Loại hình tấn công mạng nào được sử dụng chủ yếu trong năm 2020?

Tội phạm mạng dùng mã độc đào tiền ảo để chiếm quyền sử dụng smartphone, máy tính, tablet và máy chủ. Sau đó, tận dụng phần cứng trên các thiết bị này để đào các loại tiền ảo đang tăng giá như Bitcoin.

Vì vậy, nếu bạn là chủ một doanh nghiệp, có đội ngũ nhân viên đang làm việc từ xa vì đại dịch, nhưng hóa đơn tiền điện sử dụng tại văn phòng lại tăng cao bất thường, bạn hãy kiểm tra hệ thống CNTT máy chủ, ứng dụng, cơ sở dữ liệu. Có thể trong hệ thống đã có mã độc đang sử dụng nguồn lực kinh doanh của bạn để đào tiền ảo. 

Trong báo cáo của Kaspersky, số lượng các vụ tấn công nhằm mục tiêu đào tiền ảo được theo dõi đã giảm xuống còn 8.926.117 vào năm 2020 từ con số khổng lồ 13.247.796 vụ được phát hiện vào năm 2019. 

Evgeny Lopatin, Trưởng nhóm phân tích mã độc tại Kaspersky, cho biết: “Chúng tôi đã quan sát thấy xu hướng sụt giảm trong các cuộc tấn công nhằm mục tiêu đào tiền ảo trên khắp thế giới và cả ở khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân chính của việc sụt giảm số lượng các cuộc tấn công này là trị giá tiền ảo đã giảm trong vòng ba năm qua và chỉ mới bắt đầu tăng giá mạnh trở lại gần đây".

Tuy nhiên, Kaspersky khuyến nghị các chủ doanh nghiệp không nên mất cảnh giác. 

ma-doc-dao-tien-ao

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường lơ là trong bảo mật thông tin, và do đó họ sẽ bị thiệt hại nhiều nhất vì mã độc đào tiền ảo, đặc biệt khi loại tiền này tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và người dùng vì liên tục tăng giá một cách đột biến.

Từ lâu, tội phạm mạng đã biết rằng làm lây nhiễm và đào tiền ảo bằng máy chủ có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn đào tiền ảo bằng máy tính của người dùng gia đình, vì vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nghiêm túc đánh giá mối đe dọa thầm lặng này”.

Trong khu vực Đông Nam Á, trong hai năm liên tiếp, Indonesia và Việt Nam là 2 quốc gia xảy ra hầu hết các cuộc tấn công nhằm mục đích đào tiền ảo đã bị Kaspersky ngăn chặn, chiếm gần 71% vào năm 2020 và 80% vào năm 2019 trong số tất cả các cuộc tấn công ở khu vực này.

Khác với các cuộc tấn công nhằm mục đích tống tiền thường có xu hướng đáng sợ và cấp bách, mã độc đào tiền ảo có thể “hoành hành” lâu hơn nếu ẩn mình kỹ lưỡng. Chúng sử dụng khả năng này để trục lợi lâu dài từ các lỗ hổng bảo mật phần mềm. 

Một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy các thiết bị cá nhân đang bị mã độc đào tiền mật mã sử dụng bất hợp pháp bao gồm: hệ thống đáp ứng chậm hơn do tải công việc lớn, mức tiêu thụ điện năng tăng khiến máy tính hết pin nhanh hơn hoặc hóa đơn tiền điện tăng vọt và đường truyền dữ liệu được sử dụng nhiều hơn. 

Nếu nghi ngờ rằng hệ thống của mình đang bị mã độc đào tiền ảo khai thác, bạn có thể xem xét một số lời khuyên của Kaspersky để đảm bảo an toàn cho hệ thống: 

- Thường xuyên cập nhật hệ điều hành và phần mềm. 

- Tránh truy nhập vào các liên kết và tệp đính kèm trong email từ các nguồn chưa được xác minh và không đáng tin cậy.

- Thận trọng khi cài đặt phần mềm tải về từ web vì trong các phần mềm này có thể có mã độc đào tiền ảo.

- Sử dụng giải pháp bảo mật mạnh mẽ dành cho các doanh nghiệp.

- Thường xuyên thực hiện kiểm toán bảo mật đối với hệ thống mạng của doanh nghiệp. Không bỏ qua các mục tiêu ít nổi bật hơn, chẳng hạn như hệ thống quản lý xếp hàng, thiết bị đầu cuối POS và máy bán hàng tự động. Nếu lây nhiễm đại trà, các thiết bị đó có thể mang lại nhiều lợi nhuận cho bọn tội phạm.

Đọc thêm