Muôn trùng hiểm họa cho người dùng smartphone

Những cuộc tấn công của hacker với các phần mềm gián điệp ngày càng dữ dội và quy mô lớn. Người dùng các thiết bị công nghệ đứng trước hàng loạt hiểm họa thất thoát thông tin, thậm chí là bị mất nhiều tiền.

Cài phần mềm diệt virus dễ bị dính virus

Mới đây, những cuộc tấn công vào các thiết bị của Apple cùng với tài khoản iCloud khiến không ít người dùng đau đầu. Theo đó, người sử dụng iPhone hay iPad tự dưng bị khóa và không thể xử lý được. Hacker đe dọa xóa dữ liệu và yêu cầu phải nộp tiền để được mở máy trở lại.

Anh Sơn, thành viên của một diễn đàn công nghệ, than thở chiếc iPhone và iPad mini sau một đêm bỗng dưng bị hack, khóa luôn tài khoản thông tin và không biết xử lý như thế nào. Đau đầu nhất là sau khi liên hệ các chuyên gia của Apple cũng phải bó tay.

Khi thấy smartphone có những biểu hiện bất thường, người dùng cần nhanh chóng tham vấn các chuyên gia kỹ thuật. Ảnh: BH

Bên cạnh các cuộc tấn công, việc nhử người dùng cài các phần mềm ma cũng là vấn nạn mới. Nếu không chú ý, người dùng sẽ cài phải những phần mềm nhắn tin trộm tiền, thậm chí là kiểm soát máy từ xa.

Mới đây, ngay cả hãng diệt virus Kaspersky cũng phát hoảng khi phát hiện hai chương trình bắt chước sản phẩm của mình trong các cửa hàng ứng dụng di động chính thức.

Người dùng cần thận trọng

ThS Phạm Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Firewall, cho biết để tránh các hiểm họa người dùng cần cẩn trọng với các phần mềm mới. Theo đó, khi cài một phần mềm nào đó thì nên đọc kỹ các bình luận hay các thang điểm đánh giá vì đây có thể là điểm để xác định phần mềm giả mạo. An toàn nhất là người dùng nên chọn những phần mềm trả phí.

Còn theo một số ý kiến khác thì để tự bảo vệ mình người dùng cần cẩn trọng với những phần mềm miễn phí hay tránh vào các đường link lạ trên Facebook. Với một thông tin quá sốt dẻo, đôi khi tin tặc sẽ lợi dụng điều đó để chèn mã độc. Để đọc tin nóng hổi, người dùng nên chờ đợi các địa chỉ tin cậy đăng tin.

Cũng theo ông Thắng, người dùng nên quan tâm đến hóa đơn điện thoại hằng tháng bởi với những phần mềm mã độc, hacker có thể trộm một khoản tiền nhỏ nhưng nếu bị liên tục thì sẽ là khoản tiền lớn. Đặc biệt là người dùng nên tìm hiểu và xóa kịp thời những ứng dụng lạ trong hệ thống.

NHƯ VŨ

 

Dùng camera để chống quay phim lén

Dùng camera điện thoại để rà phát hiện ra máy quay phim lén trong khách sạn được xem là “chiêu” truyền miệng trong giới công nghệ. Theo ông Hồ Minh Quân, Giám đốc Công ty Nano - chuyên gia về sản xuất camera chống trộm, thì phương pháp này hoàn toàn hữu hiệu. Điều này có thể kiểm chứng qua remote tivi, khi bấm vào dù mắt thường không thấy nhưng dùng camera điện thoại rà thì sẽ phát hiện ánh đèn hồng ngoại. Thế nhưng theo ông Quân, phương pháp này chỉ đúng với các dòng camera cũ và sẽ không còn hữu hiệu với các camera công nghệ cao.

Cẩn trọng với hàng công nghệ từ Trung Quốc

Các thiết bị điện tử từ Trung Quốc khiến không ít các chuyên gia lo ngại vì khả năng các sản phẩm này đang gắn chip theo dõi. Mới đây, các chuyên gia ở Nga đã tìm thấy những con chip siêu nhỏ có khả năng thu nhập dữ liệu trong các thiết bị gia dụng như bàn ủi, ấm đun nước điện. Các sản phẩm khác như điện thoại di động và camera dành cho xe ô tô cũng bị phát hiện chip theo dõi tương tự. Đáng lo ngại nhất là ở Việt Nam, các dòng điện thoại Trung Quốc giá rẻ nhái lại đang được thả nổi.

Đọc thêm