Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay

Hầu hết các dịch vụ lưu trữ đám mây đều cung cấp miễn phí cho người dùng một lượng không gian lưu trữ khá ít ỏi, với hy vọng rằng họ sẽ chịu dốc hầu bao sau khi đã dùng hết số dung lượng này. Song thay vì chịu thắt lưng buộc bụng, bạn vẫn có thể thoải mái lưu trữ dữ liệu của mình trên các dịch vụ này mà không tốn một xu, chỉ với một bí quyết cực kỳ đơn giản: tổ chức dữ liệu thành từng nhóm riêng và sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây khác nhau để lưu trữ chúng. Tuy nhiên làm thế nào để tìm được các dịch vụ phù hợp cho từng nhóm dữ liệu? Đó là lý do bạn cần phải tìm hiểu kỹ đặc tính của từng loại dịch vụ trước khi "chọn mặt gửi vàng".

1. Dịch vụ lưu trữ phổ biến nhất: Dropbox

- Dung lượng miễn phí: 2GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 1

Dropbox đang là dịch vụ lưu trữ đám mây rất được ưa chuộng nhờ các tính năng tiện dụng, đáng tin cậy và là một trong những dịch vụ có tuổi thọ cao nhất trong phân khúc này. Dropbox hầu như không đặt ra một giới hạn nào đối với các dữ liệu mà bạn đăng tải, bên cạnh đó bạn có thể dễ dàng chia sẻ các tệp tin và thư mục của mình với bạn bè bằng cách gửi cho họ đường dẫn của chúng. Ngoài ứng dụng trên máy tính, bạn có thể truy cập các dữ liệu được lưu trên Dropbox bằng trình duyệt ở bất kỳ nơi nào có kết nối mạng.

2. Dịch vụ sao lưu ảnh tốt nhất: Google Drive

- Dung lượng miễn phí: 15GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 2

Google cung cấp miễn phí 15GB dung lượng lưu trữ, được san sẻ cho các dịch vụ Gmail, Google + Photos và Google Drive. Sở dĩ tôi khuyên bạn nên dùng Google Drive để sao lưu ảnh là do các bức ảnh trong phần Google+ Photos nếu có dung lượng dưới 2048x2048 pixel sẽ được lưu trữ miễn phí mà không tính vào 15GB dung lượng ban đầu. Giống như Dropbox, bạn có thể truy cập Google Drive bằng ứng dụng trên máy tính hoặc một trình duyệt web bất kỳ. Dữ liệu bị xóa từ Google Drive sẽ được đưa vào thùng rác và “ở lì” trong đó cho đến khi bạn xóa hẳn hoặc phục hồi lại chúng.

3. Dịch vụ dành cho người dùng Windows: OneDrive

- Dung lượng miễn phí: 15GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 3

Từng có tên là SkyDrive, OneDrive là một thương hiệu do Microsoft phát triển dành cho người dùng Windows, tuy nhiên bạn cần có một tài khoản Hotmail hoặc Live để sử dụng nó. Khi dữ liệu đã được đưa lên OneDrive, bạn có thể truy cập nó từ trình duyệt, tạo mới tệp tin, thư mục và chia sẻ nó với những người bạn của mình. Dữ liệu bị xóa khỏi OneDrive sẽ được đưa vào thùng rác trong vòng 30 ngày trước khi bị xóa vĩnh viễn, phòng trường hợp người dùng đổi ý và muốn phục hồi lại chúng.

4. Dịch vụ dành cho người dùng Amazon: Amazon Cloud Drive

- Dung lượng miễn phí: 5GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 4

Mỗi tài khoản Cloud Drive sẽ được Amazon tặng miễn phí 5GB dung lượng lưu trữ. Dịch vụ này cho phép bạn chia sẻ dữ liệu bằng cách gửi đường dẫn của chúng đến bạn bè. Dữ liệu bị xóa trên Cloud Drive cũng có thể được khôi phục trừ khi bạn chọn chức năng xóa vĩnh viễn.

5. Dịch vụ phục vụ teamwork: Box

- Dung lượng miễn phí: 10 GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 5

Với Box, bạn có thể dễ dàng chia sẻ dữ liệu để cả nhóm cùng làm việc, qua đó nhiều người có thể chung tay thực hiện một công việc và góp ý với mỗi phần việc của người khác. Dữ liệu được đưa lên Box có thể được phục hồi dễ dàng trong vòng 30 ngày kể từ khi bị xóa.

6. Dịch vụ dành cho các tín đồ của Apple: Apple iCloud

- Dung lượng miễn phí: 5GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 6

Do không phải ai cũng có một thiết bị của Apple, đây không phải là dịch vụ phù hợp để làm việc theo nhóm, thay vào đó bạn nên dùng nó để sao lưu dữ liệu cá nhân trên các thiết bị của Apple. Đặc biệt, các bức ảnh trên các thiết bị này sẽ được sao lưu tự động thông qua dịch vụ Photo Stream trong vòng 30 ngày gần nhất.

7. Dịch vụ bảo mật nhất: SpiderOak

- Dung lượng miễn phí: 2GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 7

Đây là lựa chọn lý tưởng nếu bạn chú trọng việc bảo mật thông tin và dữ liệu của mình, theo đó chúng sẽ hoàn toàn được mã hóa và chỉ có thể được truy cập nếu điền đúng mất khẩu mà bạn đặt trước. Dịch vụ không giới hạn dung lượng file được tải lên, đồng thời những dữ liệu bị lỡ tay xóa đi cũng có thể được khôi phục trở lại.

8. Dịch vụ có tính năng mã hóa tương tự: Tresorit

- Dung lượng miễn phí: 5GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 8

Tương tự SpiderOak, Tresorit cũng có khả năng mã hóa dữ liệu, có nghĩa là các bức ảnh, video, dữ liệu cá nhân, thông tin nhạy cảm… sẽ được bảo mật hoàn toàn khi được đưa lên Tresorit. Dịch vụ cung cấp các tính năng hữu ích như mã hóa và bảo mật các dữ liệu được chia sẻ, đồng thời lưu giữ lịch sử file trong vòng 7 ngày. Dung lượng tối đa của mỗi tập tin được đưa lên Tresorit là 0,5GB.

9. Dịch vụ cho phép đăng tải dữ liệu ở mọi kích thước: Cubby

- Dung lượng miễn phí: 5Gb

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 9

Không giống như nhiều dịch vụ lưu trữ đám mây khác, dữ liệu mà bạn tải lên Cubby không bị giới hạn về dung lượng, tất nhiên là không vượt quá số dung lượng miễn phí mà Cubby tặng trước. Dịch vụ cung cấp nhiều tính năng để người dùng thao tác với tệp tin một cách dễ dàng. Dữ liệu chứa tại Cubby được mã hóa và có thể được khôi phục lại nếu bạn lỡ tay xóa nó.

10. Dịch vụ  có dung lượng miễn phí lớn nhất: ADrive

- Dung lượng miễn phí: 50GB

Mẹo tận dụng 10 dịch vụ lưu trữ đám mây phổ biến nhất hiện nay ảnh 10

Chỉ cần đăng ký một tài khoản ADrive miễn phí, bạn sẽ được tặng ngay 50GB để lưu trữ dữ liệu. Với ADrive, bạn có thể chia sẻ liên kết của thư mục với người khác, đồng thời truy cập và chỉnh sửa tài liệu ngay trên trình duyệt. Bù lại, quảng cáo sẽ xuất hiện thường trực trong giao diện của trang, cùng với đó là sự thiếu hụt các tính năng bổ sung mà các dịch vụ khác cung cấp miễn phí. Từ góc độ bảo mật, đây cũng không phải là lựa chọn an toàn nên tốt nhất là bạn đừng sử dụng nó để lưu trữ các dữ liệu nhạy cảm. 

Theo Đức Nghĩa (ICTnews)

Đọc thêm