Vì sao Yahoo kết liễu mọi công ty mua về?

Yahoo vừa mua lại Meh Labs, doanh nghiệp trẻ (start-up) đứng sau ứng dụng nhắn tin tự hủy Blink và “check-in” địa điểm Kismet. Giống như nhiều thương vụ trước đó, gã khổng lồ Internet dự định đóng cửa hai phần mềm trong vài tuần tới.

Blink là đối thủ trực tiếp với các sản phẩm khác như WhatsApp, Snapchat. Việc mua lại Meh Labs là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Tổng Giám đốc Yahoo, Marrisa Mayer, không hề muốn bị bỏ lại sau trận chiến nhắn tin di động đang nóng dần. Facebook vừa thôn tính WhatsApp với giá 19 tỷ USD trong khi Yahoo mua lại nhiều hãng nhỏ hơn đang phát triển công nghệ mới. Tuy nhiên, có sự khác biệt không hề nhỏ giữa chiến lược của “nữ tướng” Yahoo và ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg.

Khi Zuckerberg mua một công ty, dù là Instagram hay WhatsApp, anh để chúng tự phát triển vì dựa trên thực tế mỗi nền tảng đều có lượng người dùng trung thành riêng. Facebook muốn sử dụng lợi thế này để củng cố và phát triển sâu hơn. Đối với Mayer, bà mua nó rồi tiêu diệt nó. Theo ReadWriteWeb, hơn 30 trong gần 40 start-up Yahoo mua lại dưới triều Mayer đều đã đóng cửa. Vì sao Yahoo lại quyết định như vậy?

Không chung con đường với Facebook

Gần đây, bà Mayer xuất hiện trên sân khấu hội thảo công nghệ TechCrunch Disrupt. Khi nhà sáng lập TechCrunch, Michael Arrington, trao đổi về câu chuyện một số hãng như Facebook, Foursquare, Dropbox tung ra nhiều ứng dụng nhỏ để phù hợp hơn với người dùng di động, người đứng đầu Yahoo khẳng định không muốn đi theo con đường đó.

Yahoo, Facebook mua whatsapp, Tumblr

Marrisa Mayer, Tổng Giám đốc Yahoo, muốn đưa nhiều tính năng hết mức có thể vào một ứng dụng duy nhất. Ảnh: Internet

Bà giải thích, trong quá khứ, mọi người đến với Yahoo vì từng dịch vụ cụ thể, ví dụ như Thư hay Tài chính song ở lại vì họ tìm thấy dịch vụ thú vị khác trên trang. Dù Yahoo vẫn sở hữu các ứng dụng độc lập như Flickr, bà xem Yahoo như mặt trận quan trọng nhất, nơi người dùng có thể tìm kiếm mọi thứ chỉ trên một ứng dụng. Đó chính là lý do bà muốn “vũ trang” cho ứng dụng một cách toàn diện.

Với ý niệm này, dường như bà muốn đảm bảo mọi thứ diễn ra tương tự trong thế giới di động, đặc biệt trong bối cảnh Yahoo đang đi sau nhiều tên tuổi khác. “Năm ngoái mới là năm chúng tôi bắt đầu đầu tư cho di động. Chúng tôi đã hơi muộn”, bà Mayer thừa nhận, đồng thời tiết lộ khi mới đến Yahoo, di động chưa được coi trọng và chỉ là sở thích của mọi người.

Sau khi ngồi chiếc ghế cao nhất tại Yahoo năm 2012, bà có sứ mệnh thay đổi thực trạng đó. Rõ ràng, các vụ thâu tóm mang về cho công ty không ít nhân tài trong lĩnh vực di động và Yahoo muốn mua chúng không phải vì để chúng tự trưởng thành mà muốn đưa ý tưởng từ start-up vào dịch vụ chính. Theo phát ngôn viên của Yahoo, nhân viên Meh Labs sẽ gia nhập vào đội phát triển di động của Yahoo, “nơi họ tập trung vào sản phẩm truyền thông thông minh”.

Một mình một lối đi có thành công?

Một điểm đáng chú ý nữa là ngoài Tumblr, vẫn đang hoạt động độc lập, gần như mọi công ty Yahoo mua về đều không có triển vọng thành công. Facebook sẽ bị gọi là kẻ điên nếu kết liễu một sản phẩm như WhatsApp vốn đang có hơn 450 triệu người dùng. Ngược lại, Yahoo không có gì để mất khi đóng cửa một dịch vụ như Blink. Mayer rõ ràng tin rằng bà có thể tận dụng tài năng trẻ và kỹ năng của họ để tạo ra sản phẩm mới lớn hơn, tốt hơn những gì họ tự lực làm ra.

Tuy nhiên, chiến lược của Yahoo cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ôm đồm quá nhiều tính năng cho một ứng dụng trong khi cả thế giới web di động lại chia nhỏ mọi thứ, Yahoo dường như quá lỗi thời. Nếu bà Mayer muốn đánh thức gã khổng lồ đang ngủ quên Yahoo, việc giết chết mọi thứ vừa mua về có thể là xuất phát điểm tồi.

Theo Du Lam (ICTnews / Wired)

Đọc thêm