Vì sao TV Plasma “chết”?

Vì sao TV Plasma “chết”? ảnh 1

Panasonic TV Plasma

Thất bại ở một hàng sản xuất lớn

Panasonic, một trong những nhà sản xuất TV Plasma lớn cuối cùng, từng có ý định giành vô định về loại TV này đã tỏ ra hối hận về quyết định đó khi phải gánh khoản lỗ lên tới 10,2 tỷ USD trong năm tài chính vừa kết thúc vào ngày 31/3, và một trong những danh mục bị thất bại lớn nhất đó chính là TV Plasma với doanh số bán hàng giảm nhiều so với mong đợi.

Doanh số bán TV Plasma chỉ đạt khoảng 59% so với dự đoán của Panasonic. Doanh thu trên bảng cân đối kế toán của Panasonic từ TV Plasma là 3,5 tỷ USD, giảm gần nửa so với 6 tỷ USD của năm trước đó.

Trong những năm gần đây việc kinh doanh TV Plasma gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là hãng sản xuất TV Plasma lớn của Nhật Bản, Pioneer đã từ bỏ công nghệ này vì nhận thấy nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm này không còn đáng kể nữa. Sau khi Panasonic mua lại công nghệ Plasma hàng đầu của Pioneer năm 2009, công ty này đã nỗ lực để quảng bá và tiếp thị về những ưu điểm của TV Plasma. Tuy nhiên, những nỗ lực đó lại không mang lại kết quả như mong đợi khi nhìn vào con số doanh thu của Panasonic hiện tại.

Bị “tấn công” bởi nhiều yếu tố

Câu hỏi là: Tại sao công nghệ màn hình Plasma lại bị “thất sủng” bởi người tiêu dùng? Sự tổng hòa giữa các yếu tố trong ngành và thị trường người tiêu dùng đã khiến cho TV Plasma không còn được chú ý hay xuất hiện nhiều ở những phòng trưng bày và phòng khách của từng hộ gia đình. Raymond Soneira, chủ tịch của công ty phân tích công nghệ màn hình DisplayMate cho biết: “Plasma là một công nghệ tuyệt vời nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn. Công nghệ này có một số lợi thế hơn so với màn hình LCD nhưng cũng có một số nhược điểm". Soneira cho biết, Plasma hiển thị màu đen đậm hơn, có các góc nhìn tốt hơn, màu sắc chính xác hơn và đối tượng chuyển động không bị nhòe. Tuy nhiên, LCD lại cho hình ảnh sáng hơn, nhẹ hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn màn hình Plasma; những lợi thế này của LCD lại được người dùng chú ý hơn.

Bên cạnh những yếu tố kỹ thuật đó, nhiều người còn quan niệm rằng công nghệ LCD mới hơn, và do đó sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, không phải như vậy, màn hình LCD đã xuất hiện được vài năm trước khi những chiếc TV Plasma đầu tiên ra đời, chỉ là công nghệ LCD mãi sau này mới được áp dụng cho các màn hình lớn hơn. LCD màn hình lớn được bán ra sau Plasma nên người tiêu dùng nghĩ rằng nó là thứ “mới mẻ và “hot” hơn”, suy nghĩ này đã được các nhà sản xuất màn hình LCD như Samsung và Sharp tích cực khai thác.

Khi ngành công nghiệp TV đang bắt đầu chuyển sang LCD, thì công nghệ này đã được cải tiến rất nhiều kể từ khi ra mắt, làm lu mờ nhiều lợi thế màn hình của Plasma. Trong khi đó, việc sản xuất những mẫu TV LCD chỉ quay quanh một vài công ty với quy mô lớn, khiến cho màn hình LCD có giá ngày càng thấp hơn.

TV Plasma cũng có một vấn đề “chết người” đó là thường xảy ra hiện tượng cháy hình "burn-in". Khi người dùng để TV hiển thị một hình tĩnh trong khoảng 30 phút (như tiêu đề trên một kênh tin tức), hình ảnh này sẽ lưu lại ở dạng vệt mờ trên TV sau đó vài ngày hoặc có khi cả tháng mới bị mất đi. Hiện tượng này xuất hiện vì phốt-pho ở trong màn hình bị đốt nóng trong khoảng thời gian dài dẫn đến mất khả năng phát sáng, tạo ra vệt mờ. Tuy TV Plasma đã dược bổ sung những tính năng mới có thể loại bỏ được vấn đề này nhưng lỗi này đã tạo ấn tượng xấu cho nhiều người dùng.

Và cuối cùng, thị trường TV nhìn chung đã không còn sức nóng như trước nữa. Nhu cầu TV nói chung bị giảm lại gây ảnh hưởng đặc biệt và nghiêm trọng nhất tới TV Plasma. Đây là một điều rất đáng tiếc bởi vì mặc dù công nghệ LCD có nhiều cải tiến nhưng màn hình Plasma cũng có những lợi thế vốn có của nó.

Theo Phạm Khánh (ICTnews / Mashable)

Đọc thêm