Đi tìm ước mơ từ thế giới số

Trở thành người khuyết tật, Loan từng rất băn khoăn vì không biết có con đường nào dành cho người khuyết tật như mình.

Vẽ cuộc đời bằng máy tính

Con đường phía trước của Loan không tù mù như chị từng tưởng. Tham khảo các bài báo viết về công nghệ thông tin và người khuyết tật, Loan phát hiện được thế giới lập trình độc đáo. Với chiếc máy tính do ba mẹ tặng, Loan bắt đầu tiếp cận thế giới số đầy màu sắc. Thoạt đầu, những khoảng không gian kỳ ảo đa chiều, những tông màu đan xen vào nhau làm Loan thấy choáng. Loan quyết chí học, mày mò tìm hiểu qua sách vở và nắm chắc cái khoản thiết kế chỉ sau một năm đầu học tập.

Đi tìm ước mơ từ thế giới số ảnh 1

Chị Lê Thị Bích Loan (ngồi) cùng mẹ. Ảnh: BÁ HUY

Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, Loan đi làm thêm để đỡ đần ba mẹ. Loan khăn gói đến xin việc tại một công ty thiết kế có tiếng mà không có một tấm bằng nào trên tay. Ông chủ kêu thiết kế thử. Loan làm một mạch ra hàng loạt sản phẩm khiến ông gật đầu lia lịa. Sản phẩm Loan thiết kế, từ những chiếc name card đến logo, cái nào cũng đẹp và luôn làm hài lòng khách hàng.

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM và trở thành một trong những thủ khoa người khuyết tật đầu tiên của trường, Loan về làm việc cho Công ty Rồng Việt. Chị phụ trách một nhóm người khuyết tật tâm huyết. Cũng với vị trí là quản lý thiết kế, song công việc mới đòi hỏi Loan dành toàn bộ thời gian một năm để vừa tham gia đào tạo nhóm cộng sự người khuyết tật, vừa thực hiện công việc thiết kế. Nhờ máy tính, Loan đã tự nuôi sống được bản thân và phụ giúp gia đình.

Choáng ngợp trong thế giới số

Với cường độ làm việc hơn cả người khỏe mạnh, từ 6 giờ 30 sáng đến 22 giờ đêm, anh Nguyễn Công Hùng đã quên đi nỗi đau bản thân để lao vào công việc. Là người khuyết tật, anh đã tìm thấy nghị lực sống từ thế giới số và chia sẻ nghị lực ấy với trẻ em khuyết tật khác.

Hùng sinh năm 1982, trong một gia đình nông dân ở xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Trận sốt bại liệt ác nghiệt ngày nhỏ đã cướp đi của anh khả năng vận động. Càng ngày, Hùng càng còm cõi và yếu ớt, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào cha mẹ. Một lần tình cờ xem truyền hình, Hùng thấy người ta nói nhiều về máy vi tính. Anh nói với cha mẹ ước mong một ngày nào đó mình cũng được tiếp cận máy tính. Thấy mong ước ngày càng cháy bỏng của con, cha mẹ anh âm thầm thực hiện ý nguyện đó. Quần quật suốt ngày, thức khuya dậy sớm, nhịn ăn nhịn mặc, họ bán rổ khoai, con gà, thúng lúa… để tích cóp từng đồng mua máy cho con.

Có máy tính, Hùng mày mò tự học, khám phá qua sách, các tài liệu hướng dẫn vi tính. Càng tìm hiểu, anh càng thấy chân trời rộng mở trước mắt mình, càng cháy bỏng khao khát được khám phá. Đến khi tiếp cận với Internet, một thiên đàng mới lại ùa về làm anh choáng ngợp và say sưa. 

Đi tìm ước mơ từ thế giới số ảnh 2

Trang mạng kêu gọi giúp đỡ người khuyết tật của anh Nguyễn Công Hùng. Ảnh: BÁ HUY

Nhờ học và đọc từ sách, đĩa CD và một số website trên Internet, Hùng có được vốn kiến thức kha khá và trở thành “bác sĩ” của máy vi tính. Anh tìm kiếm các chương trình và phần mềm hay nhằm khai thác kiến thức tin học có khả năng ứng dụmg cao. Muốn giúp cho bọn nhỏ có cùng cảnh ngộ tìm được công ăn việc làm, Hùng lập nhóm “Nối vòng tay lớn” ở xã Nghi Diên. Thanh thiếu niên tụ tập về đây rất đông. Tất cả đều được Hùng hướng dẫn sử dụng máy vi tính. Đặc biệt, anh còn tự tạo một website cho riêng mình.

Cầu nối yêu thương

Năm 2006, Nguyễn Công Hùng thành lập Trung tâm Tin học Công Hùng tại quê mình và sau đó là Trung tâm Hỗ trợ Nghị lực sống. Anh cho biết hiện nay, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật luôn là mong ước của cộng đồng. Ngoài Trung tâm Hỗ trợ Nghị lực sống, anh còn xây dựng cổng thông tin nghilucsong.net với ước muốn người khuyết tật có cơ hội tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây cũng là cầu nối kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cho những tấm gương khuyết tật vượt khó.

Còn khá nhiều người khuyết tật đã vượt lên số phận nhờ những chiếc máy tính cũ kỹ. Đó là bạn Đỗ Minh Hội, vốn mắc bệnh xương thủy tinh, được cộng đồng mạng biết đến như một người viết nhật ký mạng. Đỗ Minh Hội xuất hiện trên hầu hết các hệ thống blog nhằm truyền tải thông điệp về tình yêu cuộc sống của mình. Hiện giờ, anh cũng là admin của trang ngoisaoblog.vn.

Đi tìm ước mơ từ thế giới số ảnh 3

Trang web ngoisaoblog do Đỗ Minh Hội làm admin. Ảnh: BÁ HUY

“Tôi mong một ngày nào đó, ánh sáng công nghệ sẽ đến với tất cả những người khiếm thị, để họ có thể học hỏi, làm việc và tự đứng vững trên đôi chân của mình” - anh Đặng Hoài Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Sao Mai, chia sẻ. Vượt khó thành công với chương trình “Đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị”, anh Phúc đã thuyết phục được Samsung DigitAll Hope tài trợ hơn 40.000 USD để giúp cho hàng trăm người khiếm thị ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, An Giang đến được với tin học.

Thầy Đỗ Hoàng Minh Đức, giảng viên Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, cũng đã dành khá nhiều tâm huyết vào việc viết phần mềm chính tả cho người khiếm thị. Theo thầy, công nghệ sẽ giúp các em học sinh vược qua rào cản trong học hành, đồng thời giúp các em có thể sớm hòa nhập với cộng đồng trong tương lai.

Bà HUỲNH NGỌC BÍCH, điều phối việc làm của Chương trình Khuyết tật và Phát triển:

Cần tạo thêm việc làm công nghệ cho người khuyết tật

Công việc liên quan đến công nghệ không cần đi lại nhiều, cũng không đòi hỏi sự vận động của cơ bắp. Điều này phù hợp với hoàn cảnh của người khuyết tật chuyên tâm và yêu nghề. Các doanh nghiệp nên tận dụng những lợi thế của người khuyết tật và tuyển dụng họ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bởi ngoài sự tận tình trong công việc, không hay bỏ việc giữa giờ làm để đi ra ngoài, họ còn là những cộng sự có khuynh hướng gắn bó lâu dài với công ty.

BÁ HUY

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2010)

Đọc thêm