Máy bay Malaysia mất tích

Malaysia điều tra giả thiết phi công tự sát

Báo The Guardian (Anh) đưa tin tại cuộc họp báo ngày 17-3 ở Kuala Lumpur, Bộ trưởng Quốc phòng và Giao thông Hishammuddin Hussein thông báo hải quân và không quân Malaysia đã triển khai phương tiện tìm kiếm máy bay MH370 mất tích ở hành lang phía Nam (từ Indonesia đến Nam Ấn Độ Dương).

Tránh radar để mưu toan tự sát

Bộ Ngoại giao Malaysia đã gửi công hàm ngoại giao đề nghị hỗ trợ tìm kiếm đến các nước dọc hành lang phía Nam và hành lang phía Bắc (từ biên giới Kazakhstan và Turkmenistan đến phía Bắc Thái Lan).

Ông Hishammuddin Hussein nêu rõ cảnh sát bắt đầu điều tra về hành khách, tổ lái và nhân viên mặt đất từ ngày 8-3, khám xét nhà cơ trưởng và cơ phó vào ngày 9-3 và khám xét lần hai ngày 15-3. Ông nói cảnh sát cũng đang điều tra giả thiết phi công tự sát.

Báo New York Post (Mỹ) ngày 16-3 dẫn lời Chủ tịch Tiểu ban Chống khủng bố và Tình báo thuộc Ủy ban An ninh nội địa (Hạ viện Mỹ) Pete King cho biết có khả năng máy bay MH370 mất tích do hai phi công muốn tự sát nên cho máy bay rơi ở vùng biển xa đất liền.

Reuters đưa tin ngoài hai phi công, cảnh sát Malaysia cũng tập trung điều tra các hành khách có chuyên môn hàng không. Trong số đó có kỹ sư hàng không Mohd Khairul Amri Selamat, người Malaysia, 29 tuổi.

 
Máy bay tuần tra biển P-8A Pose của hải quân Mỹ tìm kiếm ở Ấn Độ Dương ngày 16-3. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Báo New Straits Times (Malaysia) cho biết máy bay MH370 mất tích đã nhiều lần hạ thấp độ cao xuống 1.500 m sau khi chuyển hướng nhằm tránh radar dân sự phát hiện.

Âm mưu tấn công khủng bố

Ngày 16-3 (giờ địa phương), trả lời kênh truyền hình Fox News, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa (Hạ viện Mỹ) Michael McCaul nhận định máy bay MH370 của Malaysia có thể bay theo hai hướng sau khi mất liên lạc.

Hướng đầu tiên đi về phía Bắc đến Kazakhstan nhưng đi hướng này chắc chắn sẽ bị radar phát hiện. Hướng thứ hai là máy bay có thể đã hạ cánh ở một nước nào đó như Indonesia và sau đó bọn khủng bố sẽ sử dụng máy bay như tên lửa đạn đạo nhằm tấn công như vụ ngày 11-9-2001 ở Mỹ.

Ông cho rằng điều chắc chắn vụ máy bay MH370 mất tích không phải là tai nạn mà là hành động có chủ ý.

Ông khẳng định: “Theo những gì tôi biết, với các thông tin mà tôi được cung cấp ở cấp cao qua Bộ An ninh nội địa, Trung tâm Chống khủng bố quốc gia và cộng đồng tình báo, có điều gì đó xảy ra với phi công… Mọi hướng điều tra đều dẫn đến buồng lái, phi công và phi công phụ”.

Trả lời đài truyền hình CNN-IBN (Ấn Độ) ngày 17-3, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid bác bỏ giả thiết máy bay MH370 bị cướp nhằm tấn công vào mục tiêu ở Ấn Độ giống vụ 11-9-2001 ở Mỹ như nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Strobe Talbott nhận định trước đó.

Báo Times of India (Ấn Độ) ghi nhận máy bay MH370 mất tích không thể bay đến gần trung tâm đô thị ở Ấn Độ mà không bị radar quân sự phát hiện.

Trong khi đó, Cơ quan Hàng không dân dụng Pakistan khẳng định radar quân sự của Pakistan không phát hiện máy bay MH370 mất tích. Phái bộ NATO tại Afghanistan cho biết không tìm thấy máy bay MH370 mất tích tại đây.

Tại Malaysia, báo The Malay Mail đưa tin ngày 17-3, phát biểu tại Hạ viện, nghị sĩ Mahfuz Omar thuộc đảng Hồi giáo toàn Malaysia nghi ngờ chính phủ biết địa điểm máy bay MH370 mất tích và đang thương lượng với bọn không tặc.

Các nước hỗ trợ tìm kiếm

Báo Le Monde (Pháp) đưa tin sáng 17-3, ba chuyên viên thuộc Văn phòng Điều tra và phân tích về an toàn hàng không dân dụng của Pháp đã đến Malaysia. Bộ Giao thông Pháp đã điều động họ đến hỗ trợ Malaysia về kỹ thuật trong công tác tìm kiếm máy bay MH370 mất tích. Trong 239 người đi trên máy bay mất tích có bốn hành khách Pháp.

Văn phòng Điều tra và phân tích về an toàn hàng không dân dụng của Pháp là cơ quan nổi tiếng quốc tế. Cơ quan này đã từng điều tra vụ máy bay A330 của hãng hàng không Air France rơi xuống biển ở Brazil hồi tháng 6-2009 (228 người chết).

Các chuyên viên Pháp chuyên phân tích và phối kiểm thông tin từ vệ tinh, radar dân sự, radar quân sự và các hệ thống thông tin liên lạc trên máy bay.

Thủ tướng Úc Tony Abbott thông báo Úc đồng ý giữ vai trò chỉ huy cuộc tìm kiếm ở hành lang phía Nam sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak đề nghị. Úc cũng sẽ cung cấp thêm phương tiện tìm kiếm ngoài hai máy bay trinh sát biển P-3C Orion đã triển khai.

Hải quân Thái Lan đã nối lại việc tìm kiếm. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cam kết Ấn Độ sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Malaysia phải ngay lập tức xác định rõ phạm vi tìm kiếm.

LÊ LINH - TNL

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện đàm với thủ tướng Malaysia

Chiều 17-3, Malaysia đã chủ động đề nghị thực hiện điện đàm giữa Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong điện đàm, thủ tướng Malaysia đánh giá cao Việt Nam kịp thời giúp đỡ Malaysia tìm kiếm máy bay MH370 mất tích và sự trợ giúp của Việt Nam đã thể hiện quan hệ hữu nghị hai nước. Ông mong muốn Việt Nam tiếp tục phối hợp, chia sẻ thông tin nhằm sớm tìm ra manh mối máy bay mất tích.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn từ ngày 8-3. Trả lời câu hỏi của thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đến nay không có thông tin gì về việc máy bay MH370 đã vào không phận Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sẵn sàng đóng góp tìm kiếm trong khả năng, đồng thời đề nghị Malaysia phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin cho Việt Nam và các bên liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm