Cẩm nang chọn mua laptop năm 2013

Cẩm nang chọn mua laptop năm 2013 ảnh 1

Ảnh minh họa

1. Các thể loại laptop chính trên thị trường hiện nay

Laptop mini

Nếu nhu cầu sử dụng không quá cao, bạn có thể lựa chọn những mẫu laptop màn hình nhỏ cho phép chuyển đổi linh hoạt để sử dụng như máy tính bảng với giá khoảng 400 USD, ví dụ như Asus Transformer T100. Asus Transformer T100 sở hữu màn hình 10,1 inch có thể tách rời khỏi bàn phím, giống như Sony Tap 11, nhưng Asus Transformer T100 dùng vi xử lý Intel Atom không mạnh bằng vi xử lý Core i5 của Sony Tap 11.

Notebook cho mọi mục đích

Nếu bạn có ngân sách eo hẹp nhưng lại cần một chiếc laptop với màn hình rộng và bàn phìm lớn, hãy cân nhắc những mấu laptop loại chủ đạo như Acer Aspire E1-572-6870 (500 USD). Những máy thuộc loại laptop cho mọi mục đích có màn hình từ 14 tới 16 inch, thường với độ phân giải 1366 x 768 pixel, RAM 4GB, ổ cứng cơ học và CPU tầm trung.

Laptop loại này không lý tưởng cho mục đích chơi game vì chúng không có card đồ họa rời, nhưng là lựa chọn tốt cho sinh viên.

Cẩm nang chọn mua laptop năm 2013 ảnh 2

Aspire E1 của Acer là một mẫu laptop cho mọi mục đích sử dụng vi xử lý Haswell của Intel

Laptop mỏng và nhẹ

Những người thường xuyên di chuyển và mang theo laptop trong túi xách sẽ cần những thiết bị mỏng và nhẹ, với trọng lượng khoảng 2,2kg hoặc nhẹ hơn, và màn hình không lớn hơn 14 inch. Laptop mỏng và nhẹ có thể không hoạt động tốt hơn dòng laptop giá rẻ hoặc laptop cho mọi mục đích, nhưng chúng có giá bán cao do nhà sản xuất phải sử dụng những chất liệu nhẹ như nhôm và magiê thay thế cho chất liệu nhựa cồng kềnh. Đại diện cho laptop loại này là Sony VAIO Pro 13 giá 1400 USD.

Ít sản phẩm laptop mỏng và nhẹ dùng card đồ họa rời, nhưng nhiều máy dùng ổ đĩa trạng thái rắn (SSD) với tốc độ cực nhanh. Ultrabook, một định nghĩa do Intel đưa ra, là những chiếc laptop mỏng và nhẹ dùng CPU di động tiết kiệm điện của Intel.

Laptop thay thế desktop

Được thiết kế để thay thế máy tính để bàn, những chiếc laptop loại này có kích thước lớn, nặng và có gần như mọi tính năng của máy tính để bàn. Chúng thường sử dụng CPU tốc độ cao, bộ xử lý đồ họa rời, bộ nhớ lớn, dùng ổ đĩa quang, có bàn phím kích thước to kèm theo phím số đầy đủ và rất nhiều cổng I/O. Nhược điểm của laptop loại này là giá bán đắt và máy khá nặng. Ví dụ, Qosmio X75 A7298 của Toshiba có giá 1900 USD, nặng 3,3kg.

Cẩm nang chọn mua laptop năm 2013 ảnh 3

Laptop Qosmio X75 của Toshiba

Laptop để chơi game

Laptop dành cho game thủ có nhiều điểm chung với laptop thay thế desktop, nhưng được thiết kế đặc biệt cho mục đích chơi game.

Chúng thường được trang bị những CPU nhanh nhất và card đồ họa rời, màn hình rất lớn và ổ đĩa quang, giá bán có thể dao động từ cao tới trung bình. Asus G750JH giá 2250 USD là sản phẩm có giá bán vừa phải cho thể loại này.

Cẩm nang chọn mua laptop năm 2013 ảnh 4

Mặc dù khá nặng, Asus G750JH đi kèm hiệu suất sẽ hấp dẫn các game thủ

2. Những tính năng và linh kiện chính mà bạn nên xem xét khi chọn mua laptop

CPU

Vi xử lý Core của Intel (thế hệ mới nhất là Core thế hệ 4) đã chiếm lĩnh thị trường chip di động trong vài năm gần đây. Vi xử lý Atom – Intel đặt tên cho thế hệ mới nhất là Bay Trail – là dòng vi xử lý loại yếu nhất, nhưng tiết kiệm điện nhất và có thể được tìm thấy trong nhiều tablet Windows mới trình làng.

Vi xử lý Core i3, Core i5 và Core i7 là những thành viên tiếp theo của dòng này. Vi xử lý Core thế hệ 4 – trước đây có tên mã Haswell - là chip đáng mơ ước nhất. Chúng được xác định bởi số sê-ri 4000-, ví dụ như Intel Core i5-4200U, với chữ "U" chỉ CPU siêu tiết kiệm điện của Intel. Hầu hết các bộ vi xử lý của Intel đều là vi xử lý lõi kép và lõi tứ.

AMD vẫn chưa từ bỏ thị trường di động. Những vi xử lý tăng tốc AMD Elite A-Series hứa hẹn hiệu suất đồ họa cao cấp nhờ công nghệ đồ họa Radeon tích hợp. Chip loại này có từ loại cao cấp A10 tới A4 tầm thấp; ngoài ra còn có AMD Elite E-Series cho những mẫu laptop cỡ nhỏ hơn, giá rẻ hơn.

Bộ nhớ

Trong khi trên danh nghĩa, laptop chỉ cần RAM 2GB để chạy Windows 8, tốt nhất bạn nên chọn máy có tối thiểu RAM 4GB nếu muốn dùng Windows 8. Hãy cân nhắc về vấn đề nâng cấp thêm bộ nhớ khi mua laptop, vì việc bổ sung bộ nhớ về sau có thể khó khăn (thậm chí là không thể, vì nhiều nhà sản xuất laptop không cho phép điều này). RAM DDR3/1600 là loại phổ biến nhất.

Màn hình

Hãy mong đợi độ phân giải ít nhất 1366 x 768 pixel trên những mẫu laptop giá rẻ, và ít nhất 1920 x 1080 trên các mẫu cao cấp. Một vài laptop cao cấp, như Toshiba Kirabook, có màn hình độ phân giải cao hơn (2560 x 1440 pixel), nhưng bạn sẽ phải hi sinh một số tính năng khác.

Trong năm 2013, laptop màn hình cảm ứng đã trở nên khá phổ biến và xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi hệ điều hành Windows 8 được sử dụng rộng rãi hơn.

Bàn phím

Cách duy nhất để biết bạn có thích bàn phím của một chiếc laptop hay không là hãy dùng thử. Một chiếc laptop có thực sự phù hợp với bạn hay không còn tùy thuộc kích thước, hình dạng, kết cấu các phím và phản hồi xúc giác… Những chiếc laptop cỡ lớn thường có đủ chỗ để trang bị một bàn phím số chuyên dụng.

Bàn di chuột

Có thể bạn sẽ muốn mua laptop có bàn di chuột hỗ trợ đa cảm ứng cho thao tác điều khiển bằng cử chỉ trên Windows 8. Hầu hết các bàn di chuột đều tích hợp nút chuột trái và chuột phải, nhưng một số ít cũng có nút chuột riêng biệt.

Lưu trữ

Hiện nay, ổ đĩa cứng Serial ATA vẫn là tiêu chuẩn chính. Những ổ đĩa cơ học kiểu này thường chạy với tốc độ 5400 hoặc 7200 rpm (càng nhanh càng tốt), và bạn nên mua ổ đĩa với dung lượng ít nhất 500GB. Những chiếc laptop hiệu suất cao thường đi kèm ổ SSD, ổ đĩa loại này cho hiệu suất cao hơn đáng kể. Tuy nhiên, nhược điểm là chúng đắt hơn ổ đĩa cơ học, vì thế bạn thường nhận được dung lượng ít hơn: thường từ 128GB tới 256GB. Có một lựa chọn thứ 3 là một ổ đĩa cơ học với một ổ SSD làm cache.

Ổ đĩa quang

Nhiều mẫu laptop hiện đại không còn dùng ổ đĩa quang, nhưng bạn có thể vẫn cần ổ đĩa quang trên những laptop dùng để thay thế desktop và laptop chơi game chuyên dụng.

Cổng USB

Laptop nên có ít nhất hai cổng USB 3.0 trong tổng số ba hoặc bốn cổng USB. Các thiết bị ngoại vi USB 3.0 đã trở nên phổ biến. Nhiều nhà sản xuất cũng bắt đầu trang bị cho laptop ít nhất một cổng USB cho phép sạc smartphone hoặc một thiết bị loại nhỏ khác ngay cả khi laptop đang tắt.

Cẩm nang chọn mua laptop năm 2013 ảnh 5

Hãy chọn mua laptop có ít nhất hai cổng USB 3.0

Cổng HDMI

Đây là cách dễ nhất để kết nối laptop với màn hình ngoài hoặc một tivi màn hình lớn (mặc dù một bộ DisplayPort-to-HDMI cũng có chức năng tương tự).
Cổng DisplayPort: Nhiều laptop cho doanh nhân cung cấp cả cổng DisplayPort lẫn cổng HDMI. DisplayPort 1.2 hỗ trợ các độ phân giải cao hơn cổng HDMI, và cho phép bạn kết nối cùng một lúc vài màn hình với nhau.

Đầu đọc thẻ nhớ

Nếu bạn có một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, bạn sẽ đánh giá cao việc có một đầu đọc thẻ trên laptop. Khe cắm thẻ SD là phổ biến nhất.

Webcam

Sự phổ biến của Skype và các ứng dụng chat video khác đã biến webcam thành một bộ phận cần có trong laptop. Một chiếc webcam HD tốt sẽ cho hình ảnh rõ nét hơn trong điều kiện thiếu sáng và có thể cả tính năng theo dõi khuôn mặt. Tốt nhất bạn nên lựa chọn webcam có độ phân giải ít nhất 720p.

Theo Duy Anh (ICTnews / PCWorld)

Đọc thêm