Thừa TV hỗ trợ DVB-T2 nhưng thiếu đầu thu hợp chuẩn

Thậm chí, một số hãng còn tích hợp cả TV dưới 32-inch dù cơ quan quản lý chưa bắt buộc.

số hóa truyền hình, TV, DVB-T2. Bộ TT&TT, Cục tần số, Vĩnh Long, truyền dẫn phát sóng, TP.HCM

"Rõ ràng, quy định của chúng ta đưa ra là hợp lý nên doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật này không hề khó khăn", ông Hoan nhấn mạnh tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Tháng 5/2014 của Bộ TT&TT, diễn ra sáng 7/5. Tuy nhiên, có một hiện tượng là chương trình đã phát sóng ở 5 thành phố nhưng người xem vẫn còn ít. Các mẫu mã TV DVB-T2 được bày bán rầm rộ nhưng đầu thu set-top box hỗ trợ chuẩn này lại rất hiếm, khó tìm trên thị trường. Theo đại diện Cục Tần số, việc khan hiếm đầu thu set-top box, cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu về, sẽ khiến cho việc triển khai Đề án Số hóa gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết nút thắt này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, VN có nhiều doanh nghiệp có thể sản xuất được set-top box như VNPT Technology, do đó, cần có những chính sách, chế độ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, bán ra đầu thu trong thời gian tới để phục vụ số hóa truyền hình, đảm bảo lộ trình được tuân thủ.

Cần chế tài xử phạt doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng

Một kiến nghị nữa cũng được ông Hoan nêu ra là Bộ TT&TT cần xem xét ban hành những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực được cấp phép.

Hiện Đề án số hóa truyền hình đã chính thức triển khai vào giai đoạn đầu tiên, theo đó, 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM sẽ được phủ sóng số chuẩn DVB-T2. Kênh truyền hình AVG hiện đã phát sóng quảng bá các kênh truyền hình địa phương, trong khi Truyền hình Việt Nam đã thiết lập được các trạm phát sóng DVB-T2 tại 5 địa phương này, ông Hoan cho biết.

Theo quy hoạch PTTH quốc gia đã được phê duyệt, Việt Nam sẽ có 3 doanh nghiệp phát sóng truyền dẫn toàn quốc là AVG, VTV và VTC, cùng với tối đa hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực (chưa thành lập).

Mặc dù vậy, ông Hoan phản ánh rằng việc phát sóng số tại các địa phương hiện vẫn đang lúng túng do vướng ở khâu doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực. Hiện Hà Nội và Hải Phòng đã thỏa thuận xong về việc liên kết thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực Bắc Bộ, nhưng TP.HCM và Vĩnh Long thì vẫn chưa tìm được tiếng nói thống nhất để tiến tới thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng cho khu vực Nam Bộ.

Tuy nhiên, quan điểm của Cục Tần số là sẽ không cấp phép cho hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng ở cùng một khu vực nên buộc hai địa phương này phải hợp tác với nhau. Trong trường hợp đến hết tháng 6 mà khu vực Nam Bộ vẫn chưa thể thành lập được một doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực thì để đảm bảo đúng lộ trình Số hóa truyền hình toàn quốc, Bộ TT&TT sẽ giao lại phần việc này cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng toàn quốc.

"Dù chúng ta tiến hành thi tuyển hay cấp phép trực tiếp cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng thì Bộ TT&TT cũng cần phải xây dựng được các điều kiện hoạt động, tiêu chuẩn phát sóng, các quy định về xử phạt doanh nghiệp trước khi họ thành lập", ông Hoan nêu quan điểm. Việc này nhằm đảm bảo sau khi được cấp phép và đi vào hoạt động, những doanh nghiệp này sẽ tuân thủ đúng lộ trình số hóa toàn quốc.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã yêu cầu TP.HCM phải sớm hợp tác cùng Vĩnh Long để đảm bảo đúng tiến độ Đề án số hóa. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ TP.HCM và Vĩnh Long đạt được thỏa thuận để "đảm bảo đến tháng 6 sẽ có được phương án thành lập doanh nghiệp phát sóng truyền dẫn khu vực".

Theo Trọng Cầm (VNN)

Đọc thêm