Mất hết tiền trong thẻ ngân hàng sau khi nghe điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Tình trạng lừa đảo dịp cuối năm bắt đầu bùng phát mạnh trở lại, đặc biệt là chiêu lừa đe dọa khóa SIM, yêu cầu người dùng chụp CCCD, thẻ ngân hàng… sau đó chiếm đoạt tiền trong thẻ.

Chiến lược trải thảm của kẻ gian cùng các chiêu trò ngày càng tinh vi khiến người dùng rất dễ bị mắc bẫy. Theo thống kê của Bkav, cứ 4 người dùng Việt Nam thì có đến 3 người nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online.

Đầu tiên, kẻ gian sẽ điện thoại và thông báo SIM của bạn sắp bị khóa vì dính vào một vụ án hoặc vi phạm pháp luật, yêu cầu cung cấp thông tin để phục vụ điều tra.

lừa đảo đe dọa khóa sim

Sau đó, kẻ gian sẽ kêu bạn vào phòng kín (không có ai) để dễ trao đổi (thực chất việc này nhằm tránh bị người khác phát hiện), đồng thời yêu cầu chụp lại ảnh 2 mặt của CCCD, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng… Nếu bạn làm theo, kẻ gian sẽ ngay lập tức có được thông tin và thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Chia sẻ với PLO, Anh P.H (quận Bình Tân) cho biết, do lo sợ về việc bị khóa SIM nên đã chụp lại CCCD và thẻ tín dụng cho kẻ gian. “Họ rất tinh vi, có khoảng 3-4 người đóng giả làm công an, nhân viên nhà mạng… để lừa đảo. Ngay khi phát hiện bị lừa, tôi đã ra ngân hàng ngay lập tức nhưng hơn 6 triệu đồng trong tài khoản đã không cánh mà bay”.

Tương tự, anh N.B (quận Tân Phú) cũng gặp tình trạng trên, tuy nhiên, khi đang ở trong phòng nói chuyện, người thân đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Do đó, không xảy ra tình trạng mất thông tin cá nhân và mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Thống kê của Bkav cho thấy, nhờ sự cải thiện về nhận thức an ninh mạng của người dùng, số người thực hiện theo yêu cầu trong tin nhắn giả mạo chỉ dừng ở mức 5,7%, tuy nhiên đây vẫn là miếng mồi béo bở cho tin tặc.

Để tránh trở thành nạn nhân của các chiến dịch lừa đảo, người dùng nên xác minh thông tin tại trang chính thống của tổ chức. Không vội vàng thực hiện giao dịch qua các địa chỉ, số điện thoại hoặc email nhận được trong tin nhắn.

Theo dự đoán của các chuyên gia, tình hình lừa đảo qua tin nhắn, điện thoại trong năm tới sẽ tiếp tục phổ biến khi chúng dễ dàng mang lại lợi nhuận lên đến hàng tỉ đồng. Dù nhận thức của người dùng đã được cải thiện, nhưng hacker sẽ sử dụng các thủ đoạn tinh vi hơn.

Càng gần đến cuối năm, các chiêu trò lừa đảo sẽ bắt đầu tái phát và tăng mạnh trở lại. Do đó, người dùng cần thận trọng với các hình thức khuyến mãi, đầu tư sinh lời nhanh, đe dọa phạt nguội, khóa SIM… Đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào.

Hy vọng những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp sẽ phần nào giúp bạn đọc cẩn trọng hơn.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

Đọc thêm