Một học viện công nghệ dành cho trẻ em được đầu tư 10 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Với thương vụ đầu tư thêm 6 triệu USD mới đây, Học viện công nghệ cho trẻ em TEKY đã nâng tổng số tiền được đầu tư lên đến 10 triệu USD kể từ khi thành lập.

Học viện Công nghệ cho trẻ em TEKY (TEKY) vừa ký kết thỏa thuận đầu tư với Sweef Capital và Strategy Year Holdings, thương vụ này trị giá 6 triệu USD.

Với khoản đầu tư này, TEKY đã nâng tổng số tiền được đầu tư lên đến 10 triệu USD, kể từ khi thành lập.

TEKY nhận thêm 6 triệu USD vốn đầu tư từ quỹ Sweef Capital và Strategy Year Holdings. ẢNH: THU HÀ

TEKY nhận thêm 6 triệu USD vốn đầu tư từ quỹ Sweef Capital và Strategy Year Holdings. ẢNH: THU HÀ

Bà Đào Lan Hương, Sáng lập và Chủ tịch Học viện TEKY cho biết, các khoản đầu tư này đến từ quỹ Sweef Capital, Strategy Year Holdings và đội ngũ sáng lập, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức tài chính.

“Với khoản đầu tư này, TEKY sẽ mở rộng mạng lưới học viên lên tới hơn 40 trung tâm và hàng nghìn phòng học STEM tại các trường học trên toàn quốc. Tiếp tục đồng hành đổi mới giáo dục STEM trong hệ thống giáo dục công lập. Đây cũng là một trong những thương vụ đầu tư Series A lớn nhất tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục”- bà Hương nói và kỳ vọng học viện TEKY sẽ trở thành doanh nghiệp công nghệ giáo dục hàng đầu Việt Nam và trên khắp Đông Nam Á, châu Á.

Theo các nghiên cứu và dự báo: công nghệ, robot và trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động đáng kể đến thị trường lao động toàn cầu. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới ước tính có khoảng 56% các công việc ở các nước đang phát triển có nguy cơ bị tự động hóa, thay thế con người trong tương lai.

Báo cáo của Viện McKinsey cũng đã dự báo, vào năm 2030, có thể có sự dịch chuyển lớn về công việc trong nhiều ngành, với khoảng từ 75 triệu đến 375 triệu người trên toàn cầu cần phải thay đổi công việc hoặc học các kỹ năng mới. Trong khi đó, báo cáo năm 2020 của Tổ chức Công nghiệp và Thương mại Liên hợp quốc (UNCTAD) chỉ ra có 70% công việc tại Việt Nam đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của công nghệ và robot trong tương lai gần.

Điều này đặt ra thách thức đáng kể cho xã hội chúng ta cần sớm được giải quyết.

“Chúng tôi tin rằng công nghệ, robot và trí tuệ nhân tạo có sức mạnh để thay đổi thế giới và mang lại những lợi ích tuyệt vời cho xã hội. Cùng với đó, việc đào tạo học sinh của TEKY hiện nay, không chỉ là truyền đạt kiến thức công nghệ, mà còn là khơi dậy tư duy sáng tạo, phát triển tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Chương trình giảng dạy của chúng tôi tập trung vào việc mang lại những lợi ích xã hội rõ ràng như giải quyết vấn đề mất việc làm trong tương lai, xây dựng một đội ngũ công dân số với ý thức xã hội…”- bà Hương chia sẻ.

Ông Jennifer Buckley, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Sweef Capital cũng cho biết thông qua TEKY, quỹ kỳ vọng giúp nhiều học sinh nữ có thể tiếp cận chương trình STEAM hơn và qua đó chứng minh các cơ hội tạo ra giá trị gắn liền với việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

Thành lập vào tháng 6 năm 2016, TEKY cung cấp chương trình giảng dạy STEAM (Science – Technology – Engineering – Art – Mathematics) theo chuẩn Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, tập trung cho trẻ em từ 5 đến 18 tuổi. Các bộ môn giảng dạy tại TEKY bao gồm: Lập trình và phát triển ứng dụng, Robotics Engineering, Công nghệ 3D và MultiMedia.

Theo thông tin từ công ty, sau hơn 6 năm hoạt động TEKY đã thu hút gần 50.000 học viên, hơn 1 triệu tài khoản học trực tuyến trên các nền tảng Edtech (công nghệ giáo dục) TEKY, Toppy, Codekitten, KittenJr. Đơn vị này cũng nằm trong Top 16 dự án đổi mới giáo dục tiêu biểu toàn cầu, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2020.

Tính đến thời điểm hiện tại, công ty có 22 chi nhánh trên toàn quốc trong đó TP.HCM là 13 chi nhánh

Đọc thêm