Tìm hiểu về định dạng ảnh RAW

Theo cách hiểu đơn giản, RAW là một mớ dữ liệu "thô" được máy ảnh "trộn" lên. Không như định dạng JPEG, ảnh RAW không được chỉnh nét hay tông màu ngay trên ảnh. Vì vậy, quá trình xử lý hậu kỳ phức tạp trên máy tính, như chỉnh màu và phơi sáng với định dạng này trở nên dễ dàng hơn nhiều. Bên cạnh đó, file RAW giữ lại nhiều dữ liệu ở vùng sáng/tối giúp dễ dàng khôi phục lại chi tiết.

Ảnh RAW thường được đánh giá cao hơn, nhưng định dạng này chỉ giới hạn cho dòng máy ngắm chụp cao cấp và DSLR. Tuy vậy, hầu hết máy ảnh, kể cả dòng DSLR, đều không thể chụp liên tiếp tốc độ cao trong thời gian dài khi ghi dưới định dạng RAW. Lý do là bộ nhớ đệm của máy có giới hạn và bị "đầy" nhanh hơn so với khi ghi dưới định dạng JPEG.

Dưới đây là những thông tin cơ bản về định dạng ảnh này.

Tìm hiểu về định dạng ảnh RAW ảnh 1

Quá trình xử lý ảnh RAW. Ảnh: Letsgodigital.

1. Khởi động chức năng ghi định dạng RAW trên máy.

Người chụp nên đặt trên menu tùy chọn nhanh một yêu cầu cho phép chuyển đổi giữa ghi định dạng RAW hay JPEG. Một số dòng máy cũng cho phép ghi đồng thời RAW và JPEG, tuy nhiên sẽ tốn bộ nhớ hơn, vì vậy hãy dùng thiết bị lưu trữ dung lượng lớn khi muốn chụp đồng thời RAW và JPEG.

Một số máy ảnh có khả năng ghi định dạng sRAW có dung lượng nhỏ hơn định dạng RAW chuẩn. Định dạng này hữu dụng khi người chụp chỉ mang thẻ nhớ dung lượng nhỏ, nhưng chú ý là độ phân giải ảnh thấp hơn nên không thể xuất ảnh in cỡ lớn được.

2. Các định dạng RAW khác nhau.

Canon .CRW .CR2
Nikon .NEF .NRW
Sony .ARW .SRF .SR2
Pentax .PTX .PEF
Olympus .ORF
Hasselblad .3FR
Leica .RAW .RWL .DNG

Không phải tất cả ảnh RAW đều có chung định dạng file mở rộng. Máy ảnh của Canon thường xuất file .CRW hoặc .CR2, trong khi máy của Nikon xuất file .NEF. Người chụp sẽ cần các phần mềm khác nhau để mở các định dạng này. Chúng thường được cung cấp trong đĩa CD đi kèm khi mua máy.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hình ảnh đã và đang thúc đẩy các hãng sản xuất máy ảnh chuẩn hóa lại định dạng file RAW của mình. Định dạng .DNG (digital negative, có thể hiểu là "âm bản số") của Adobe đi đầu trong việc này, nhưng đến nay hầu hết các hãng đều chưa chấp nhận.

3. Phần mềm xử lý định dạng RAW.

Ngày nay, khi mua máy ảnh số, nhà sản xuất thường cung cấp kèm một đĩa CD phần mềm xem và chỉnh sửa hình ảnh. Nếu máy cho phép ghi file RAW, phần mềm đi kèm cần cho phép xem, chỉnh sửa và xử lý ảnh RAW. Nhưng phần mềm của hãng nào chỉ chỉnh sửa được định dạng RAW của hãng đó. Tuy vậy, vẫn có phần mềm của hãng thứ ba, ví dụ Lightroom của Adobe, có thể xử lý các định dạng RAW khác nhau, mặc dù phải mua riêng và có thể đắt.

Tìm hiểu về định dạng ảnh RAW ảnh 2

Ảnh của tác giả Đặng Trung Tú.

4. 'Nghịch' RAW.

Hầu hết các phần mềm xử lý ảnh RAW đều có cả "tấn" thứ có thể thực hiện với hình chụp. Phía bên phải trên giao diện phần mềm là các bảng công cụ để thực hiện các thao tác chỉnh sửa cơ bản, như bù sáng hay chỉnh tông màu. Hãy điều khiển theo nhiều cách khác nhau và xem các loại hiệu ứng thể hiện trên ảnh thế nào.

Khi đã xử lý ảnh xong, hãy chuyển về định dạng JPEG nếu muốn tải lên các trình duyệt chia sẻ hình ảnh như Flickr. Nên nhớ là đừng lưu lại các chỉnh sửa đã thực hiện trên file RAW vì chúng sẽ thay đổi vĩnh viễn file RAW gốc. Hãy giữ file gốc lại.

5. Lưu ảnh RAW.

Phải sao lưu file RAW vào ổ cứng ngoài hoặc DVD. Bản lưu sẽ luôn an toàn khi vì có thể trong tương lai còn cần đến chúng. Hãy nghĩ định dạng file RAW như là phim âm bản 35mm, khi cất và bảo quản đúng cách, vẫn có thể sử dụng lại nhiều lần.

Theo Lê Phương (Sohoa)

Đọc thêm