Làm “con rối” của cảm xúc mạng!

Với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, có một tầng lớp không nhỏ sống và phụ thuộc vào thông tin của thế giới mạng, trong đó có tầng lớp trí thức. Người viết đôi khi cũng bị loại cảm xúc mạng này lôi kéo.

Dân cư sống trong giai tầng xã hội khác, tạm gọi là tầng lớp không/chưa sử dụng mạng xã hội, họ chỉ tiếp thu, đánh giá thông tin qua các phương tiện thông tin chính thống, chủ yếu là đọc báo và xem truyền hình. Chính họ mới chiếm đại đa số trong cộng đồng dân cư. Những thông tin ầm ĩ trên thế giới mạng không được báo chí đăng tải thì cư dân sống trong giai tầng này không tiếp nhận được. Điều đó dẫn đến có sự phân tầng trong nhận thức.

Có những người ăn, ngủ, đi, đứng cùng mạng xã hội không khác gì những     con nghiện. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Điều đáng nói là trong số những cá nhân thuộc tầng lớp trí thức có khả năng gây ảnh hưởng dư luận như nhà báo, luật sư, nếu họ không tỉnh táo lựa chọn, đánh giá thông tin, họ có thể bị sa vào dư luận của thế giới mạng. Từ đó đưa ra những ý kiến, quan điểm mà báo chí sử dụng để truyền tải đến cộng đồng dân cư khác. Trong trường hợp này, không phải quan điểm nào cũng đúng, và nếu sai thì sẽ dẫn đến sự nhận thức lệch lạc cho người khác.

Vừa qua, thông tin câu chuyện đôi vợ chồng già người Đan Mạch bỏ tiền xây cầu treo ở Tây Nguyên đã lan truyền mạnh trên mạng xã hội là một ví dụ. Thông tin khởi nguồn từ bài viết của một facebooker (người dùng facebook), câu chuyện này đã lay động cảm xúc của hàng triệu người cùng với những phản ứng mạnh mẽ về sự vô cảm của chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, thực tế thì câu chuyện này không đến mức độ như vậy. Cộng đồng mạng lại một phen hụt hẫng.  

Câu chuyện này cho chúng ta thấy, sức ảnh hưởng của dư luận trong thế giới mạng không hề kém các phương tiện truyền thông chính thống, từ một thông tin “lá cải” khi bị thổi bùng trên mạng xã hội, nó mặc nhiên trở thành thông tin chính thống để báo chí khai thác đăng tải ở nhiều góc độ. Thông tin này có thể gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào liên quan đến nó. Trong ví dụ này, thiệt hại có thể nhìn thấy rõ nhất là uy tín của các tổ chức, cá nhân liên quan bị giảm sút nghiêm trọng.

Ai đã và đang sử dụng mạng xã hội, thì dễ dàng nhận thấy, người dùng rất dễ sống bằng cảm xúc của thế giới này. Họ hỉ, nộ, ái, ố, chẳng cần quan tâm đúng, sai và cứ thế phán xét, chia sẻ theo trào lưu chung. Thực tế, có những người ăn, ngủ, đi, đứng cùng mạng xã hội không khác gì những con nghiện, như những chiếc xe mất thắng lao thẳng vào thế giới ảo.

Bởi vậy, kiểm soát tâm lý khi tiếp cận và sống trong thế giới mạng, đừng trở thành “con rối” của nó là một cần thiết. Nếu không, ở mức nhẹ nó sẽ làm cho ta rối loạn tâm lý, khó kiểm soát cảm xúc nên sẽ có những hành vi, quan điểm thiếu chuẩn xác, gây lệch lạc về nhận thức. Ở mức nặng hơn, nó có thể làm cho chúng ta rối loạn thần kinh, gây trầm cảm hay những thay đổi tâm sinh lý khiến cuộc sống bình thường bị đảo lộn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm