Asianux Desktop tương thích phần mềm kế toán trên Windows

Asianux Desktop tương thích phần mềm kế toán trên Windows ảnh 1
Phần mềm kế toán viết cho Windows của công ty MISA chạy trên cả hệ điều hành nguồn mở Asianux Desktop.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, phụ trách phát triển sản phẩm Asianux Việt Nam cho biết sau khi điều chỉnh và nâng cấp các module nền, phiên bản hệ điều hành nguồn mở Asianux Desktop 3.5a đã tương thích thành công một số phần mềm kế toán của Việt Nam viết cho nền tảng Windows.

Theo ông Tùng, công ty Asianux Việt Nam đã vận hành thử nghiệm thành công phần mềm kế toán MISA và phần mềm kế toán Silicom của công ty máy tính Silicom chạy trên Asianux Desktop 3.5a. Cả hai phần mềm kế toán này đều viết cho nền tảng Windows.

“Đến nay, Asianux Desktop là hệ điều hành nguồn mở duy nhất tương thích với các phần mềm kế toán của Việt Nam viết cho nền tảng hệ điều hành nguồn đóng Windows”, ông Tùng nói. “Công ty đang thử nghiệm Asianux Desktop với nhiều phần mềm kế toán khác của Việt Nam, khả năng tương thích thành công là rất cao”. 

Asianux Desktop 3.5a là phiên bản được Asianux Việt Nam dành riêng cho các phần mềm kế toán của Việt Nam. Kể từ phiên bản 3.5 trở lại đây, hệ điều hành Asianux Desktop đã tương thích với khá nhiều phần mềm và ứng dụng chạy trên Windows, như Autocad phiên bản 2002, Photoshop và một số game như StarCraft, WarCraft hay picachu.

Hiện nay, hầu hết phần mềm ứng dụng do các công ty trong nước phát triển chỉ hỗ trợ hệ điều hành Windows của Microsoft, rất hiếm phần mềm ứng dụng có phiên bản cho hệ điều hành nguồn mở. Đây là cản trở lớn với các cá nhân và tổ chức muốn chuyển đổi sang nền tảng nguồn mở.

Với việc tương thích tốt với các phần mềm chạy trên Windows, hệ điều hành Asianux Desktop có lợi thế rõ rệt so với các phiên bản hệ điều hành nguồn mở khác như Ubuntu hay Fedora. Đây là tin vui với những cơ quan, tổ chức có kế hoạch chuyển đổi sang nguồn mở nhưng còn lo ngại các phần mềm ứng dụng đang dùng không tương thích.

Hệ điều hành Asianux là sản phẩm của liên minh Asianux gồm 5 thành viên là các công ty phần mềm: Redflag Software của Trung Quốc, Miracle Linux của Nhật Bản, Haansoft của Hàn Quốc, WTEC của Thái Lan và công ty VietSoftware của Việt Nam.

Theo Duy An (ICTnews )

Đọc thêm