Microsoft và Nguồn mở: Ai đã thua?

Microsoft, chống cự là vô ích!

Đã từ nhiều năm nay, cuộc chiến giữa gã khổng lồ Microsoft và cộng đồng nguồn mở trở thành một trong những cuộc chiến lớn nhất, dai dẳng nhất ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu và nhiều người đã cho rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ và sẽ không bao giờ kết thúc. Steve Ballmer - Tổng Giám đốc Microsoft đã từng gọi phần mềm mã nguồn mở là một “khối ung thư ác tính” còn Linus Torvalds, “cha đẻ” của Linux cũng không ngần ngại tuyên bố sẽ “hủy diệt Microsoft mà không cần phải cố gắng”.

“Nếu nhìn vào triển vọng và tương lai của ngành phần mềm, tôi cho rằng cuộc chiến này đã đến hồi kết thúc”, ông Mitch Kapor, một chuyên gia hàng đầu thế giới về phần mềm nói.

Sở dĩ ý kiến của Mitch Kapor được thế giới phần mềm hết sức chú ý bởi gần như không một ai có nhiều “kinh nghiệm trận mạc” hơn ông trong cuộc chiến với Microsoft từ nhiều năm qua. Mitch Kapor là một trong những người sáng lập ra hãng phần mềm Lotus từ những năm 1980 và sau đó trở thành một nền tảng quan trọng cho IBM. Ông còn là người sáng lập nên tổ chức Mặt trận điện tử (MFF) tại Mỹ trước khi trở thành Chủ tịch của hãng phần mềm nguồn mở Mozilla năm 2003. Chỉ bằng 300.000 USD đầu tư vào Mozilla, Mitch Kapor đã khiến cho vị thế thống trị của trình duyệt IE do Microsoft sản xuất bị lung lay dữ dội trước sự lớn mạnh của trình duyệt nguồn mở Firefox.

Mitch Kapor đã có lần thừa nhận, những đòn tấn công của Microsoft vào nguồn mở vẫn làm ông “sôi máu” nhưng ông cho rằng sự chống cự của Microsoft là vô ích. “Chiến thắng của nguồn mở nằm ở tận cùng của thế giới web. Mặc dù nó là một thành phần hoàn toàn có thực nhưng với vai trò là một người dùng chúng ta không thể nhìn thấy nó”, Mitch Kapor nói.

Xu hướng dịch chuyển và chuyển sang sử dụng các ứng dụng trên nền tảng web đang đe dọa đến tương lai của ngành công nghiệp phần mềm. Trong khi đó, hầu hết các máy chủ web trên toàn cầu lại đang sử dụng nền tảng Linux làm hệ điều hành. Chúng chạy Apache, ngôn ngữ lập trình web phổ biến nhất hiện nay là Perl, Python hay PHP… và chúng đều là những ngôn ngữ nguồn mở. Có thể khẳng định rằng nguồn mở là xương sống của thế giới web và mạng Internet toàn cầu đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn mở bất chấp sự thống trị của Microsoft trong lĩnh vực phần mềm.

“Sự phụ thuộc này diễn ra theo cả 2 chiều”, Mitch Kapor khẳng định, “Các nhà phát triển ứng dụng và các công ty dotcom đang tìm đến công nghệ nguồn mở để xây dựng một tương lai truyền thông và thế giới web là môi trường để các thành tựu đó được vươn xa hơn. Không có Internet và web, không có nguồn mở - không có nguồn mở, không có web”.

Mọi đế chế đều có ngày lụi tàn

Nếu cuộc chiến Microsoft – nguồn mở đã là quá khứ, cái gì sẽ là tương lai? Ngày nay, Google – một tín đồ của nguồn mở đang nổi lên như một kẻ sẵn sàng “nuốt chửng” bất cứ thứ gì cản đường nó. Trình duyệt Chrome, hệ điều hành Chrome OS, nền tảng di động Android… tất cả đều được xây dựng trên nguồn mở và chúng đang thể hiện sức mạnh của mình.

Một “thế lực” khác cũng đang nổi lên rất mạnh trong thời gian qua là mạng xã hội Facebook cũng đã hướng ánh mắt của mình về phía cộng đồng nguồn mở.

Nhưng theo Mitch Kapor, tất cả rồi cũng sẽ qua đi. “Tôi đã tham chiến đủ lâu để hiểu ra một điều rằng đế chế này ra đi sẽ có ngay một đế chế khác đến. Microsoft là một đế chế rất lớn nhưng khi Steve Ballmer đưa ra một ý tưởng mới, thế giới đã không còn đón nhận nồng nhiệt như thời Bill Gates. Ngày Microsoft lụi tàn đã cận kề, Google rồi cũng sẽ như vậy, Facebook, Twitter hay là một kẻ vô danh nào đó mà chúng ta chưa hề nghe tên sẽ nhanh chóng trở thành một đế chế mới”, Mitch Kapor nói.

Theo ICTnews (Linux Today, Guardian)

Đọc thêm