Doanh nghiệp lớn chưa tin phần mềm virus “nội”

Doanh nghiệp lớn chưa tin phần mềm virus “nội” ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp hiện dùng phần mềm diệt virus nội cho những máy tính cá nhân. Ảnh: Quang Minh

Qua tiếp xúc của phóng viên với các doanh nghiệp, hầu hết đại diện các đơn vị đều khẳng định ở đây hoàn toàn không phải là câu chuyện “sính” hàng ngoại. Mất an toàn an ninh thông tin – điều đó cũng đồng nghĩa với chuyện sẽ… mất tiền, mất uy tín, chính vì thế, việc quyết định lựa chọn sử dụng một phần mềm xử lý vấn nạn virus hiệu quả cũng quyết định lớn vào việc các đơn vị có hoạt động hiệu quả hay không. Ông Phạm Đình Trường - Phó giám đốc Công ty mạng lưới Viettel cho rằng: “Hiện tại vẫn chưa có một cuộc kiểm tra chính thức nào về chất lượng của những phần mềm diệt virus đang có mặt ở Việt Nam như Kaspersky, Norton, BitDefender, hay BKAV, CMC…, cho nên việc khẳng định phần mềm nào tốt hơn đều do bản thân các doanh nghiệp trải nghiệm và đưa ra đánh giá”.

Phần mềm nội thua trên “sân nhà”

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết: “Đối với hoạt động đặc thù của các ngân hàng, việc bị hacker tấn công, xâm nhập trái phép nhằm phá hoại diễn ra liên tục từng giờ, từng phút. Chính vì vậy, việc lựa chọn một giải pháp bảo mật với phần mềm diệt virus, tường lửa… hiệu quả luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của Vietinbank cũng như nhiều đơn vị khác. Hiện nay, Vietinbank đang sử dụng phần mềm diệt virus của nước ngoài là Trend Micro và Symantec để bảo vệ hệ thống máy chủ, các phân hệ nghiệp vụ của hệ thống Core Banking”. Ông Tuấn khẳng định thêm: “Chỉ có các hãng phần mềm của nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm triển khai cùng những giải pháp hạ tầng phức tạp mới có thể đáp ứng được nhu cầu an toàn của hoạt động ngân hàng chúng tôi”.

Còn tại một số ngân hàng, Tập đoàn khác như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Mạng lưới Viettel…, phần mềm nội cũng trong tình trạng không tìm được chỗ đứng tương tự. Tập đoàn EVN hiện đang sử dụng giải pháp bảo mật với phần mềm eTrust, công ty mạng lưới Viettel đang sử dụng giải pháp tổng thể của Kaspersky cho toàn bộ hệ thống máy tính của doanh nghiệp. Còn BIDV, theo thông tin từ ông Đặng Mạnh Phổ - Giám đốc Ban Công nghệ ngân hàng BIDV thì hiện nay ngân hàng này đang sử dụng hệ thống của McAfee. Trao đổi thêm về lý do không dùng phần mềm trong nước, ông Phổ cho biết phần mềm nội như BKAV chỉ là phần mềm dùng thêm tại các máy tính của quầy giao dịch của ngân hàng.

Tiếp tục câu chuyện về lý do tại sao các doanh nghiệp lớn không lựa chọn sản phẩm diệt virus trong nước, ông Nguyễn Tiến Huy, Trưởng phòng Tin học, Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone) cho biết, doanh nghiệp này hiện đang sử dụng giải pháp tổng thể của Trend Micro cho hệ thống máy chủ email, các hệ thống ứng dụng, tường lửa... Ông Huy cũng nhấn mạnh: “Những phần mềm diệt virus trong nước chỉ dùng tốt cho máy tính cá nhân chứ không thể dùng cho những doanh nghiệp lớn lên đến 3000 - 4000 máy tính như MobiFone”.

Phần mềm nội: mạnh ở điểm nào?

Tiếp tục câu chuyện so sánh chất lượng phần mềm “nội” – “ngoại’ nhằm thẳng thắn chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của phần mềm diệt virus trong nước, ông Nguyễn Tiến Huy, Trưởng phòng Tin học của MobiFone khẳng định: “Điểm mạnh nhất của phần mềm diệt virus nội hiện nay là khả năng diệt được những virus phát tán từ trong nước – Điều mà nhiều khi những phần mềm ngoại như Norton hay Trend Micro không thể phát hiện để diệt được, và khi đó lợi thế thuộc về sản phẩm nội như BKAV hay CMC.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác về vấn đề chất lượng của phần mềm diệt virus trong nước, trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, Phó Tổng giám đốc Vietinbank Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Có thể khẳng định không có phần mềm nào là hoàn hảo hoặc đem lại hiệu quả cao nhất, mà mỗi phần mềm đều có mặt mạnh, mặt yếu riêng. Với các phần mềm chống virus của nước ngoài, hiện nay họ có thế mạnh là luôn được cập nhật nhanh các mẫu virus được phát tán từ trên thế giới, nhưng để diệt được virus nội thì thời gian cũng có thể chậm hơn so với phần mềm trong nước do phải chờ nhà cung cấp nước ngoài phân tích. Tuy nhiên, cũng phải lật lại vấn đề là trong khi hệ thống Internet được kết nối toàn cầu như hiện nay thì lượng virus của nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam cũng rất lớn, và điều đó cũng đồng nghĩa rằng phần mềm diệt virus nội cũng gặp khó khăn rất lớn nếu kinh nghiệm thua kém nước ngoài”.

Tại Security World 2010 diễn ra cuối tháng 3 tại Hà Nội, nhận định của một số chuyên gia về an toàn bảo mật cho rằng trước sự vượt trội của phần mềm diệt virus nước ngoài, thì yếu tố chăm sóc khách hàng, dịch vụ hậu mãi đang trở thành vấn đề rất được nhiều người sử dụng phần mềm diệt virus quan tâm. Chính vì vậy, các sản phẩm phần mềm diệt virus trong nước có thể khai thác ưu thế này.

Phần mềm diệt virus của nước ngoài đang chiếm vị trí độc tôn tại các doanh nghiệp lớn, có hệ thống giải pháp phức tạp trong nước. Còn phần mềm diệt virus nội hiện chỉ đang đứng ở vị trí là những phần mềm dùng thêm cho những máy tính của giao dịch viên hoặc những máy tính không quan trọng.

(Nhóm phóng viên ICTnews)

Đọc thêm