Nghề bẻ khóa iPhone đang “phất”

Nghề bẻ khóa iPhone đang “phất” ảnh 1

Nhiều ứng dụng “chợ đen” không có trên kho ứng dụng của Apple, và một số ứng dụng, chương trình rất phổ biến nhưng giá rẻ.

Ngành công nghiệp béo bở

Chỉ mấy phút, người kỹ sư máy tính tương lai có thể tải mã vào máy iPhone của khách hàng và truy cập thế giới ứng dụng, phần mềm mà Apple ra sức “cấm cửa” người dùng. Hoạt động bẻ khóa bao gồm kết nối iPhone vào laptop và truy cập Internet mà không trả thêm phí cho AT&T; tráo đổi dịch vụ của AT&T hoặc Verizon sang một hãng khác rẻ hơn; hoặc tùy biến iPhone với màn hình 3D, cài thêm biểu tượng hoặc font chữ mới, hoặc cài đặt những ứng dụng, chương trình không nằm trong kho ứng dụng chính thức của Apple.

Nghề bẻ khóa iPhone bắt đầu ngay sau khi Apple giới thiệu iPhone vào năm 2007, nhưng hoạt động này giờ đây đã thực sự tiến hóa thành một ngành công nghiệp béo bở với thị trường hàng triệu khách hàng. Đặc biệt, vừa qua Mỹ đã quy định những hoạt động đó không vi phạm bản quyền của Apple.

“Nói thật, lần đầu tiên tôi bẻ khóa, tôi chỉ làm cho bạn bè, cho mình, nhưng công việc nhiều dần từ đó”, Lee nói. Anh chuyên “vọc” iPhone để tìm những thiết kế màn hình mới, các ứng dụng, dịch vụ, sau đó “bẻ khóa” chúng. “Tôi có 5-10 khách hàng mỗi tuần, giờ thì lên 30-40 khách”.

Kho ứng dụng bị bẻ khóa, Cydia – tên của một loại sâu bọ phá hại trái táo – hiện kiếm được khoảng 10 triệu USD doanh thu hàng năm, và mỗi tuần có khoảng 4,5 triệu người dùng tích cực tìm kiếm các ứng dụng.

Có lẽ dấu hiệu cuối cùng khẳng định ngành công nghiệp bẻ khóa không khác gì một ngành kinh doanh “chính thức”, là gần đây Toyota đưa một chương trình miễn phí vào kho của Cydia, quảng bá cho chiếc Scion của công ty. Một khi đã cài đặt, chiếc xe hơi này sẽ hiện ra trên màn hình nền của màn hình chủ iPhone, và các biểu tượng iPhone được thiết kế giống như tấm mắt cáo phía trước ô tô. Toyota cũng là công ty tên tuổi đầu tiên quảng cáo trên trang bẻ khóa, www.modmyi.com, trang web có lưu lượng và doanh thu lớn.

Sôi nổi “chợ đen”

Apple và AT&T đã cố gắng ngăn chặn thị trường “đen” này phát triển. Trong tuần qua, Apple từng gây áp lực để Toyota gỡ ứng dụng và quảng cáo. Trước đây, Apple nói bẻ khóa iPhone hay iPad có thể sẽ khiến thiết bị mất quyền bảo hành. Cách đây 2 năm, Apple cũng đã lên tiếng với Library of Congress, cơ quan giám sát hoạt động bản quyền tại Mỹ, rằng “những hành động kia” góp phần vi phạm chính sách, và công ty phải xử lý những lời phàn nàn của khách hàng về việc những chiếc iPhone bị bẻ khóa không hoạt động.

Mark Siegel, một đại diện của AT&T, nói rằng công ty có thể dò ra những khách hàng nào đang có hành vi bẻ khóa iPhone để sử dụng những ứng dụng không bản quyền, hoặc những dịch vụ không dành cho iPhone. AT&T đã gửi thư “lịch sự” đến các khách hàng này, đưa ra 3 điều kiện: họ sẽ trả thêm cho AT&T 20 USD mỗi tháng ngoài chi phí gói cước dữ liệu; hoặc phải ngừng ngay các hoạt động chưa được đồng ý của nhà mạng; hoặc lờ AT&T đi nhưng họ sẽ bị tự động liệt vào “sổ đen” và bị tính phí.

“Đứng đầu” các chuyên gia bẻ khóa có lẽ là Jay Freeman, 29 tuổi, người sáng lập và điều hành Cydia, kho ứng dụng iPhone không chính thức lớn nhất ở Mỹ, hiện cung cấp khoảng 700 ứng dụng và các phiên bản khác của khoảng 30.000 ứng dụng. Freeman nói Cydia thành lập năm 2008, hiện kiếm được khoảng 250.000 USD lợi nhuận sau thuế mỗi năm. Anh vừa tuyển dụng nhân viên toàn thời gian đầu tiên đến từ trang mạng xã hội của Yahoo, Delicious, để cải thiện thiết kế của Cydia.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều cởi mở như Freeman về đóng góp của họ với kho ứng dụng chợ đen. Một số thợ bẻ khóa và nhà phát triển từ chối phát biểu công khai.

Tại Mỹ, không chỉ có Cydia mới là kho ứng dụng không chính thức của iPhone, mà còn có các kho khác như Themeit, hay Rock Your Phone. Không ít người đang kiếm bộn tiền từ những ứng dụng chợ đen này, và hầu hết doanh thu bắt đầu tăng từ năm 2010.

Theo Mạnh Hùng (ICTnews / Washingtonpost)

Đọc thêm