơn bà.

 Mô hình hay cần sớm nhân rộng

Bí thư Thành ủy TP.HCM hôm 13-8 bày tỏ vui mừng khi việc áp dụng mô hình giúp giảm được số ca tử vong. Đặc biệt, từ hiệu quả ở quận 10, mô hình kịp thời triển khai ở quận 8 - nơi có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp. Bí thư đánh giá đây là mô hình rất hay và hiệu quả mà TP đang cần, từ đó chỉ đạo UBND TP phải sớm nhân rộng mô hình này ra toàn TP. Ông Nguyễn Văn Nên cũng gợi ý tổ chức tập huấn hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình để sớm đưa vào hoạt động bài bản, giúp giảm áp lực cho tuyến trên, góp phần chăm sóc và điều trị F0 trở nặng được tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm