Các "ông lớn" giải trình về phần mềm gián điệp

Các "ông lớn" giải trình về phần mềm gián điệp ảnh 1

Đây là lần đầu tiên các bên liên quan giải trình một cách chính thức danh tính các sản phẩm của mình có sử dụng phần mềm Carrier IQ (bị nghi ngờ bí mật theo dõi người dùng smartphone) tại Mỹ.

AT&T giải thích việc sử dụng phần mềm Carrier IQ là chỉ để thu thập các thông tin phục vụ cho việc chuẩn đoán về hệ thống mạng của công ty hoặc để phục vụ cho chính việc người dùng cung cấp những ý kiến phản hồi trong quá trình sử dụng. Hãng này cũng khẳng định đã giới hạn triệt để những chức năng không cần thiết của phần mềm này.

AT&T báo cáo chỉ có khoảng 900.000 thiết bị của họ có chứa phần mềm Carrier IQ trong đó chỉ 575.000 máy được kích hoạt để thu thập dữ liệu.

Trong khi đó Samsung và HTC đều phủ nhận việc mình đặt trộm phần mềm thu thập thông tin cá nhân người dùng. Samsung cho rằng, họ cài đặt phần mềm này chỉ đơn thuần theo yêu cầu của các hãng viễn thông. Samsung cũng xác nhận hãng này có khoảng 25 triệu điện thoại di động được cài phần mềm Carrier IQ tại Mỹ, nhưng cũng không quên nhấn mạnh rằng mình vô can trong việc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng. Con số sản phẩm có dính dáng đến Carrier IQ của HTC là 6,3 triệu máy và hãng này hứa sẽ tiến hành điều tra tích cực để giải quyết vấn đề này.

Sprint thừa nhận đã sử dụng phần mềm này từ 2006 với khoảng 26 triệu máy đã được cài. Nhưng cũng như các hãng khác, Sprint cho rằng mục đích sử dụng phần mềm này của mình trên các sản phẩm là hoàn toàn "trong sáng".

Các "ông lớn" giải trình về phần mềm gián điệp ảnh 2

Carrier IQ có lẽ kín tiếng hơn cả khi chẳng đưa ra bất kỳ danh sách thiết bị cài đặt phần mềm Carrier IQ nào được họ cung cấp dù rằng họ là khởi điểm của một loạt những rắc rối vừa qua. Hãng này cũng chỉ coi đây là một việc ngoài ý muốn mà thôi.

Vụ việc các hãng sử dụng phần mềm Carrier IQ theo dõi thông tin cá nhân người dùng các sản phẩm di động gây rúng động dư luận hồi đầu tháng 12 khi một nhà phát triển Android có tên Trevor Eckhart bất ngờ tìm ra. Hàng trăm triệu người dùng smartphone, kể cả Android, Nokia và BlackBerry đều bị qua mặt.

Tất nhiên, trong việc giải trình này, các hãng hầu hết đều chối bỏ trách nhiệm và hạn chế mức độ phanh phui các vấn đề có tính nhạy cảm. Hẳn chỉ có người dùng là chịu thiệt vì họ đã mất tiền mua sản phẩm, bị lợi dụng mà không hề hay biết như lời của thượng nghị sỹ Al Franken, vấn đề là người dùng không hề hay biết mình đang bị thu thập thông tin và phần mềm này có đang chạy hay không, những dữ liệu gì mà nó gửi đi và người nhận là ai.
Theo Thanh Phong Tổng hợp (VNN)

Đọc thêm