Cách báo cáo các sự cố, vi phạm giao thông bằng smartphone

Việc triển khai tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật tại TP.HCM được thực hiện từ năm 2013 thông qua tổng đài 39111333. Tuy nhiên, đến ngày 6-2-2015, Sở TT&TT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan đưa vào vận hành đầu số tổng đài 1022 nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân.

Sau khi nâng cấp hệ thống, người dùng có thể báo cáo sự cố đến tổng đài bằng nhiều phương thức khác nhau như nhắn tin hoặc gọi điện đến tổng đài 1022, truy cập trực tiếp vào trang https://1022.tphcm.gov.vn/, cài đặt ứng dụng tổng đài 1022 trên App Store hoặc Google Play, gửi báo cáo về email 1022@tphcm.gov.vn.

Động thái trên sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân và hệ thống, giữa đơn vị tiếp nhận thông tin với 84 đơn vị thuộc hệ thống, gồm có sở ngành, UBND 24 quận/huyện và các đơn vị quản lý/sở hữu/duy tu hạ tầng trực tiếp tham gia giải quyết sự cố.

Theo thống kê, từ tháng 4-2013 đến 12-2017 đã có 650.961 thông tin được tiếp nhận và xử lý.

Cụ thể lĩnh vực giao thông có 3.381 phản ánh (trung bình 59 lần/tháng), cấp nước có 9.081 phản ánh (trung bình 159 lần/tháng), thoát nước có 1.840 phản ánh (trung bình 32 lần/tháng)... Cao nhất là điện lực với 48.338 phản ánh (trung bình 848 lần/tháng) và xe buýt với 567.758 phản ánh (trung bình 9.961 lần/tháng).

Trong khuôn khổ bài viết này, Kỷ Nguyên Số sẽ hướng dẫn bạn đọc cách báo cáo sự cố, vi phạm với chính quyền thông qua ứng dụng trên smartphone.

- Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy cài đặt ứng dụng 1022 tại địa chỉ http://bit.ly/tong-dai-1022-1 (Android) hoặc http://bit.ly/tong-dai-1022-2 (iOS).

- Bước 2: Giao diện ứng dụng khá đơn giản với các mục Tra cứu, Thống kê, Trợ giúp, Bản đồ, Góp ý/Phản ánh và Gọi điện.

Để báo cáo sự cố, người dùng chỉ cần chuyển sang mục Góp ý/Phản ánh, điền đầy đủ thông tin gồm họ tên, địa chỉ email, số điện thoại, nội dung phản ánh (buôn bán lấn chiếm vỉa hè, đổ rác, đèn đường bị hư, ống nước bị bể…), nơi xảy ra sự cố và hình ảnh mô tả (nếu có).

- Bước 3: Ngoài ra, bạn cũng có thể theo dõi các báo cáo sự cố khác, tiến độ xử lý, đơn vị tiếp nhận, tình trạng, hạn xử lý và rất nhiều thông tin khác trong mục Tra cứu.

Việc này cho phép người dùng theo dõi quá trình xử lý cũng như kết quả sau khi hoàn tất, đối chiếu thực tế và tiếp tục phản ánh lại hệ thống trong trường hợp chất lượng chưa đạt.

- Bước 4: Mục Thống kê cho phép người dùng thống kê các sự cố theo từng ngành, nghề, tiến độ xử lý... Để theo dõi trực quan hơn, bạn có thể chuyển sang mục Bản đồ.

Hi vọng với những mẹo nhỏ đơn giản mà Kỷ Nguyên Số vừa giới thiệu bên trên, bạn đọc có thể báo cáo sự cố đến các đơn vị liên quan nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Đọc thêm