TP.HCM sắp diễn ra 3 hội nghị quốc tế nghiên cứu công nghệ mới

Nhằm tiếp tục kết nối và tăng cường các quan hệ hợp tác giữa đại học/viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao theo xu hướng chung của thế giới, Ban tổ chức Khu Công nghệ cao sẽ tổ chức ba hội nghị quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới, thiết kế chế tạo hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), robot và trí tuệ nhân tạo.

Theo đó, tại cuộc họp báo chiều 15-8, PGS-TS Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết dự kiến hội nghị “Ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới” diễn ra ngày 31-8 với sự tham gia của 12 diễn giả là những nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực công nghệ và vật liệu nano đến từ Nhật Bản, Mỹ, Singapore và Việt Nam.

PGS-TS Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM thông tin về ba hội nghị quốc tế tại cuộc họp báo vào chiều 15-8.

Diễn đàn MEMS sẽ diễn ra vào 28-9 với chủ đề “Nắm bắt xu hướng nuôi dưỡng sáng tạo”, dự kiến có bốn chủ đề phiên song song (Hướng đến thương mại hóa sản phẩm MEMS từ kết quả hoạt động nghiên cứu và triển khai, vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm trong sự phát triển hệ sinh thái MEMS,…).

Diễn đàn tập trung thảo luận chiến lược giữa các nhà điều hành cấp cao để định hình thị trường sản phẩm MEMS tại Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời duy trì và tăng cường kết nối mạng lưới giữa doanh nghiệp-doanh nghiệp, doanh nghiệp-chuyên gia và chuyên gia-chuyên gia.

Ngoài ra, hội nghị quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao năm 2018 “Robot và Trí tuệ nhân tạo” sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 17-11 với chủ đề: “Robot và Trí tuệ nhân tạo” và ba chủ đề phiên song song là: Sự tương tác giữa con người và robot trong thời đại công nghiệp 4.0; Robot và trí tuệ nhân tạo cho thành phố thông minh; Việt Nam trong thời đại robot và trí tuệ nhân tạo.

Về trí lĩnh vực này, TS Lê Đình Phong cho rằng tính khả thi của các công nghệ nhân tạo trên thế giới hiện Việt Nam cũng có thể áp dụng được.

“Hiện nay các nhóm đang nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cụ thể để đến tháng 11 có thể trình diện. Ví dụ như điều khiển bằng giọng nói hoặc nhận diện bằng khuôn mặt hay những thiết bị robot phục hồi chức năng con người.

Chúng tôi cũng đang liên lạc với các trường, viện trong nước giới thiệu những thành quả nghiên cứu thực tế chứ không phải trên bài báo đến với các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm robot và trí tuệ nhân tạo” - TS Lê Đình Phong cho hay.

PGS-TS Lê Hoài Quốc cũng nhận định hội nghị này là bước chuẩn bị cho sự phát triển bền vững và tối ưu hóa tiềm năng của Khu Công nghệ cao TP.HCM trong diễn biến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mục đích rõ rệt là tiếp cận những công nghệ mới nhất trên thế giới về lĩnh vực robotics và trí tuệ nhân tạo thông qua các diễn giả chủ đạo danh tiếng trong giới học thuật toàn cầu; kết nối thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm; góp phần định hướng phát triển công nghệ Robotics và AI cho TP.HCM trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 hiện nay. 

Đọc thêm