Tiêu thụ PC toàn cầu giảm 7,1% trong quý I

Như vậy so với con số dự báo mà IDC đã đưa ra trước đây thì mức sụt giảm thực tế thấp hơn rất nhiều. Cụ thể IDC đã từng dự báo rằng trong quý I năm nay lượng PC được tiêu thụ trên thị trường toàn cầu sẽ giảm tối thiểu là 8,2% so với con số của một năm trước đó.

Một trong những nguyên nhân cốt lõi – IDC khẳng định – giúp thị trường PC toàn cầu đối phó tốt hơn với tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ PC giảm mạnh đó chính là việc các nhà sản xuất PC đã phải chấp nhận giảm giá bán để kích cầu cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của dòng máy tính xách tay giá rẻ Netbook.

Trong khi đó do sử dụng một phương pháp nghiên cứu hoàn toàn khác nên hãng nghiên cứu Gartner cho rằng lượng PC tiêu thụ toàn cầu trong quý I vừa qua chỉ giảm khoảng 6,5%.

Chưa nhìn thấy đáy

Cũng trong ngày hôm qua Intel – nhà sản xuất chip vi xử lý lớn nhất thế giới – khẳng định đã có những dấu hiệu cho thấy thị trường PC đã rớt xuống đáy. Đồng nghĩa với việc tới đây thị trường sẽ cho thấy những dấu hiệu hồi phục khả quan.

Bob O'Donnell – Phó chủ tịch IDC – cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng nhận xét của Intel đã đúng hay chưa. “Tuy nhiên tôi cho rằng đã có những dấu hiệu ban đầu khẳng định nhận xét này của Intel”.

IDC cũng dự báo rằng rất có thể đến cuối năm nay thị trường PC sẽ bắt đầu hồi phục. Trong những quý tới đây sản xuất sẽ bắt đầu ổn định. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết giúp thị trường “quay đầu đi lên từ cuối năm nay”.

Trong khi đó ông George Shiffler – Giám đốc nghiên cứu của Gartner – lại cho rằng hiện vẫn chưa nhìn thấy đáy của thị trường PC toàn cầu đâu. “Đã có những dấu hiệu cho thấy bắt đầu có sự tích trữ sản phẩm trong các kênh phân phối. Song đây chưa hẳn là một bằng chứng rõ ràng chứng minh cho sự hồi phục ban đầu trong nhu cầu tiêu dùng”.

“Chưa có ai chứng minh rõ ràng rằng thị trường PC đã rớt xuống đáy”.

Tín hiệu khả quan từ Mỹ

Trái với những gì đã xảy ra trong quá khứ, lần này thị trường Mỹ lại tỏ ra đối phó rất tốt với cuộc khủng hoảng. Tổng lượng PC được bán ra trên thị trường này trong quý I chỉ giảm 3,1%. Con số này đã khiến IDC thực sự rất ngạc nhiên. Trước đây IDC dự báo rằng mức giảm sút của thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay ít nhất cũng phải là 8,9%.

Loren Loverde – một quan chức của IDC – cho biết sở dĩ IDC đưa ra dự báo về một mức sụt giảm cao như thế cho thị trường Mỹ bởi thứ nhất quốc gia này là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thứ hai là IDC cân nhắc đến cách thức mà thị trường này phản ứng với những cuộc suy thoái gần đây nhất. Dự trên những điều này mà IDC mới nhận định rằng nhu cầu tiêu thụ và tốc độ tăng trưởng của thị trường PC Mỹ trong thời kỳ khủng hoảng này sẽ giảm tương đối mạnh.

Ông O'Donnell khẳng định: “Thị trường Mỹ đã khiến chúng tôi thật sự ngạc nhiên. Biểu hiện của thị trường này đi ngược lại tất cả những dự báo trước đây. Tình hình của thị trường PC Mỹ là khả quan nhất trên toàn thế giới. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu rất đáng hi vọng”.

Một trong những nguyên nhân giúp thị trường Mỹ đối phó thành công với cuộc khủng hoảng trong quý I vừa qua chính là sự cạnh tranh khốc liệt về vấn đề giá cả giữa các nhà sản xuất. Cụ thể đó là việc cạnh tranh nhằm đưa ra mức giá thấp nhất và có lợi nhất cho khác hàng.

“Anh hùng cứu tinh” Netbook

Khi nói về các sản phẩm giá rẻ thì chắc chắn phải nhắc đến Netbook. Đây là dòng máy tính xách tay giá rẻ đang ngày một trở nên phổ biến trên thị trường toàn cầu. Có thể nói đây là sản phẩm được thiết kế dành riêng cho thời kỳ khủng hoảng.

Trong thời gian vừa qua trong khi số lượng PC thông thường được bán ra không ngừng sụt giảm thì Netbook vẫn tăng trưởng vù vù. Dự báo đối với phân khúc thị trường hiện vẫn rất khả quan. Số lượng Netbook được bán ra dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn trong năm nay.

Dự báo trong năm nay số lượng Netbook được tiêu thụ trong năm nay sẽ tăng gấp đôi so với con số của năm ngoái.

Có thể nói Netbook được xem là vị cứu tinh bởi nó là sản phẩm đang rất được ưa chuộng. Còn về thực tế thì nó cũng chỉ là một trong các dòng sản phẩm PC giá rẻ được sản xuất ra nhằm đối phó với tình trạng người dùng cắt giảm chi tiêu trong thời đại khủng hoảng.

Nhưng không ai có thể phủ nhận được “công lao” của Netbook. Tốc độ tăng trưởng mạnh của dòng sản phẩm này đã góp phần kìm hãm bớt sự tụt dốc của thị trường PC toàn cầu trong quý I vừa qua. Đây là điều mà cả hai hãng nghiên cứu IDC và Gartner đều đã khẳng định.

Cuộc lật đổ ngoạn mục của HP

Cả IDC và Gartner đều nhất trí cho rằng trong quý I vừa qua Hewlett-Packard Co. (HP) đã thành công trong việc “lật đổ” Dell để vươn lên chiếm lĩnh vị trí số một tại thị trường Mỹ. Thành công này chủ yếu nhờ vào giá rẻ và xây dựng được một thương hiệu mạnh.

Thị phần của HP tại thị trường Mỹ hết quý I đã đạt tới 27,6%. Trong khi đó Dell giờ đây chỉ còn khoảng 26,3%. Sở dĩ Dell thua thiệt bởi trong thời gian qua thì hãng này đã liên tục tiến hành các cuộc cải cách nội bộ nhằm đẩy mạnh tăng trưởng.

Acer đứng ở vị trí thứ 3 và là một đối thủ rất đáng gờm trên phân khúc thị trường Netbook. Nhờ đó mà nhà sản xuất của Đài Loan này có được 10,5% thị phần tại thị trường Mỹ. Apple đứng ở vị trí tiếp theo với 7,6% thị phần. Thứ năm là Toshiba với 6,6% thị phần.

Tính trên thị trường toàn cầu HP hiện chiếm 20,5% thị phần. Dell vẫn đứng ở vị trí thứ 2 với 13,6%. Tính ra thì thị phần trên thị trường PC toàn cầu của HP đã tăng 2,9% trong quí vừa qua. Trong khi đó Dell lại bị giảm mất 3,1%.

Đứng thứ ba là Acer với 11,6%. Lenovo chiếm vị trí tiếp theo với 7%. Tiếp đến là Toshiba với vỏn vẹn chỉ có 5,4% thị phần.

Theo VnMedia (Reuters/AP/PCmag/PCworld)

Đọc thêm