16 thói quen xấu cần bỏ ngay khi dùng đồ công nghệ

16 thói quen xấu cần bỏ ngay khi dùng đồ công nghệ ảnh 1

1. Để thiết bị hớ hênh

16 thói quen xấu cần bỏ ngay khi dùng đồ công nghệ ảnh 2

Phần lớn những vụ “thó” smartphone, tablet hay laptop chỉ diễn ra trong vòng vài giây và thủ phạm không phải nhọc công lên kế hoạch kì công, đơn giản vì bạn để hớ hênh, “mỡ treo miệng mèo”, như đặt điện thoại lên bàn uống nước rồi thản nhiên đi… WC hay không khóa cửa nhà.

Khắc phục: Luôn để mắt tới thiết bị và đề nghị người khác trông chừng giùm mình, ví dụ nhân viên quán café hay bạn bè đi cùng.

2. “Chúi mũi” vào thiết bị mọi lúc, mọi nơi

“Dán mắt” vào màn hình smartphone, tablet dù đang di chuyển ở đâu sẽ khiến bạn trở thành “mồi ngon” cho bọn trộm vặt. Cách khắc phục vô cùng đơn giản là bạn luôn ghi nhớ không nên dùng thiết bị tại những điểm nhộn nhạo như chợ, nhà ga hay trên đường về nhà lúc tối trời.

3. Tay bẩn vẫn dùng thiết bị

16 thói quen xấu cần bỏ ngay khi dùng đồ công nghệ ảnh 3

Tay bốc thức ăn, tay bấm điện thoại; màn hình điện thoại bám đầy dầu sau khi áp tai nghe… là cảnh thường thấy trong cuộc sống. Chính tật xấu này khiến thiết bị là nơi “tích trữ” vi khuẩn giàu có. Nên nhớ bàn phím thiết bị còn bẩn hơn cả bồn cầu. Năm 2012, một tên trộm Uganda thậm chí còn nhiễm virus Ebola (sốt xuất huyết) từ chiếc điện thoại hắn đánh cắp.

Khắc phục: Hãy luôn để thiết bị trên mặt bàn sạch sẽ, lau sạch điện thoại, tablet và màn hình của chúng hàng ngày. Với các thiết bị như desktop, laptop, máy in nên lau chùi khoảng 2 năm/lần vì quạt làm mát có thể thu hút vô số bụi bặm vào trong máy.

4. Ngồi máy tính sai tư thế

Hội chứng ống cổ tay là hình thức cơ bản nhất của bệnh thần kinh ngoại biên, ảnh hưởng tới 5,8% dân số thế giới. Phương pháp điều trị thường là phẫu thuật. Tất cả chỉ vì bạn quá lười tới mức không muốn ngồi thẳng lưng khi dùng máy tính.

Khắc phục: Điều chỉnh ghế ở độ cao thích hợp sao cho đầu gối gập một góc 90o, luôn nhớ đặt chân lên sàn nhà, đặt màn hình sao cho phần đỉnh màn hình ở ngang tầm mắt và bàn phím sao cho cổ tay song song với sàn nhà.

5. Dùng máy liên tục

Nghỉ ngơi vô cùng cần thiết cho sức khỏe của bạn. Khớp xương, cơ bắp, máu và mắt đều được thư giãn nếu bạn thay đổi cảnh quan sau một thời điểm nhất định. Duy trì nguyên một tư thế trong thời gian dài có thể làm nghẽn máu, nặng hơn còn gây đột tử. Nhìn quá lâu vào màn hình máy tính gây mỏi mắt, ảnh hưởng tới thị giác, gây nguy hiểm khi lái xe về nhà.

Khắc phục: Hãy chịu khó duỗi chân duỗi tay, thường xuyên đi lấy nước uống hay ra ngoài vươn mình vài phút trong thời gian làm việc.

6. Đặt laptop lên đùi

16 thói quen xấu cần bỏ ngay khi dùng đồ công nghệ ảnh 4

Laptop quá nóng sẽ làm ảnh hưởng tới những thứ đặt bên dưới nó, trong trường hợp này là đùi người sử dụng. Nữ giới có thể bị khô da, thay đổi màu sắc da, trong khi nam giới bị giảm lượng tinh trùng. Ngoài ra, đặt vật nặng quá lâu trên cơ thể sẽ làm tổn thương hệ thần kinh, đặc biệt khi kết hợp với tư thế đặt laptop trên đùi: gập người, hai chân dang, “cổ sếu” hay bện viêm khớp.

Khắc phục: Nếu không muốn chuyển cả một bàn làm việc đồ sộ vào trong phòng, bạn có thể thử những chiếc bàn gập cỡ nhỏ hơn và áp dụng các mẹo nghỉ ngơi ở mực 6. Ngoài ra, cũng tránh gác chân lên bàn khi dùng máy tính vì hệ thần kinh và cơ bắp sẽ tốt hơn nếu đầu gối gập và bàn chân đặt trên sàn nhà.

7. Không sao lưu dữ liệu

Vì một lí do “trời ơi” nào đó, dữ liệu của bạn sẽ biến mất tăm không dấu vết. Khi đó, có lẽ bạn phải “khóc ròng” tại sao không sao lưu dữ liệu trước đây. Nhiều dịch vụ sao lưu trực tuyến ngày nay sẽ tự động đồng bộ file vào đám mây dù đang dùng PC, tablet hay smartphone. Cũng đừng xem thường việc sao lưu vì cho rằng không có dữ liệu quan trọng trong thiết bị. Bạn sẽ trải qua cảm giác khác hẳn nếu chúng bị mất đi.

Khắc phục: Với phần lớn hệ điều hành ngày nay, mọi việc bạn cần phải làm chỉ là tải về và cài đặt ứng dụng sao lưu trên thiết bị. Một số ứng dụng tốt bao gồm Carbon, Titanium Backup, Super Backup…

8. Một mật khẩu cho nhiều tài khoản

Với nhiều người, ghi nhớ nhiều mật khẩu một lúc là việc bất khả thi, do đó họ tìm tới giải pháp dùng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Tuy nhiên, hãy nghĩ tới ngày nào đó kẻ gian biết được mật khẩu cũng như tên đăng nhập của bạn, hậu quả sẽ trở nên khôn lường.

Khắc phục: Bạn có thể giữ lại yếu tố chung, ví dụ Flurpb&rgl3r rồi thêm vào hậu tố tùy theo từng tài khoản, như fb8 làm mật khẩu Facebook hay tw7 làm mật khẩu Twitter.

9. Một tài khoản, nhiều người dùng

Cha mẹ thường cho con cái dùng chung thiết bị với mình. Đó là nguyên nhân nhiều lúc các bà mẹ không hiểu danh bạ điện thoại của mình biến đi đâu, hay “sếp” của mẹ phải thắc mắc vì sao lại nhận được tới 20 email cùng một lúc.

Khắc phục: Cài đặt chế độ nhiều tài khoản trên Windows không hề khó và là cách hữu dụng để không ai phạm phải tài liệu của ai. Với trẻ em, bảo mật và an toàn là vấn đề lớn hơn. Thiết lập tài khoản tiêu chuẩn Standard User cho con để đảm bảo những phần mềm “vớ vẩn” không được cài đặt, đó cũng là chìa khóa để kiểm soát con cái dùng máy tính.

10. Không “lên đời” ứng dụng

Ngày nay, các hãng thường xuyên cập nhật phiên bản mới cho phần mềm. Cập nhật phần mềm bao gồm các tính năng mới, vá lỗi, vá lỗ hổng bảo mật. “Lên đời” phần mềm là cách cơ bản để thiết bị hoạt động an toàn và đáng tin cậy.

Khắc phục: Khi có cập nhật mới, bạn sẽ nhận được thông báo. Nếu vẫn lười tới mức không muốn cập nhật ngay, bạn nên luyện thói quen cập nhật tất cả mỗi tuần một lần.

11. Không đọc mục Hỏi – Đáp (FAQ)

Khi có vấn đề phát sinh, dù chỉ nhỏ như ngón tay, phản ứng thường gặp nhất là bạn đem thiết bị đến nơi bảo hành hoặc gọi điện thoại tư vấn rồi ngồi chờ nửa tiếng để có người tới giúp mình.

Khắc phục: Tạo thói quen đọc hướng dẫn sử dụng hoặc mục hỏi – đáp trên website các hãng. Chúng đáng để xem qua nếu bạn không thể tìm thấy câu trả lời cho một vấn đề nào đó.

12. Chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội

Thời đại mạng xã hội cho phép bạn than phiền về bất cứ thứ gì, đăng ảnh hay viết ghi chú dài đằng đẵng bất cứ lúc nào, ở đâu. Tuy nhiên, xét tới sự liên kết chặt chẽ giữa mạng xã hội và thế giới thực, những người có xu hướng gánh chịu rắc rối nhiều nhất lại là những người hay than vãn trên mạng nhất.

Khắc phục: Nếu muốn thế giới quan tâm tới thân phận “ảo”, hãy bình luận và đăng thứ gì đó “có não” một chút. Ngoài ra, để tránh bị “vạ miệng”, nên cất những suy nghĩ khó chịu hay “mưu đồ” vào blog cá nhân.

13. Vừa nói chuyện vừa nhắn tin

16 thói quen xấu cần bỏ ngay khi dùng đồ công nghệ ảnh 5

Nếu muốn người khác tôn trọng, tốt nhất bạn nên tôn trọng họ bằng cách dừng nhắn tin hay chơi game trên điện thoại khi đối thoại, dù đang ở trường, chỗ làm hay đơn giản là gặp gỡ bạn bè trong quán café.

14. Mặc “áo giáp” cho điện thoại, tablet

Dù cẩn thận tới mấy, nguy cơ bạn làm rơi thiết bị là khá cao, ví dụ như điện thoại tự rơi ra khỏi túi áo, bị ai đó đâm phải hay khi bạn vấp ngã. Giải pháp duy nhất trong trường hợp này là mang vỏ bảo vệ cho thiết bị, tốt nhất là vỏ cao su dày hay vỏ silicon bọc kín các góc.

15. Không đặt chế độ im lặng

Cuộc họp hay lớp học có thể bị gián đoạn nếu tiếng chuông điện thoại “vô duyên” vang lên. Đây là trường hợp khá phổ biến vì nhiều người không có thói quen đặt chế độ im lặng cho điện thoại khi ở nơi công cộng.

Khắc phục: Nếu không thể nhắc nhở người gây ồn, ít nhất bạn nên đảm bảo mình không phải người làm hỏng bầu không khí chung bằng cách tắt chuông điện thoại và đặt chế độ báo rung hoặc yên lặng.

16. Không bao giờ reboot máy

Thiết bị dễ bị ảnh hưởng bởi đủ mọi vấn đề nhỏ nhặt. Nhiều ứng dụng yêu cầu khởi động lại máy (reboot) sau khi chúng được cài đặt/nâng cấp hoặc bị gỡ bỏ. Có thể ví việc reboot cũng giống như khi chúng ta lấy lại sinh khí sau giấc ngủ buổi tối và bắt đầu ngày mới hứng khỏi hơn.

Khắc phục: Tạo thói quen reboot vào một giờ cố định trong ngày, ví dụ khi bạn đi ngủ. Ngoài ra, bạn có thể tắt hẳn thiết bị để tiết kiệm pin.

Theo Du Lam (ICTnews / PCW)

Đọc thêm