Nguy cơ mất tiền khi sử dụng ChatGPT giả mạo

(PLO)- Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo cài đặt ứng dụng ChatGPT, đa phần những liên kết này đều dẫn đến các ứng dụng giả mạo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, thông tin về ChatGPT đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng và bạn đọc. Tuy nhiên, chính vì sự phổ biến này mà đã có không ít ứng dụng ChatGPT giả mạo xuất hiện “ăn theo” khiến người dùng có nguy cơ gặp rủi ro về tài chính và dữ liệu.

Ra mắt vào cuối tháng 11-2022, ChatGPT (chatbot AI do OpenAI phát triển) đã nhanh chóng gây bão trong cộng đồng mạng khi hệ thống này được “huấn luyện” để trả lời các câu hỏi về mọi lĩnh vực, làm thơ, sáng tác nhạc, viết code, tâm sự…

Nhiều ứng dụng giả mạo ChatGPT “chính chủ”

Không giống như Google (chỉ hiển thị các trang web cung cấp kết quả tìm kiếm), ChatGPT sẽ trả lời ngay lập tức câu hỏi bạn mong muốn dựa vào các dữ liệu được cung cấp.

Tuy nhiên, không vì vậy mà ChatGPT kém hấp dẫn, ngược lại hệ thống hiện có hơn 100 triệu người dùng. Chính vì sự phổ biến này mà đã có không ít ứng dụng ChatGPT giả mạo xuất hiện “ăn theo” trên Google Play và App Store với lời tuyên bố cung cấp nhiều tính năng vượt trội hơn những gì ChatGPT có thể làm được.

Theo ghi nhận của PV, đa số ứng dụng ChatGPT giả mạo đều sử dụng logo OpenAI, đi kèm theo đó là cách đặt tên dễ gây nhầm lẫn, thậm chí trong phần mô tả một số ứng dụng còn tuyên bố là ChatGPT “chính chủ” của OpenAI.

Hiện OpenAI chưa phát hành ứng dụng ChatGPT chính thức trên Google Play và App Store, do đó tất cả ứng dụng có tên gọi tương tự đều giả mạo. Ảnh: TIỂU MINH
Hiện OpenAI chưa phát hành ứng dụng ChatGPT chính thức trên Google Play và App Store, do đó tất cả ứng dụng có tên gọi tương tự đều giả mạo. Ảnh: TIỂU MINH

Nhiều ứng dụng giả mạo ChatGPT trên App Store và Google Play hiện có hơn 100.000 lượt tải xuống, tuy nhiên một số đã bị Google và Apple gỡ bỏ sau khi nhận được báo cáo của các chuyên gia bảo mật.

Mới đây, OpenAI cũng đã ra mắt gói thuê bao trả phí ChatGPT Plus với giá 20 USD/tháng. So với phiên bản miễn phí, ChatGPT Plus cho thời gian trả lời nhanh hơn (thậm chí trong những khung giờ cao điểm) và người dùng sẽ được ưu tiên trải nghiệm các tính năng, cải tiến mới. Lưu ý, hiện tại ChatGPT Plus chỉ mới có sẵn cho người dùng tại Mỹ.

Nhiều rủi ro khi mua và cài đặt các ứng dụng giả mạo

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết sự phổ biến của ChatGPT trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã gây ra nhiều sự tò mò trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, do OpenAI chưa hỗ trợ đăng ký tại Việt Nam nên nhiều người phải nhờ đến các dịch vụ trung gian. Cũng từ đó mà các hội nhóm bán tài khoản ChatGPT không xác thực đã ra đời, yêu cầu người dùng chuyển khoản trước, chiếm đoạt tiền và chặn trao đổi sau giao dịch.

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều quảng cáo mời gọi cài đặt ứng dụng ChatGPT và đa phần những liên kết này đều dẫn đến các ứng dụng giả mạo, không có giá trị pháp lý và có thể chứa phần mềm gián điệp.

Khi phần mềm gián điệp nằm trên điện thoại, nguy cơ bị mất tài khoản Facebook, ngân hàng, theo dõi từ xa… là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài việc hiển thị quảng cáo, các ứng dụng ChatGPT giả mạo còn yêu cầu người dùng trả phí hằng tháng với mức giá dao động 8-50 USD hoặc cung cấp thông tin thẻ VISA, ông Thắng chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, cho biết ChatGPT cho phép bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm khả năng của trí tuệ nhân tạo, tạo sự cạnh tranh và hỗ trợ cải thiện công việc. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt, việc mua tài khoản ChatGPT trong các hội nhóm có thể dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân và dễ bị mất tiền, chưa kể đến một số vấn đề pháp lý.

Nguy hiểm khi dùng ứng dụng giả mạo

Với thị phần hơn 60%, các thiết bị Android luôn là mục tiêu béo bở của tội phạm mạng.

Trước đây Bộ Công an cũng từng phát đi cảnh báo về những rủi ro khi dùng ứng dụng giả mạo. Về cơ bản, sau khi người dùng cài đặt, các ứng dụng giả mạo thường sẽ yêu cầu đăng nhập tài khoản ngân hàng, họ tên, số CCCD… với lý do giúp người dùng bảo mật thông tin.

Tuy nhiên, nếu nhẹ dạ và làm theo, thông tin cá nhân của bạn sẽ bị thu thập, chưa kể đến việc tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử cũng có thể “không cánh mà bay”. Thậm chí, một số ứng dụng giả mạo còn chứa phần mềm gián điệp, thu thập nội dung tin nhắn, cuộc gọi… và chuyển về máy chủ của kẻ gian mà người dùng không hề hay biết.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm