Thời kỳ “chìm” của điện thoại thương hiệu Việt?

Thời kỳ “chìm” của điện thoại thương hiệu Việt? ảnh 1

Người tiêu dùng sẽ bị những quảng cáo thương hiệu nước ngoài như thế này làm ảnh hưởng tư duy mua hàng rất nhiều. Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Lượng bán ra suy giảm?

Điện thoại Việt đã từng một thời là sự lựa chọn của những người túi tiền hạn chế nhưng vẫn muốn "dế " của mình có đầy đủ các tính năng công nghệ cao và giải trí như: 2 sim, 2 sóng, nghe được nhạc, chụp ảnh, có thẻ nhớ…

Tuy nhiên, giờ đây các sản phẩm "dế" của Việt đã bị cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu đại gia khi mà Nokia, LG, Samsung... cũng hào hứng gia nhập phân phúc thị trường này. Và rõ ràng cái tên của họ khiến người ta an tâm hơn các thương hiệu mới tinh khôi của Việt Nam như FPT, Q Mobile, Viettel...

Tại cửa hàng Thegioididong.com, anh Hướng nhà ở ngõ 637 Trương Định Hà Nội-một khách mua hàng cho biết: Anh đã định mua một chiếc điện thoại FPT vì thấy quảng cáo khá nhiều tính năng, tuy nhiên khi ra tới cửa hàng lại đổi ý sang mua một sản phẩm của Nokia.

“Tuy chiếc điện thoại không mới, nhưng đầy đủ chức năng tôi muốn và lại được chủ cửa hàng bảo hành 6 tháng. Hơn nữa, Nokia đã có tiếng là bền nên tôi rất tin tưởng,” anh nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+ tại một số cửa hàng điện thoại di động ở Hà Nội, các dòng điện thoại thương hiệu Việt cũng không mấy được ưa chuộng. Một chủ cửa hàng ở đường Phan Trọng Tuệ cho hay năm nay cửa hàng anh nhập nhiều dòng điện thoại thương hiệu Việt của các hãng. Tuy nhiên, những chiếc điện thoại này bán ra lại chậm hơn so với năm 2010.

Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc Kinh doanh Thegioididong.com, một trong những nhà cung cấp điện thoại di động thương hiệu Việt hàng đầu cho biết: năm nay đã không còn là cao điểm tiêu thụ của dòng điện thoại này như một số nhận định và thấp hơn so với thời điểm "bùng nổ" vào năm 2010.

Tương tự, tại siêu thị điện máy Pico, theo phản ánh của ông Trần Thanh Tuyên, phụ trách ngành hàng viễn thông, hiện diện tích trưng bày của điện thoại thương hiệu Việt đã giảm một nửa so với năm 2010 do không bán chạy.

Theo ông Tuyên, nếu như năm 2010, điện thoại thương hiệu Việt chiếm 15-20% tổng số lượng điện thoại bán ra tại Pico, thì 6 tháng đầu năm nay chỉ còn là 5%.

Bà Đàm Thanh Hương, phụ trách ngành hàng viễn thông của Công ty Trần Anh cũng cho biết mức bán các dòng điện thoại thương hiệu Việt tại đây đang có chiều hướng giảm. “Người dùng hiện đang quay về với những thương hiệu quốc tế. Họ cho rằng những dòng điện thoại ấy chất lượng tốt hơn,” bà Hương nói.

“Vắt óc” tìm lối đi riêng

Theo ông Đinh Anh Huân, lý do của sự thụt giảm này cũng bởi điện thoại thương hiệu Việt chủ yếu tập trung ở dòng phân khúc giá rẻ (dưới 1,5 triệu đồng). Song, các hãng lớn như Nokia, LG, Samsung cũng tập trung nhiều vào phân khúc này để cạnh tranh. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn cũng khiến sức mua của các mặt hàng đều giảm.

Người đại diện cho Thegioididong.com cũng cho hay, hiện các dòng điện thoại thương hiệu Việt đang duy trì được 30% về số lượng tiêu thụ và 15% về giá trị thị trường. Về phần cứng, các hãng điện thoại thương hiệu Việt đặt hàng ở Trung Quốc nên khó tạo ra sự khác biệt. Do đó, để chiếm lĩnh thị trường, các hãng nên đầu tư vào phần mềm nhiều hơn, tạo ra nhiều ứng dụng, chức năng mới mẻ cho khách hàng.

Ông Tuyên thì cho rằng, lợi thế của các dòng điện thoại thương hiệu Việt là giá rẻ, 2 sim 2 sóng. Tuy nhiên, các hãng lớn như Nokia, Samsung cũng đã để ý và cho ra mắt những điện thoại như vậy. Bên cạnh đó, chất lượng của sản phẩm sẽ là điều kiện quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn.

Trên thực tế, một số hãng điện thoại thương hiệu Việt gần đây đã liên tục đổi mới để đưa ra những thiết kế, mẫu mã đáp ứng nhiều phân khúc người dùng cũng như cải tiến ứng dụng cho sản phẩm.

Mới đây, Q-Mobile đã hợp tác cùng Công ty VTC dịch vụ di động để xây dựng chợ nội dung số Q-Store, giúp người dùng thuận lợi hơn cho việc truy cập các tiện ích. Phía Tập đoàn HiPT, ông Đỗ Giang Vinh, Giám đốc Hi-Mobile lại cho biết đơn vị này đang tập trung nghiên cứu yếu tố vùng miền để cho ra đời những chiếc điện thoại chuyên biệt.

Theo ông Vinh, khách hàng khu vực miền núi có nhu cầu pin lâu, nghe nhạc loa to. Một số vùng đồng bào ở Tây Bắc thích màu xám, đen, hoặc màu đỏ. Còn ở thành phố thì phải thời trang, sử dụng wifi…

Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sản xuất của Công ty Cổ phần Thương mại FPT thì cho biết, chiến lược cạnh tranh của FPT Mobile dựa trên giá trị gia tăng mang lại cho khách hàng.

Hiện tại, FPT và FSOFT đã thành lập liên doanh FMA để phát triển F-store. Bên cạnh đó, FMA cũng đã phát triển thành công các phiên bản mới của F-store dựa trên nền tảng Java và Android để đưa vào các điện thoại của FPT trong thời gian sắp tới. Cùng với việc tự phát triển hơn 250 game và ứng dụng (tính tới thời điểm này), FMA cũng đang liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khác để tăng cường các dịch vụ mới cho người tiêu dùng trong quý 3 năm nay…

Rõ ràng, các đơn vị cung cấp điện thoại thương hiệu Việt đã rất quan tâm đến việc thay đổi, tích hợp ứng dụng trong sản phẩm để khẳng định vị trí của mình.

Tuy nhiên, con đường để chiếm lĩnh thị trường không phải là dễ dàng, nếu không muốn đi vào con đường mòn của "ông anh" máy tính thương hiệu Việt thì các doanh nghiệp không chỉ cần đến sự bền hơi về thời gian để khẳng định chất lượng mà còn đòi hỏi có chiến lược dài, rõ ràng và cụ thể  về sản phẩm cũng như chính sách hậu mãi.

Thêm nữa, họ cần sự ủng hộ của người tiêu dùng, của các cửa hàng, đại lý bán sản phẩm, bởi sự tư vấn cũng như cách tiếp cận khách hàng là một yếu tố hữu hiệu để đưa người dùng đến với các thương hiệu Việt./.
Theo Trung Hiền (Vietnam+)

Đọc thêm