Sẽ có sàn giao dịch tiền ảo bitcoin?

Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam có trụ sở tại Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM) vừa phát đi thông cáo về việc công ty này đã hợp tác với Bit2C (một công ty ở Israel) để lập sàn giao dịch bitcoin trực tuyến đầu tiên (VBTC) tại Việt Nam.

Sàn giao dịch lạ

Theo đó, hai đơn vị này đã chính thức ký hợp tác vào ngày 24-3 và dự kiến sàn giao dịch trực tuyến VBTC sẽ được ra mắt vào cuối tháng 4 tới. Đồng thời, Hiệp hội Bitcoin Việt Nam sẽ lần đầu tiên khai mạc hội nghị Bitcoin vào ngày 23-5 (ngay sau hội nghị ngân hàng 2014 diễn ra từ ngày 20 đến 22-5 tại Hà Nội).

Thông cáo báo chí trích lời bà Nguyễn Trần Bảo Phương, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam, cho rằng mặc dù có nhiều tin tức tiêu cực sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cảnh báo về những rủi ro liên quan đến bitcoin, tuy nhiên việc sử dụng bitcoin chưa bao giờ bị cấm ở Việt Nam. “Bitcoin Việt Nam tin tưởng rằng sự hợp tác sắp tới về việc ra mắt sàn giao dịch trực tuyến bitcoin đầu tiên tại Việt Nam sẽ thiết lập một mốc quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế bitcoin tại Việt Nam và sẽ nhanh chóng được mở rộng” - thông cáo khẳng định.

Trên trang web của công ty tại địa chỉ www.bitcoinvietnam.com.vn khẳng định đây là sàn giao dịch bitcoin đầu tiên ở Việt Nam được đăng ký kinh doanh đầy đủ. Hiện mã số giấy phép kinh doanh là 0312584713, cấp ngày 12-12-2013 và mã số thuế là 0312584713.

Không như thông tin ban đầu

Phòng Kiểm tra (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam do bà Nguyễn Trần Bảo Phương (không phải ông như một số báo đã đưa thông tin) là chủ sở hữu và là giám đốc. Công ty này đăng ký 12 ngành, nghề kinh doanh như bán lẻ hàng may mặc (ngành chính), bán lẻ hàng lưu niệm, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông…

Phòng này cho biết 12 ngành, nghề trên không thuộc diện kinh doanh có điều kiện nên Sở cấp đăng ký kinh doanh là đúng quy trình. Trường hợp doanh nghiệp này muốn mở sàn giao dịch hàng hóa thì phải xin phép Bộ Công Thương. Về việc trong tên doanh nghiệp có chữ bitcoin, phòng cũng cho biết tên này được chấp nhận vì không vi phạm quy định về đặt tên doanh nghiệp, được xem như là ghép các chữ cái lại với nhau mà thành.

Ngày 28-3, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cũng có thông báo liên quan đến Công ty Bitcoin Việt Nam. Trong đó nói rõ lý do Cục từ chối hồ sơ thông báo của website www.bitcoinvietnam.com.vn như một website thương mại điện tử. “Việc thông báo website chỉ áp dụng đối với các website thương mại điện tử bán hàng, trên đó người bán phải cung cấp thông tin cho khách hàng để có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ khi quyết định giao kết hợp đồng. Hiện tại tiền ảo bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phân tích. Do việc sở hữu và sử dụng bitcoin như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ, Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia mua bán bitcoin hay sử dụng bitcoin để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử.

Một luật sư cho rằng doanh nghiệp có thể nói pháp luật không cấm thì doanh nghiệp có quyền làm và tự chịu trách nhiệm. Đối với vụ việc bitcoin, chưa có văn bản nói cấm. Các cơ quan liên quan như NHNN, Cục Thương mại… đều chỉ khuyến cáo, cảnh báo mà thôi, như vậy càng rõ là không cấm. Mua thịt, mua cá, mua đồ hiệu mà còn “khôn nhờ, dại chịu”, nói gì mua đồ ảo, cho nên đã có khuyến cáo của cơ quan quản lý mà người dân vẫn muốn tham gia mua bán thì tự chịu trách nhiệm, như trước đây rộ lên việc mua tài sản ảo (kiếm ảo, ngựa ảo…) trong game online vậy.

QUỲNH NHƯ - TRÀ PHƯƠNG

 

Bitcoin không phải là tiền tệ

Quan điểm của NHNN không xem bitcoin là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo. Đây là hình thức tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.

Ông ĐOÀN THÁI SƠN, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm