Mùa mưa, làm sao bảo vệ điện thoại?

Điện thoại ngày nay rất bền, việc rơi rớt hay va đập rất khó làm hư chúng. Người viết bài này chứng kiến lần lượt ba chiếc smartphone của LG, Nokia, Dell được ném vào tường, mặc dù trầy xước bên ngoài nhưng chúng vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, một trong ba chiếc smartphone đó đã bị sọc màn hình, hoạt động chập chờn chỉ vì một lần bị ngấm nước mưa trong cơn bão số 1 gần đây. Điện thoại ngày nay được làm bằng chất liệu cao cấp, khung cứng cáp, nhưng hầu hết đều được ráp lại từ các thành phần khác nhau nên rất dễ bị thấm nước.

Cuối năm ngoái, nghiên cứu của một hãng bảo hiểm tại Anh cho thấy trong tất cả những điện thoại bị hư đem sửa, nguyên nhân điện thoại bị thấm chất lỏng chiếm 37%, là mức cao nhất. Nghiên cứu của hãng di động Telstra (Úc) cách đây 5 năm cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân điện thoại hư do rơi vào toilet hay nghe gọi khi trời mưa cũng đứng thứ 2, chỉ sau nguyên nhân để quên điện thoại trên trần xe hơi và lái đi (dẫn đến rớt và bánh xe cán qua).

Điều này cho thấy thấm nước là nguyên nhân hàng đầu trong việc điện thoại bị hỏng. Trong khi đó, đa số người Việt Nam lại đi xe máy và để điện thoại ở túi quần, rất dễ làm ướt điện thoại khi gặp mưa.

Phòng tránh nước mưa thế nào?

Khi gặp mưa lớn, đầu tiên nên tắt nguồn điện thoại, kỹ hơn nữa có thể tháo pin. Sau đó cất vào nơi nước mưa không thể xâm nhập. Lưu ý rằng nước chỉ cần 20 giây để thấm vào điện thoại dẫn đến chập mạch.

Thị trường hiện nay có bán các loại túi nhựa chống nước cho các thiết bị kỹ thuật số, với giá dao động từ 50 ngàn đến 150 ngàn đồng. Có thể mua loại này để cất điện thoại khi gặp mưa. Túi này chống nước hoàn toàn, thậm chí có thể dùng nó để bảo vệ điện thoại khi đi bơi, đi biển.

Mùa mưa, làm sao bảo vệ điện thoại? ảnh 1

Các loại túi nhựa chống nước bán ở VN với giá từ 5-150 ngàn đồng.
Ngoài ra, có thể mua các loại điện thoại chống nước nhẹ. Các mẫu máy hiện bán ở Việt Nam gồm Motorola Defy, Sony Ericsson Active, vài mẫu điện thoại dành riêng thị trường Nhật, hay các máy của hãng Sonim. Tuy vậy, đa số các điện thoại này chỉ có thể chống nước nhẹ, không nên ngâm lâu trong nước. Riêng điện thoại Sonim chống thấm, chống sốc rất tốt, nhưng giá thành cao so với giá trị sử dụng thông thường.

Mùa mưa, làm sao bảo vệ điện thoại? ảnh 2

Vài loại điện thoại thiết kế chống thấm, nhưng không nên quá dựa vào tính năng này.
Làm gì nếu điện thoại bị thấm nước?

Nếu vì một lý do gì đó điện thoại thấm nước thì ngay lập tức tháo pin. Sau đó tháo tất cả các thành phần của điện thoại nếu có thể. Đặt các thành phần điện thoại trên khăn khô để thấm nước. Sau đó, dùng máy hút bụi mini để hút nước từ các khe nhỏ của điện thoại. Trong trường hợp này, để làm khô điện thoại, nhiều người dùng máy sấy, nhưng có ý kiến cho rằng, máy sấy sẽ thổi các tia nước vào sâu hơn trong các thành phần trên bo mạch, dẫn đến chập mạch. Nếu điện thoại thấm nước nhiều và trong thời gian lâu, người sử dụng có thể dùng máy sấy, nhưng nên để mức nhiệt nhỏ nhất để không bị nóng, dẫn đến hư các chi tiết nhựa.

Trường hợp máy bị thấm nhẹ, hoặc sau khi đã làm khô bằng máy sấy hay máy hút, có thể đặt máy lên các nguồn nhiệt như thùng máy tính đang hoạt động, hoặc trên phần thông gió của TV CRT đang mở, để điện thoại khô từ từ.

Trong bất cứ tình huống nào, nếu điện thoại đã bị thấm nước và làm khô, thì chỉ nên gắn pin, mở nguồn trong thời gian sau 24 giờ, lâu hơn càng tốt. Vì các chi tiết mà mắt thấy được có thể đã khô, còn các phần khác còn ướt.

Nếu không tự mình “cứu” điện thoại, thì cũng thực hiện các bước tháo pin, lau khô nhẹ trước khi mang ra các cửa hàng sửa chữa lớn để được trợ giúp.
Theo Hải Đăng (VNN)

Đọc thêm