Sự kết hợp của giải mã gene và trí tuệ nhân tạo

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Roy Perlis đến từ trung tâm nghiên cứu gene của Đại học Y Khoa Harvard nhấn mạnh vào những thách thức và lợi ích của việc ứng dụng di truyền trong cải thiện, chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân. Ông cho biết có rất nhiều căn bệnh nguy hiểm là bệnh di truyền như tự kỷ, tiểu đường loại II, ung thư vú,… vì thế, việc ứng dụng giải mã gene vào điều trị bệnh sẽ giúp chúng ta có phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Tuy nhiên có một thách thức trong việc ứng dụng giải mã gene vào chăm sóc sức khoẻ, ở thời điểm hiện tại, trong ngân hàng gene thế giới chưa có nhiều dữ liệu gene của người châu Á. Do đó nhiều mô hình điều trị mô phỏng dành cho người châu Á vẫn chưa có độ chính xác nhất định. Thêm vào đó, những rủi ro bệnh phát sinh từ những biến dị trong gene của người châu Á vẫn chưa được khám phá.

Trước chia sẻ trên, ông David Strohm, người được mệnh danh là “Người săn kỳ lân” của thế giới cùng giáo sư Gill Bejerano- chuyên gia chuyên ngành máy tính, bày tỏ quan điểm cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Big Dta trong giải mã gene, vì theo ông Gill Bejerano tính đến thời điểm này trí tuệ nhân tạo đã mang lại những kết quả đáng kể trong giải mã gene như: đưa ra các dự đoán liên quan đến nguy cơ bệnh tật dựa vào các biến dị mã hoá. Đây là những thông tin cực kì quan trọng trong việc thiết lập kế hoạch phòng ngừa bệnh tật.

Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của Genetica khẳng định Genetica được thành lập với mục đích mong muốn mang hệ gene của người Việt nói riêng và người châu Á nói chung vào bản đồ gene thế giới, để từ đó dần dần hiện thực hoá việc “chăm sóc chính xác” sức khoẻ cho người Việt. Vì thế ông Tuấn bày tỏ: “Chúng tôi cố gắng mang công nghệ và đội ngũ từ Hoa Kỳ về quê hương với mong muốn sự kết hợp của giải mã gene và công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ là một phương thức đột phá giúp cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam trở nên hiệu quả hơn, dễ dàng hơn, và chính xác với từng cá nhân”.

Đọc thêm