Một thiếu niên bị điện giật tử vong khi sạc điện thoại

Phó cảnh sát trưởng quận Anuar Bakri Abdul Salam cho biết nạn nhân được xác định là Mohd Aidi Azzhar Zahrin, tử vong vào lúc 12h45 tối. Mẹ nạn nhân (51 tuổi) đã nhanh chóng liên lạc với một phòng khám gần đó để nhờ nhân viên y tế đến trợ giúp. 

Kiểm tra ban đầu cho thấy không có dấu hiệu thương tích và những vết bầm tím, tuy nhiên tai trái của cậu bé bị chảy máu. Nhân viên y tế xác nhận rằng cậu bé đã chết nhiều giờ trước đó, nhiều khả năng nạn nhân bị điện giật vì đeo tai nghe trong khi sạc điện thoại.

Việc khám nghiệm tử thi đã được tiến hành tại BV Tuanku Ja'afar, kết quả cho thấy nguyên nhân cái chết có liên quan đến điện giật.

Có thể thấy việc sử dụng các đồ điện tử khi đang sạc luôn ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm, đơn cử như nguy cơ bị điện giật, quá nhiệt (dẫn đến phát nổ)… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người thờ ơ và bỏ qua cảnh báo, cắm sạc điện thoại và đeo tai nghe khi đi ngủ. 

Sạc dự phòng cũng là một trong những vật dụng không thể thiếu trong đời sống hiện nay khi mà đại đa số smartphone đều có dung lượng pin tương đối thấp. Mặc dù khá tiện lợi nhưng sạc dự phòng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ. 

Hồi tháng 4-2018, vụ cháy căn hộ tại chung cư Parc Spring (quận 2) cũng được xác định là do cục sạc dự phòng phát nổ, gây cháy lan sang các vật dụng lân cận. Theo điều tra ban đầu, người thuê căn hộ tại chung cư Parc Spring (quận 2) đã cắm sạc dự phòng suốt nhiều ngày khiến thiết bị quá tải và phát nổ, gây cháy sang tấm nệm và các vật dụng xung quanh.

Trước đó, tại Đà Nẵng cũng xảy ra một vụ cháy nhỏ do sạc dự phòng phát nổ. Theo chia sẻ của Thảo Vy (nạn nhân): “Lần đầu tiên trong đời mình bị cảnh tượng như vậy, nghe nhiều người nói rồi mà vẫn không tin. Nghe người bán nói phải cắm sạc 8-10 tiếng nên mình đã sạc từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng thì nó phát nổ. Mặc dù biết là đồ Trung Quốc nhưng mình không nghĩ là nó nghiêm trọng như vậy. Khuyến cáo mấy anh/chị mua sạc Trung Quốc cẩn thận, từ nay em chừa luôn. Giữ được cái mạng là đã quá may mắn”.

Cụ thể, cục sạc mà cô gái này mua là hiệu Totoro hình thú, có giá 150.000 đồng và xuất xứ tại Quảng Châu (Trung Quốc). Với vẻ ngoài bắt mắt và thu hút nên sản phẩm này đã hớp hồn rất nhiều người, đặc biệt là các bạn nữ ít hiểu rõ về công nghệ. Trong khi giá của sản phẩm này nếu là hàng thật thì cao hơn rất nhiều, gần 400.000 đồng.

Làm thế nào để an toàn khi sử dụng đồ công nghệ?

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, người dùng nên chọn mua sạc dự phòng của những thương hiệu nổi tiếng như Xiaomi, Anker, Energizer… Những sản phẩm này thường có mức giá đắt hơn do sử dụng lõi pin Li-Po, tuy nhiên một số vẫn sử dụng lõi Li-ion để tiết kiệm chi phí. 

- Sử dụng đúng cách: Hầu như đa số sạc dự phòng đều có đèn LED báo hiệu mức pin và tự ngắt điện để tránh quá nhiệt. Tuy nhiên, để an toàn hơn, người dùng nên rút sạc khi pin đã đầy, tránh tình trạng cắm sạc liên tục bởi có thể xảy ra tình trạng cháy nổ. 

- Hạn chế để sạc ở những nơi có nhiệt độ cao: Nhiều người thường có thói quen bỏ sạc dự phòng vào cốp xe và cắm sạc trực tiếp cho điện thoại, việc này khá nguy hiểm bởi thiết bị sẽ dễ bị quá nhiệt, dẫn đến nguy cơ cháy nổ. 

- Không nên vừa sạc vừa xả: Để đảm bảo tuổi thọ cho sạc dự phòng, người dùng không nên vừa sạc cho cục sạc và vừa sạc cho smartphone, điều này sẽ làm nhiệt độ tăng cao và khiến mọi thứ quá tải.

Nhìn chung, nếu không dư dả về tài chính, bạn vẫn có thể mua tạm những món đồ công nghệ giá rẻ để xài đỡ, đơn cử như tai nghe, con chuột, miếng lót bàn phím, USB… nhưng tuyệt đối không nên mua sạc dự phòng và củ sạc dỏm bởi nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn và tính mạng của bạn, đơn cử như một số trường hợp kể trên.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết và hạn chế.

 

Đọc thêm