Nhiều thông tin sai lệch về vaccine tồn tại trên TikTok

AUDIO bài viết


Trong thời gian gần đây, tình trạng tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng không ít đến công tác phòng chống dịch bệnh, chưa kể đến việc nhiều người còn bị sập bẫy của kẻ gian và mất tiền oan uổng.

Theo Guardian, những lời nói dối và thuyết âm mưu liên quan đến dịch bệnh đã thu hút được hàng triệu lượt xem (trong đó có trẻ em) trên mạng xã hội TikTok trong nhiều tháng qua. Các nhà nghiên cứu cho biết, tin giả có tốc độ lan truyền nhanh hơn gấp 3 lần so với các tin tức chính thống. 

Sau khi phát hiện nhiều tài khoản TikTok với hàng trăm ngàn lượt theo dõi khuyến khích mọi người không nên tiêm vaccine, NewsGuard (một tổ chức chuyên theo dõi các thông tin sai lệch trực tuyến) đã ngay lập tức gửi báo cáo cho chính phủ Vương quốc Anh và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, những nội dung này vẫn tồn tại trên TikTok, thậm chí một số video sai lệch còn thu hút đến 9,2 triệu lượt xem.

tiktok

Một tài khoản TikTok với hàng trăm ngàn người theo dõi đã khuyến khích mọi người không chích ngừa. Ảnh: Robin Utrecht/Rex 

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ, sau khi có thông tin cho rằng Instagram (thuộc sở hữu của Facebook) đang gây hại cho thanh thiếu niên. 

Theo điều tra của NewsGuard, nhiều trẻ em đã nhập ngày sinh giả nhằm vượt qua giới hạn về độ tuổi của TikTok (từ 13 tuổi trở lên) để xem được đầy đủ nội dung. 

Chia sẻ với Guardian, TikTok cho biết công ty đã làm việc liên tục để hạn chế các nội dung và tài khoản chia sẻ thông tin sai lệch, trong đó chủ yếu là những nội dung sai về tác dụng phụ và tỉ lệ hiệu quả của các loại vaccine. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn khi thực tế là trẻ em ngày càng tương tác nhiều với các nội dung sai lệch.

Công ty nói rằng họ đã gỡ bỏ 30.000 video chứa thông tin sai lệch về dịch bệnh trong quý đầu tiên của năm 2021. Đó là một bước đi tốt, nhưng còn lại bao nhiêu video chưa được xóa bỏ? 

Alex Cadier, Giám đốc điều hành NewsGuard tại Vương quốc Anh, cho biết: “TikTok đã không ngăn chặn được sự lan truyền của các thông tin sai lệch về sức khỏe trên nền tảng của họ. Ứng dụng vẫn cho phép các nội dung chống vaccine và các trò lừa về sức khỏe được lan truyền mà không hề kiểm duyệt”. 

Vừa qua, Financial Times đã đưa tin về việc 5Rights (một tổ chức quyền kỹ thuật số) cáo buộc hàng chục công ty công nghệ, bao gồm TikTok, Snapchat, Twitter và Instagram đã không bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.  

Những công ty kể trên đã sử dụng các thủ thuật để khuyến khích trẻ em chia sẻ vị trí hoặc nhận quảng cáo được cá nhân hóa, đồng thời phân phối các nội dung không hợp với lứa tuổi như tự làm hại bản thân, trò chuyện video với người lạ…

Thống kê của Statista cho thấy, 1/4 trong số 130 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của TikTok ở Mỹ có độ tuổi từ 10-19 tuổi, hơn phân nửa trong tổng số người dùng chưa đến 30 tuổi.

TikTok đã bắt đầu làm lu mờ các nền tảng mạng xã hội khác, vượt qua YouTube về thời gian xem trung bình đối với người dùng Android ở Mỹ và Anh. Theo App Annie, TikTok là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất thế giới vào năm 2020.

Người phát ngôn của TikTok cho biết: “Các nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi nêu rõ rằng chúng tôi không cho phép thông tin sai lệch về y tế, bao gồm cả thông tin sai lệch liên quan đến vaccine. Chúng tôi làm việc liên tục để hạn chế các nội dung và tài khoản lan truyền thông tin sai lệch”.  

TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, một tập đoàn Internet có trụ sở tại Trung Quốc.

Đọc thêm