Phần mềm ‘học trực tuyến’ nước ngoài có đáp ứng tiêu chuẩn của lớp học online?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ứng dụng “học trực tuyến” của nước ngoài sinh ra với mục đích họp trực tuyến, chỉ đáp ứng cho nhu cầu truyền phát trực tiếp (video streaming) và hội thoại, chứ các quy chuẩn, quy định về quản lý và dạy học trực tuyến theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chưa đáp ứng. Để học trực tuyến một cách tốt hơn, VNPT cho ra sản phẩm VNPT – Elearning, sản phẩm sinh ra để phục vụ lớp học online, mang tính đường dài và hướng tới mạng giáo dục, hệ sinh thái giáo dục.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone

Để tìm hiểu rõ hơn bất cập phát sinh trong những ngày học đầu tiên như nghẽn mạng, học sinh khó truy cập phần mềm, hoặc đang học thì bị văng ra khỏi lớp học… chúng tôi đã có phỏng vấn với ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone:

PV: Nhiều người cho rằng, xảy ra tình trạng nghẽn mạng, khó truy cập hoặc học sinh đang học bị văng ra khỏi lớp học là do đường truyền Internet. Là một nhà cung cấp cả ứng dụng học trực tuyến (phần mềm VNPT – Elearning) và cung cấp dịch vụ Intenret, ông đánh giá như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone: Theo một số thống kê, trong đợt dịch vừa rồi người dùng Việt Nam dùng rất nhiều phần mềm nước ngoài. Các phần mềm nước ngoài có yếu tố trải nghiệm người dùng tốt, tuy nhiên đa phần các phần mềm này có máy chủ đặt ở nước ngoài và bị ảnh hưởng rất nhiều yếu tố về đường truyền, phạm vi địa lý nên không đáp ứng được yêu cầu của việc học trực tuyến.

Đặc biệt, khi phần mềm đó kinh doanh trên nền tảng cloud với mục đích chính là hội thảo trực tuyến (video conference). Trong khi nhu cầu của các cơ sở giáo dục là tổ chức các hoạt động quản lý, dạy, học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến nên xảy ra nhiều bất cập trong việc sử dụng.

Thêm nữa, người dùng Việt Nam, đặc biệt là trẻ em trong quá trình học, sử dụng những tính năng của phần mềm không thành thạo, ra vào liên tục, cũng là một trong những lý do tạo ra chất lượng không ổn định.

PV: Cho dù các nền tảng/phần mềm của ngước ngoài chỉ đáp ứng cho nhu cầu video conference nhưng thực tế, nhưng khi các trường học ở nhiều tỉnh học trên cả nước triển khai học online thì các phần mềm ngoại này “lan” đến trường học nhanh hơn, còn các phần mềm trong nước dường như lại chậm hơn. Vì sao vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone: Như tôi phân tích, phần mềm “học trực tuyến” nước ngoài đáp ứng khá tốt nhu cầu video streaming và hội thoại – là hai nhu cầu rất cơ bản của lớp học trong điều kiện đang rất “nóng” để sớm đưa việc giảng dạy và học tập quay trở lại. Việc sử dụng các phần mềm này cũng có thói quen từ người dùng là người lớn, từ các công sở trong suốt năm qua làm việc trên môi trường trực tuyến trên các phần mềm này và bắt đầu lan toả đến môi trường giáo dục.

Thứ hai, phần lớn các phần mềm nước ngoài đều sở hữu bởi các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới cho nên tính lan tỏa và mức hoàn thiện của sản phẩm khá cao. Đây cũng là lý do mà chúng tôi tích hợp tất cả các phần mềm nước ngoài vào phần mềm VNPT E-learning để tận dụng được tất cả những ưu việt của phần mềm ngoại, kết hợp với tính năng chuẩn hóa cho một lớp học thông minh, trường học thông minh theo quy định của Bộ Giáo dục.

Trong nước có những sản phẩm thay thế cho việc hội thảo trực tuyến, tuy nhiên những hệ thống đấy mới đáp ứng cho nhu cầu công sở, chứ chưa đáp ứng cho nhu cầu hộ gia đình và giáo viên, vì vậy chưa thuận tiện bằng phần mềm nước ngoài. Điều này cần thời gian thì Việt Nam mới phát triển được.

PV: Phân tích như vậy nghĩa là phần mềm “học trực tuyến” ngoại hiện nay không đáp ứng tiêu chuẩn của lớp học online?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone: Phần mềm ngoại chỉ đáp ứng 1 phần trong việc tổ chức lớp học online đó là tạo ra một kênh hội thoại giữa giáo viên và học sinh thông qua môi trường internet. Tuy nhiên, các phần mềm này thiếu các tính năng cơ bản của một hệ thống quản lý học tập trực tuyến như: Tổ chức  kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; Quản lý hồ sơ, tiến trình học tập của học sinh và các hoạt động dạy của giáo viên; Liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý nhà trường hay cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; Giúp phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập của con em mình; Giúp các em học sinh có thể học tập mọi nơi, mọi lúc…

Một phần mềm phải giáo dục phải đáp ứng được yêu cầu của 5 đối tượng: các nhà quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh thì mới phù hợp trong việc tổ chức các lớp học online.

Như phần mềm VNPT E-Learning của VNPT không những đáp ứng được những yêu cầu quản lý, giám sát của các cơ sở giáo dục mà còn cung cấp cho giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh những tính năng hỗ trợ để đảm bảo việc giảng dạy và học tập được diễn ra một cách chất lượng nhất. Ngoài ra, VNPT còn ứng dụng một số công nghệ 4.0 vào sản phẩm của mình để giải quyết những bài toán thực tiễn. Có thể kể đến như: Ứng dụng AI trong việc phòng chống thi hộ, học hộ…

PV: Hiện những bất cập của việc học trực tuyến như kể trên khiến nhiều phụ huynh học sinh vẫn lo lắng và vẫn chưa được khắc phục triệt để, vậy theo ông đâu là giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone: Có hai giải pháp. Thứ nhất, để sử dụng các phần mềm giáo dục trực tuyến đầu tiên các trường, các sở giáo dục phải là những đơn vị đưa ra những tiêu chí đánh giá và lựa chọn các phần mềm sẽ sử dụng trong trường mình, trong sở giáo dục của mình để làm sao đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu giáo dục của trường, của sở.

Thứ hai, trước khi áp dụng vào cũng phải bước hướng dẫn sử dụng và khuyến nghị cho người sử dụng. Người sử dụng có 2 đối tượng, giáo viên thì phải được đào tạo vì quản lý một lớp học online khác với một lớp học tại trường offline. Còn người học, có 2 đối tượng là những học sinh nhỏ, quen tự do và ngồi một mình thì phải có bố mẹ bên cạnh để dạy, và bản thân bố mẹ cũng phải huấn luyện cho con cái sử dụng thành thạo phần mềm.

Đặc biệt, phần mềm giáo dục chạy trên nền tảng Internet và có thể có xung đột, những lỗi xung đột mà trẻ con không thể nhận ra được nên việc hỗ trợ người dùng từ các đơn vị cung cấp dịch vụ là rất quan trọng.

VNPT có lực lượng hỗ trợ trên khắp 63 tỉnh thành phố. Bất kỳ trường nào, thày cô giáo nào gặp vấn đề đều có thể liên hệ với VNPT để làm rõ khúc mắc về sử dụng, cấu hình.

PV: Xin cảm ơn ông về những thông tin vừa rồi.

Đọc thêm