Hàng công nghệ giả đe dọa an ninh Chính phủ Mỹ

Hàng công nghệ giả đe dọa an ninh Chính phủ Mỹ ảnh 1

Một microchip dùng cho mục đích quân sự “nhái” bị Hải quan và Lực lượng bảo vệ Biên giới Mỹ tịch thu. Nguồn: CBP

Bất chấp các nhà làm luật luôn mạnh tay với hàng giả, các nhà cung ứng bị Chính phủ Mỹ đánh đấu là “nguy hiểm” ngày càng tăng lượng hàng bán cho cơ quan liên bang. Sự hiện diện của họ trong chuỗi cung ứng nguồn của Chính phủ tăng lên tới 63% trong thập kỉ qua, theo nghiên cứu mới của nhà tư vấn quản lí chuỗi cung ứng IHS. Các hãng cung ứng này đều có liên quan tới hàng giả, gian lận và hàng loạt hành vi phi pháp khác.

Năm 2011, 9.539 doanh nghiệp bị cấm được cho là đã bán công nghệ cho chính phủ, trong đó gần 10% liên quan tới linh kiện hoặc thiết bị giả.

Theo IHS, số lượng các sản phẩm công nghệ “fake” trôi nổi trên thị trường tăng gấp 4 lần từ năm 2009 tới 2011, đặc biệt chúng ngày càng len lỏi sâu vào các khu vực nhạy cảm. Tháng 9/2010, Cơ quan Phòng thủ tên lửa phát hiện bộ nhớ trong máy tính kiểm soát tên lửa tầm cao là hàng giả và phải tốn tới 2,7 triệu USD để xử lí. Trong trường hợp phóng tên lửa, khả năng thành công là rất thấp vì không đủ tiêu chuẩn.

2 năm tước, FBI đã tịch thu 76 triệu USD bộ định tuyến Cisco giả mạo có thể mở cửa hậu (backdoor) cho tin tặc Trung Quốc tấn công mạng lưới Chính phủ Mỹ. Một số cơ quan Chính phủ mua bộ định tuyến từ nhà cung cấp được Cisco ủy quyền, song nhà cung cấp này lại mua từ một nhà cung ứng của Trung Quốc khác.

Trung Quốc tiếp tục trở thành nguồn cung ứng hàng giả và hàng nhái lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới 62% trong lượng sản phẩm “fake” trị giá 178 triệu USD (ước tính giá trị bán lẻ vào khoảng 1,1 tỉ USD) mà Hải quan và Lực lượng bảo vệ Biên giới Mỹ tịch thu năm 2011.

Thực tế đã có nhiều quy định và hệ thống nhằm bảo vệ nguồn cung ứng của Chính phủ. Ví dụ, Cơ quan cung cấp dịch vụ và Giám sát kĩ thuật Mỹ có cơ sở dữ liệu của 90.000 nhà cung ứng nguy hiểm mà Chính phủ cần phải kiểm tra lại khi đặt hàng linh kiện.

Tuy nhiên, trở ngại lại nằm ở chính những người nắm giữ nguồn này. Rory King – Giám đốc Cung ứng nguồn tại IHS cho rằng chính sách và quy trình đã không được tuân thủ. Đó là việc làm vô cùng đơn giản song sẽ cần tới đào tạo tốt hơn cũng như nhận thức cao hơn.

Tin tốt là vài cơ quan Chính phủ đang đấu tranh lại hàng giả. NASA được xem là người đi đầu trong việc phòng chống hàng giả thông qua xem xét toàn bộ các nhà cung ứng, chấm điểm để cán bộ phụ trách mua sắm lựa chọn nhà cung ứng ít nguy hiểm nhất. Cơ quan cũng yêu cầu nhà cung ứng cho thấy bằng chứng về các chứng nhận của Chính phủ và khảo sát lại mỗi ba năm. Sau cùng, mọi linh kiện sắp chuyển về NASA đều được kiểm tra lại.

Hàng giả không chỉ là nỗi lo của riêng Chính phủ. Điện tử tiêu dùng xếp hạng đầu tiên trong danh sách sản phẩm nhái của Phòng An ninh quốc gia năm 2011, lần đầu tiên kể từ năm 2004.

Chúng hiện diện trên mọi ngóc ngách của thị trường, bao gồm thiết bị không dây, máy tính và cả xe hơi. Vấn đề chung liên quan tới đoản mạch, nhiệt độ nóng/lạnh bất thường, hệ thống không khởi động.

Theo Du Lam (ICTnews / CNN)

Đọc thêm