Xem phim 3D có tốn kém?

Xem phim 3D có tốn kém? ảnh 1

Kính 3D.

Không ít người tự hỏi có phải đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua TV 3D mới xem được phim 3D tại nhà? Có phải chỉ cần mua 1 kính xem phim 3D là xem được tất cả các loại phim 3D? Người dùng có thể tận dụng những “cơ sở vật chất” sẵn có nào để xem phim 3D mà không phải tốn quá nhiều tiền? Đây là một số trong những câu hỏi với rất nhiều người trước “trào lưu phim 3D” đang diễn ra rầm rộ trên cả thế giới lẫn Việt Nam hiện nay.

Phim 3D "bình dân"

Phim 3D gia đình có thể xem trên màn hình máy tính, máy chiếu hoặc TV. “Phim 3D cũng giống như phim bình thường, chỉ khác là đeo kính vào sẽ thấy chiều sâu của hình ảnh, còn không đeo kính thì thấy như bình thường”, Vũ Phạm Anh Tuấn, một thành viên lâu năm của diễn đàn HDVietnam, nói.

Theo Anh Tuấn, có thể nói hiện tại đang có 4 loại phim 3D công nghệ khác nhau, và vì thế cũng có 4 loại kính xem phim khác nhau, tương ứng cho mỗi loại phim. Điều đáng mừng là có 3 loại phim 3D xem được trên đầu đĩa DVD bình thường. Đó là phim 3D công nghệ Red-Cyan, Green-Magenta và Colorcode.

Trong 3 loại trên, phổ biến nhất là loại phim theo công nghệ Red-Cyan. Với loại phim này, khi xem sẽ phải đeo kính có 2 màu đỏ-xanh. Phim 3D công nghệ Green/Magenta là loại mới hơn, tăng được hiệu ứng 3D và đỡ mỏi mắt hơn. Đây là phim phải đeo kính có 2 màu xanh lá cây-đỏ tươi. Một công nghệ phim 3D khác là Colorcode (hoặc Amber-Blue). Với loại phim này, phải dùng kính 2 màu màu hổ phách-xanh da trời. Tuy nhiên, loại phim công nghệ này có vẻ ít phổ biến hơn so với 2 loại công nghệ trên.

Như vậy, với những ai đang muốn xem phim 3D song nguồn kinh phí lại eo hẹp, vẫn còn rất nhiều lựa chọn và cơ hội để thoả mãn “cơn ghiền”. Họ có thể tận dụng TV và đầu đĩa DVD sẵn có ở nhà, thậm chí tận dụng máy tính cá nhân. Vấn đề còn lại chỉ là kính 3D và nguồn phim 3D. Hiện nay kính 3D đang được bán rất nhiều trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau, rẻ nhất là 25.000 đồng, và cao nhất là trên 250.000 đồng, có kính gọng giấy và kính gọng nhựa. Ngoài ra, thị trường còn có kính Mỹ (dán nhãn USA) và kính Trung Quốc (dán nhãn China) với mức giá chênh nhau khá lớn. Nguồn phim 3D cũng khá phong phú, có thể tải trên mạng Internet hoặc mua đĩa phim 3D với nhiều mức giá khác nhau. Rất nhiều cửa hàng bán đĩa DVD có bán phim 3D.

Một lời khuyên khá bổ ích là nếu chưa hiểu nhiều về phim 3D, nên chọn 1 bộ phim 3D, sau đó chọn đúng loại kính chính thức của hãng phim để xem bộ phim đó. Khi đã có trong tay chiếc kính đầu tiên, có thể tìm mua các loại phim có cùng công nghệ với chiếc kính đó. Sau khi hiểu biết hơn về các công nghệ phim 3D và kính xem phim, có thể sắm thêm các loại kính khác nếu có nhu cầu “mở rộng tầm nhìn 3D”.

Và phim 3D “hàng khủng”

Ngoài 3 loại phim 3D “bình dân” trên, còn một loại phim 3D nữa có thể gọi là “phim 3D cao cấp”. Đây là công nghệ 3D kết hợp blu-ray mới nhất áp dụng cho các TV có chức năng 3D, như những mẫu TV 3D mà các “đại gia” TV như Samsung, Sony… đang rầm rộ phát triển. Ngoài ra, với loại phim 3D cao cấp này, cần có đầu chiếu 3D riêng, chứ không dùng với đầu DVD thông thường. Ngay cả sử dụng đầu Blu-ray cũng không xem được loại phim 3D này, mà phải là loại đầu Blu-ray 3D. Một điều quan trọng nữa là một chiếc đầu đĩa 3D sẽ tương thích tốt nhất với một loại TV 3D nhất định, chứ không phải mọi TV 3D đều dùng tốt với đầu đĩa 3D và ngược lại. “Loại phim 3D cao cấp này có tiêu chuẩn chung, các hãng vẫn đang thử nghiệm. Vì thế, để đảm bảo độ tương thích tốt nhất, các hãng thường bán luôn đầu đĩa 3D và TV 3D dùng cho chiếc đầu đĩa đó, thậm chí bán cả kính 3D đi kèm”, Anh Tuấn cho biết.

Tất nhiên, để xem được loại phim này, người xem cần đầu tư cả thời gian và tiền bạc vì sự đồng bộ từ đĩa blu-ray 3D, đầu phát blu-ray 3D và TV 3D là bắt buộc và giá thành chắc chắn sẽ thuộc “hàng khủng”. Bù lại, “đẳng cấp cao cấp” đi kèm với “thiết bị cao cấp” sẽ mang lại chất lượng hình ảnh 3D “cao cấp” hơn, đẹp hơn.    

Còn một công nghệ 3D là công nghệ 3D mà người xem không cần đeo kính. Dòng sản phẩm 3D này được dự đoán sẽ có mức giá không “mềm”.

Theo Bảo Bình (ICTnews

Đọc thêm