Thành phố nơi bạn ở có thể không bao giờ ngủ, hay nói đúng hơn các kết nối Internet ở đó luôn luôn hoạt động. Nhưng có nhiều nơi trên thế giới, Internet thực sự “ngủ” vào ban đêm.
Trong khi Internet luôn hoạt động “sáng đèn” ở một số nơi – như Mỹ và châu Âu, thì ở những nơi khác, hoạt động truy cập Internet của người dùng lại rất khác nhau trong ngày, đặc biệt ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Cụ thể, theo nghiên cứu của trường Đại học Southern California, trong khi Mỹ, nhiều nước ở Nam Phi, và các nước Tây Âu liên tục kết nối Internet, những quốc gia như Armenia, Georgia, và Belarus, Internet hoạt động như con người, nghĩa là thông suốt vào ban ngày và mức độ sử dụng Internet lên đến đỉnh điểm vào ban ngày, nhưng khi đêm xuống, mạng Internet lại “đi ngủ”.
![]() |
Ảnh minh họa về hoạt động của mạng Internet |
Bức ảnh động GIF trên đây minh họa sự thay đổi tần suất sử dụng Internet, khi màn đêm buông xuống. Những chấm đỏ/hồng là khi hoạt động Internet đang diễn ra tích cực, còn những chấm xanh là biểu thị của hoạt động truy cập internet thấp hơn mức trung bình.
Số liệu này do các nhà nghiên cứu Viện Khoa học Thông tin của USC Viterbi, thuộc trường Đại học Southern California, Mỹ, thu thập. Trong vòng 2 tháng, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu thói quen sử dụng Internet của 3,7 triệu khối địa chỉ IP – đại diện cho khoảng 1 tỷ trong số gần 4 tỷ địa chỉ IPv4 trên toàn cầu.
Với thực tế “mạng Internet đi ngủ vào ban đêm”, các nhà nghiên cứu đã suy đoán một số nguyên nhân. Đầu tiên, hoạt động truy cập Internet vào ban ngày chủ yếu tập trung vào những quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn. Điều này không có gì ngạc nhiên, vì những quốc gia có nền kinh tế mạnh hơn thường là quê hương của các kết nối Internet băng rộng luôn luôn “sáng đèn”, chứ không phải là quê hương của những kết nối dial-up thường bị “tắt đèn đi ngủ” vào ban đêm. Mặt khác, một số quốc gia và khu vực đang cố gắng tiết kiệm điện bằng cách tắt bớt các thiết bị vào ban đêm, chính vì thế đây cũng có thể là nguyên nhân của thói quen sử dụng internet tập trung vào ban ngày.
Phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách phát triển hệ thống tốt hơn nhằm kiểm soát và theo dõi các vụ sập mạng Internet, chẳng hạn như vụ sập mạng ở khu vực New York sau cơn bão Hurricane Sandy. Hiểu được cơ chế hoạt động của mạng Internet cũng như hiểu vì sao mạng Internet lại “đi ngủ” sẽ giúp họ tránh nhầm lẫn đó là một vụ mất kết nối Internet.
“Internet rất quan trọng với đời sống mọi người và các doanh nghiệp, từ việc xem phim giải trí trực tuyến đến mua hàng online. Kiểm soát các vụ sập mạng lưới là bước đầu tiên để cải thiện độ tin cậy của mạng Internet”, John Heidemann, giáo sư nghiên cứu tại USC Viterbi School nói.
“Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên để phát hiện ra các chính sạch mạng ảnh hưởng như thế nào đến việc mạng lưới được sử dụng”, ông nói.
Trong khi đó, nói vui về hiện tượng “mạng internet đi ngủ”, trang Popular Science viết rằng ít nhất việc Internet “thiếu ngủ” ở một số quốc gia cũng không gây ra những tác hại sức khỏe như đối với con người, song những đêm dài truy cập Wikipedia, chơi game online và xem video trên YouTube cũng có thể khiến nhiều người ngáp ngủ vào sáng hôm sau.
Theo Bảo Bình (ICTNews / Popsci, University of Southern California)