Chào Firefox 3.5, đón HTML 5

Tuy không có sự quảng bá hoành tráng như chiến dịch cổ động cho "Ngày tải xuống" của Firefox 3.0 (www.getfirefox.net) đúng một năm trước đây, đợt phát hành Firefox 3.5 lần này vẫn là những ngày đêm không ngủ đầy phấn khích của những firefoxer – những nhân viên của Mozilla tại các văn phòng ở nhiều nơi trên thế giới và bất cứ ai mặc vào người chiếc áo thun có biểu tượng Firefox. Đáp lại sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hệ thống máy chủ của Mozilla, Firefox 3.5 được tải xuống trên 5 triệu lượt ngay trong ngày đầu tiên (chưa vượt được kỷ lục Guinness do Firefox 3.0 xác lập: 8 triệu lượt tải xuống trong ngày đầu tiên).

Nhân ngày phát hành Firefox 3.5, nhân viên của Google thực hiện một cuộc thăm dò "bỏ túi" với câu hỏi đơn giản "Bạn có biết trình duyệt là gì không?" tại quảng trường Thời gian (Time Square) – trung tâm thành phố New York (www.youtube.com/watch?v=o4MwTvtyrUQ). Kết quả thật ấn tượng: chỉ 8% số người được hỏi thực sự biết trình duyệt là gì, phần lớn nhầm lẫn trình duyệt với guồng máy tìm kiếm Google! Trong cuộc thăm dò, những người ý thức được họ đang dùng một phần mềm để xem trang Web lại rất mơ hồ về loại trình duyệt cụ thể đang dùng ("À, nó có chữ e bự bự ấy!").

Firefox vẫn còn một quãng đường dài phải vượt qua để bắt kịp Internet Explorer (IE) trong cuộc chinh phục người dùng. Những nét mới của Firefox 3.5 chỉ thực sự có ý nghĩa đối với những ai hiểu rõ mọi việc họ làm trên máy tính, những ai hiểu rõ mục tiêu của Mozilla.

Firefox 3.5 – phiên bản... vượt cấp

Trong nội bộ Mozilla, phiên bản mới cho Firefox lúc đầu được đặt tên là 3.1, chủ yếu nhằm bổ sung một số chức năng được người dùng ưa thích ở các trình duyệt khác, đặc biệt là chế độ "duyệt Web vô danh" (private browsing mode), trong đó trình duyệt không lưu bất cứ thông tin nào về những việc mà người dùng đã thực hiện. Nhờ vậy, người lướt Web hoàn toàn không để lại "dấu vết" trên máy tính đã dùng.

Tuy nhiên, do những cải tiến quan trọng cần thực hiện ngay, không thể chậm trễ, phiên bản 3.1 được "nầng tầm" thành 3.5. Đối với người dùng, những cải tiến quan trọng của Firefox 3.5 đều không dễ nhận biết ngay lập tức, cần nhiều thời gian để chiêm nghiệm: guồng máy JavaScript mới, chạy nhanh hơn (nhằm cạnh tranh với guồng máy V8 của trình duyệt Chrome), chức năng định vị người dùng (geolocation), chức năng đọc trang Web có kèm phông chữ và những chức năng thuộc về chuẩn HTML 5. Firefox 3.5 thực hiện nhiều nội dung của chuẩn HTML 5, dù chuẩn này chưa được thông qua chính thức bởi tổ chức W3C (WorldWideWeb Consortium).

Với khả năng xác định vị trí của người dùng dựa vào địa chỉ IP của họ, Firefox 3.5 sẽ xin phép người dùng khi cần cung cấp thông tin về vị trí của họ cho các dịch vụ trên Web. Điều này sẽ kích thích sự nở rộ những loại hình dịch vụ dựa trên vị trí của người dùng (dịch vụ dẫn đường, giới thiệu các cửa hàng ở gần vị trí của người dùng,...).

Chức năng đọc trang Web có kèm phông chữ chắc chắn mở rộng cửa cho những thiết kế sáng tạo. Người trình bày trang Web không còn quá phụ thuộc vào những phông chữ được cài đặt sẵn trên máy tính của người dùng trình duyệt.

Tuy nhiên, khả năng đưa nhạc và phim vào trang Web dễ dàng theo chuẩn HTML 5 mới thực sự là cuộc "giải phóng" đối với người thiết kế trang Web. Với Firefox 3.5, nhạc (ở dạng thức Ogg Vorbis) và phim (ở dạng thức Ogg Theora) được "gắn" một cách đơn giản vào trang Web lần lượt bằng "thẻ" và (tương tự "thẻ" dùng cho hình ảnh), không cần đến Flash, Silverlight hoặc QuickTime. Nhờ vậy, người xem phim trên trang Web chỉ cần bấm phím phải của chuột vào phim để tải phim xuống, giống hệt như khi họ cần lưu hình ảnh từ trang Web.

Việc thực hiện chuẩn mới về nhạc và phim không chỉ tạo thuận lợi cho người xem trang Web và người thiết kế trang Web, giới lập trình Web cũng bước vào không gian rộng lớn hơn nhiều. Những đoạn mã JavaScript trong trang Web giờ đây có thể tác động rất sâu vào nhạc và phim. Hoạt động của trang Web có thể trở nên hoàn toàn "trong suốt" đối với mọi người, không còn những "hộp đen" (không thể tiếp cận những chi tiết bên trong) tạo bởi Flash hoặc Silverlight.

Web đang tiến một bước quan trọng trong cuộc "về nguồn", trở lại với bản chất mở của thuở ban đầu.

HTML 5 – cuộc "về nguồn" gian nan

Từ sau khi chuẩn HTML 4 được công nhận chính thức vào năm 1999, sự phát triển ngôn ngữ HTML - ngôn ngữ nền tảng của Web - gần như kết thúc. Ngay từ năm 1997, tổ chức W3C, dưới sự lãnh đạo của Tim Berners-Lee (cha đẻ của Web), đã dự kiến sự thay đổi hoàn toàn công nghệ nền tảng của Web, chuyển qua giai đoạn "Web thông minh" (Semantic Web), trong đó mọi trang Web đều có sẵn dữ liệu tiềm ẩn phục vụ cho việc tổng hợp thông tin một cách hoàn toàn tự động.

Để thực hiện mục tiêu đó, W3C đã đặt HTML "qua một bên", tập trung vào việc soạn thảo những tiêu chuẩn tổng quát cho Web dựa trên công nghệ XML. W3C mong muốn XHTML - một trường hợp riêng của XML - trở thành chuẩn thực tế.

XHTML không tương thích với HTML, được xây dựng trên nguyên lý hoàn toàn mới: mọi tương tác giữa trang Web và người dùng trình duyệt đều được thể hiện bằng những khai báo (declaration), không cần lập trình bằng JavaScript.

XHTML (và XML nói chung) tuy trong sáng về nguyên lý nhưng không dễ triển khai. XHTML đi vào cuộc sống một cách chậm chạp. Trong khi đó, để đáp ứng các nhu cầu thực tế cấp bách, những phần mềm "cắm thêm" vào trình duyệt ngày càng nhiều, hầu hết đều dựa vào những công nghệ nặng tính tư hữu. Web ngày càng sôi động nhưng chắp vá về công nghệ. Nếu chỉ dựa vào JavaScript để xây dựng ứng dụng Web, người lập trình phải xoay sở với những giải pháp phức tạp và không chuẩn. Ước mơ của W3C về Semantic Web cho đến nay vẫn còn là... mơ ước!

Tháng 6/2004, một số chuyên gia làm việc trong các dự án trình duyệt Opera, Firefox và Safari không tán thành hướng đi của W3C, cùng nhau thành lập một nhóm độc lập với W3C, nhằm tiếp tục phát triển HTML. Nhóm mang tên WHATWG (Web Hypertext Application Technology Working Group). WHATWG chủ trương "tạo ra sự tiến bộ, chứ không làm cách mạng" ("Evolution, not Revolution").

Các chuyên gia của Microsoft thuộc bộ phận phát triển trình duyệt IE từ chối lời mời tham gia nhóm WHATWG.

Nhóm WHATWG soạn thảo nên chuẩn HTML 5, nhằm chuẩn hóa những công nghệ quan trọng, đáp ứng nhu cầu bức thiết của việc xây dựng ứng dụng Web. Theo đề xuất của WHATWG, trình duyệt sẽ trở thành nền tảng cho ứng dụng Web với những phương tiện tinh tế: cung cấp miền vẽ (canvas) cho đồ họa vector, cung cấp cơ sở dữ liệu (database) quy mô nhỏ, có khả năng lưu trữ dữ liệu tự động (app cache), giúp ứng dụng Web hoạt động bình thường trong tình trạng ngoại tuyến (offline) và tạo điều kiện thuận lợi cho mã JavaScript khai thác sức mạnh của bộ xử lý đa nhân (bộ xử lý ngày càng phổ biến trên máy tính cá nhân).

Tháng 3/2007, tổ chức W3C quyết định điều chỉnh chiến lược cho Web và chấp nhận đề xuất của nhóm WHATWG về HTML 5. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia thuộc W3C, việc chuẩn hóa mọi chi tiết của HTML 5 sẽ cần thời gian hơn mười năm!

Không thể chờ đợi, các nhóm phát triển trình duyệt Opera, Firefox, Safari và Chrome đều bắt tay vào việc thực hiện từng phần của chuẩn HTML 5. Firefox 3.5 thực hiện nhiều nội dung của HTML 5, bất chấp những chi tiết công nghệ còn gây tranh cãi (như việc sử dụng dạng thức Ogg Vorbis cho nhạc và Ogg Theora cho phim).

Trình duyệt IE của Microsoft - trình duyệt quan trọng nhất hiện nay trên Internet - vẫn thờ ơ với HTML 5 vì lý do dễ hiểu: HTML 5 cạnh tranh với công nghệ Silverlight của Microsoft trong việc xây dựng ứng dụng Web. Khi mà phần lớn người dùng máy tính cá nhân chấp nhận dễ dàng trình duyệt IE có sẵn trên Windows, con đường trở về với bản chất mở của Web vẫn còn xa lắm!

Theo VNN/e-CHÍP

Đọc thêm