40 năm biến hóa của virus máy tính

40 năm biến hóa của virus máy tính ảnh 1

1971: Creeper

Creeper là phần mềm đầu tiên có tính năng lây lan giống virus. Creeper lây lan trên mạng Arpanet – tiền thân của mạng Internet. Virus này thực chất chỉ là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhằm kiểm tra khả năng tạo ra một phầm mềm tự sao chép. Vì vậy, Creeper không gây hại mà chỉ hiện ra một thông điệp ngộ nghĩnh: “Tôi là Creeper, hãy bắt tôi nếu có thể.”

1982: Elk Cloner

Virus được phát tán ngoài phòng thí nghiệm đầu tiên là Elk Cloner. Bạn sẽ bất ngờ khi biết người phát tán virus này chỉ là một học sinh cấp 2. Elk Cloner lây nhiễm qua đĩa mềm dùng trong các máy tính Apple II, hiển thị một bài thơ ngắn châm chọc trên màn hình các máy tính bị lây nhiễm.

1983: Virus

Thực ra phải đến năm 1983 thuật ngữ “virus” mới xuất hiện. Thuật ngữ này do nhà nghiên cứu Fred Cohen nghĩ ra khi đang học tại Đại học Nam California để mô tả các chương trình có khả năng tự sao chép.

1987: Jerusalem

Được đặt theo tên thành phố mơi virus này bị phát hiện, Jerusalem là virus phá hoại đầu tiên lây lan toàn thế giới. Jerusalem lây nhiễm cho các máy tính chạy hệ điều hành MS-DOS, xóa sạch một số chương trình trên những máy tính bị lây nhiễm vào đúng thứ 6 ngày 13.

1992: Michelangelo

Virus Michelangelo được lập trình để bị kích hoạt vào đúng ngày 06/03, ngày sinh nhật của họa sỹ MichelAngelo Buonarroti. Việc phát hiện ra Michelangelo đã khiến một số nhà nghiên cứu điên cuồng cảnh báo rằng hàng triệu máy tính có thể bị phá hỏng vào ngày này. Tuy nhiên, cuối cùng đó chỉ sự sợ hãi bị thổi phồng.

Giữa thập niên 1990: Phishing

Đúng theo tên gọi, đây là virus giả mạo đầu tiên bị hacker lợi dụng để thu thập thông tin bí mật. Chiến thuật này hết sức đột phá vì hacker không dựa vào phần mềm phá hoại mà lợi dụng sự cả tin của người dùng máy tính để thu thập các thông tin như số thẻ tín dụng và mật khẩu.

1999-2001: Melissa, I Love You, Anna Kournikova

Các loại virus này lây lan cho hàng triệu máy tính toàn cầu bằng cách lừa người nhận mở một tập tin đính kèm email - thường là một tài liệu Microsoft Word, một đường link hoặc bức ảnh – có chứa chương trình tự động gửi tin nhắn cho những người có trong danh sách liên lạc của máy tính bị nhiễm.

2001: Code Red

Code Red lây nhiễm cho các web server. Những website lưu trữ trên các server này sẽ có trang chủ bị thay thế bằng thông điệp "Hacked by the Chinese" (bị hack bởi người Trung Quốc). Virus này cũng làm quá tải website của Nhà trắng bằng cách gửi đi rất nhiều tin nhắn từ các máy chủ bị lây nhiễm. Cuộc tấn công sau đó nhanh chóng bị dẹp tan.

2004: Sasser

Sasser là sâu Internet đầu tiên, gây ra ảnh hưởng cả bên ngoài các hệ thống có kết nối Internet. Sasser lây nhiễm cho hơn 1 triệu hệ thống máy tính, làm chậm trễ nhiều chuyến bay và làm gián đoạn truyền thông vệ tinh. Vào thời điểm đó, các doanh nghiệp khắp thế giới đã phải tạm thời không sử dụng các máy tính bị lây nhiễm Sasser.

2005: MyTob

MyTob đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử malware - theo lời Giám đốc cao cấp của công ty bảo mật Internet Fortinet.

Phát tán qua email, MyTob tạo ra một mạng lưới “botnet” các máy tính bị kiểm soát có thể bị lợi dụng để phát tán thư rác, cài đặt spyware (phần mềm gián điệp) và gây ra các cuộc tấn công giả mạo. Mặc dù vào thời điểm đó botnet không hề mới, MyTob là một trong các loại virus đầu tiên kết hợp botnet với một chương trình gửi email hàng loạt, giúp hacker sử dụng malware để đánh cắp tiền chứ không phải chỉ để nghịch ngợm, gây rối như trước đây.

2010: Stuxnet

Sâu máy tính tinh vi này là ví dụ về malware được sử dụng như một thứ vũ khí ảo. Lây lan qua các thiết bị USB và một số phương pháp khác, virus này được thiết kế nhằm điều khiển hoạt động của các hệ thống điều khiển công nghiệp chuyên dụng. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng, chứng cứ mà các nhà nghiên cứu bảo mật thu thập được cho rằng cuộc tấn công Stuxnet nhằm vào các máy ly tâm làm giàu uranium trong chương trình hạt nhân của Iran.

Theo Phạm Duyên (ICTnews / Wall Street Journal)

Đọc thêm