Cách tìm và xóa phần mềm gián điệp khỏi điện thoại

Phần mềm gián điệp và phần mềm theo dõi là gì?

Phần mềm gián điệp (spyware) hay phần mềm theo dõi (stalkerware) đều có thể đánh cắp dữ liệu của bạn, bao gồm hình ảnh, video, giám sát tin nhắn SMS, email, nghe lén và ghi âm cuộc gọi… Đặc biệt phần mềm theo dõi còn có thể thu thập nội dung trên Skype, Facebook, WhatsApp và iMessage.

Những phần mềm này (PhoneSheriff, TeenShield, SniperSpy…) ban đầu được thiết kế để cho phép phụ huynh kiểm soát điện thoại của con trẻ. Tuy nhiên, đôi khi người mua lại lạm dụng phần mềm và sử dụng để theo dõi đối tác, vợ/chồng một cách bí mật.

Phần mềm gián điệp và phần mềm theo dõi thường được sử dụng cho mục đích cá nhân, ít phổ biến trong doanh nghiệp.

phan-mem-theo-doi

Những hình thức phát tán phần mềm gián điệp

Tin nhắn văn bản, email… vẫn là một trong những hình thức phát tán phần mềm độc hại phổ biến nhất hiện nay. Khi phát hiện các nội dung kì lạ, bạn nên xóa chúng ngay lập tức, không nhấp vào liên kết hoặc tải về bất cứ tệp tin nào để tránh bị lây nhiễm phần mềm độc hại. 

Ngoài ra, kẻ gian còn sử dụng chiến thuật nhằm khiến bạn hoảng sợ, chẳng hạn như dọa cắt điện, thông báo tài khoản ngân hàng có vấn đề và yêu cầu xác minh lại, hoặc cảnh báo bạn đang dính líu đến một vụ án hình sự… Từ đó yêu cầu bạn cài đặt phần mềm hoặc gửi thông tin tài khoản cho họ.

Làm thế nào để xóa phần mềm gián điệp
khỏi thiết bị?

Phần mềm gián điệp ngày càng tinh vi và rất khó để phát hiện. Tuy nhiên, nếu kiểm tra kĩ, bạn vẫn có thể phát hiện ra chúng.

- Android: Đầu tiên, bạn hãy kiểm tra lại toàn bộ ứng dụng trên điện thoại bằng cách vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng) - Manage apps (quản lý ứng dụng), sau đó tìm các ứng dụng đáng ngờ và gỡ bỏ. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên kiểm tra lại những quyền hạn đã cấp cho ứng dụng, nếu thấy mục nào không cần thiết, bạn có thể thu hồi ngay lập tức.

- iOS: Các thiết bị iOS (iPhone, iPad) rất ít khi bị dính phần mềm độc hại trừ khi bạn đã Jailbreak thiết bị và cài đặt ứng dụng bên ngoài.

- Windows: Để kiểm tra các phần mềm đáng ngờ trên Windows, bạn hãy nhấn tổ hợp phím Windows + S, sau đó gõ từ khóa cpl và nhấn Enter để mở Control Panel. Tiếp theo, người dùng chỉ cần tìm đến mục Programs and Features để gỡ cài đặt các phần mềm lạ (nếu có).

xoa-phan-mem-tren-windows

Kiểm tra các phần mềm đáng ngờ và gỡ bỏ. Ảnh: MINH HOÀNG

- macOS: Nếu đang sử dụng MacBook, Mac Pro, Mac mini… bạn có thể nhấn tổ hợp phím command + Space, gõ vào khung trống từ khóa activity monitor và nhấn return để kiểm tra các phần mềm đang hoạt động. Để tắt một tiến trình bất kỳ, người dùng chỉ cần nhấn vào biểu tượng dấu “x”. 

Thường xuyên quét phần mềm độc hại trên máy tính và điện thoại, tuy nhiên, bạn cần lựa chọn những phần mềm chống virus có tên tuổi và được nhiều người khuyên dùng.

Thay đổi mật khẩu nếu bạn nghi ngờ tài khoản của mình đã bị xâm phạm. Lưu ý, không sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản, đồng thời hãy đặt mật khẩu có chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt.

Đa số các tài khoản, dịch vụ hiện nay đều hỗ trợ tính năng xác thực hai yếu tố (2FA), do đó bạn nên kích hoạt tính năng này để bảo mật tài khoản tốt hơn.

Việc cập nhật hệ điều hành sẽ giúp cải thiện hiệu suất, đồng thời còn giúp vá các lỗ hổng bảo mật còn tồn đọng trước đó. 

Cả Google và Apple ngày càng hạn chế các ứng dụng hỗ trợ phụ huynh kiểm soát con trẻ. Thay vào đó, các công ty đã tích hợp sẵn tính năng này trên hệ điều hành, ví dụ như Screen time (thời gian sử dụng), cho phép bạn kiểm soát thời gian và chỉ định các ứng dụng mà con trẻ được phép sử dụng. 

screen-time-ios

Kiểm soát thời gian sử dụng của con trẻ. Ảnh: MINH HOÀNG

Đọc thêm