Sử dụng tốc độ cửa trập

Yếu tố ảnh hưởng tới lượng ánh sáng đi vào cảm biến, ngoài việc khép vào hay mở ra của các vòng lá thép độ mở, còn có tốc độ cửa trập. Tốc độ mở ra, đóng vào cửa trập (tính bằng giây) nhanh hay chậm cũng sẽ góp phần quyết định tới lượng ánh sáng vào cảm biến nhiều hay ít.

Từ đó, bạn có thể dễ dàng suy ra rằng khi cần nhiều ánh sáng, tốc độ cửa trập phải chậm, còn khi cần ít ánh sáng, tốc độ phải nhanh hơn. Thực ra còn một yếu tố cũng ảnh hưởng tới lượng ánh sáng vào cảm biến nữa, đó là độ nhạy ISO. Tuy nhiên ISO sẽ được đề cập đến ở một bài khác.

Nhòe do máy rung

Nhòe hình do rung máy là do tốc độ cửa trập tại một tiêu cự nhất định bị quá chậm. Để có một bức ảnh đủ nét và không bị rung, nguyên tắc kinh điển là người chụp phải sử dụng tốc độ tương ứng với độ dài tiêu cự của ống kính đang sử dụng. Ví dụ, nếu đang sử dụng ống kính có tiêu cự 60mm, tốc độ tối ưu để không rung tối thiểu là 1/60 giây.

Tất nhiên nguyên tắc này chỉ áp dụng khi người chụp cầm máy bằng tay không chứ không tính đến các biện pháp hỗ trợ chống rung khác như chụp bằng chân máy, dựa vào điểm tựa hay máy tích hợp cơ chế chống rung.

Sử dụng tốc độ cửa trập ảnh 1

Bức ảnh bị nhờ do rung máy. Ảnh: Photographybay.

Ví dụ như bức ảnh trên đây đã bị rung do máy ảnh, bởi lẽ ngay cả các vật thể không chuyển động và vẫn bị nhòe (đồ chơi). Bạn có thể thấy các vệt sáng xuất hiện ở con cá đồ chơi là do máy bị rung chứ không phải do con cá này chuyển động.

Một điều lưu ý là nguyên tắc tương ứng tiêu cự vốn áp dụng cho máy phim 35mm (hoặc các máy full-frame). Còn nếu bạn sở hữu một máy dSLR cấp thấp với cảm biến kích cỡ APS-C, tiêu cự lúc này sẽ bị nhân theo giá trị crop-factor là 1,6x (hoặc 1,5x). Khi đó một ống kính có tiêu cự 100mm sẽ trở thành 160mm.

Vì thế đối với các máy APS-C, nguyên tắc tương ứng tiêu cự phải điều chỉnh theo thông số nhân hình này, theo đó với ống tiêu cự 60mm, tốc độ tối thiểu giờ phải là 1/90 giây thay vì 1/60 giây như đối với các máy full-frame.

Để khỏi mất công tính toán phức tạp, giải pháp tối ưu là bạn cứ nhân đôi tiêu cự để lấy tốc độ tiêu chuẩn, theo đó với các ống 60mm, hãy chọn tốc độ 1/125 giây.

Nhòe do chuyển động

Với tốc độ cửa trập quá chậm thì đối tượng chuyển động cũng gây nên hiện tượng nhòe hình, mà ví dụ kinh điển là khi chụp ảnh trẻ em trong môi trường trong nhà hay chụp thể thao chẳng hạn.

Sử dụng tốc độ cửa trập ảnh 2

Những vật đứng yên vẫn khá nét nhờ cơ chế chống rung. Ảnh: Photographybay.

Ở bức ảnh trên, khi sử dụng máy du lịch chụp ở tốc độ 1/4 giây ở tiêu cự 30mm, bạn có thể dễ dàng thấy những vật không chuyển động (ghế, người hậu cảnh…) vẫn khá nét nhờ cơ chế chống rung bù lại, nhưng đối tượng chính là cậu bé lại bị nhòe do trong lúc chụp ảnh cậu bé này đã vẫy tay.

Mặc dù cơ chế ổn định hình ảnh (bằng ống kính hoặc cảm biến) có thể giảm thiểu nhòe hình do rung máy, nhưng không thể giảm nhòe hình khi đối tượng chuyển động. Đó đơn giản là vì cơ chế chống rung được thiết kế để ổn định máy ảnh chứ không phải để ổn định đối tượng.

Để bắt dính đối tượng, bạn cần phải sử dụng một tốc độ cửa trập đủ nhanh để có thể làm "đông cứng" một chuyển động nào đó. Ví dụ như khi chụp trẻ em, bạn cần tính toán tốc độ cửa trập tùy theo đứa trẻ đang chơi gì và khoảng cách từ bạn đến đứa trẻ đó bao xa. Thông thường tốc độ 1/125 giây (hoặc lên xuống một chút) là đủ để chụp trẻ em mà không bị mờ. Nhưng đối với thể thao chẳng hạn, tốc độ cửa trập lúc này lại cần phải cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên chụp nét hay nhòe đôi khi lại phụ thuộc vào ý đồ sáng tạo của người chụp ảnh, bởi đôi lúc việc cố tình tạo ra những hiệu ứng nhòe hình lại truyền tải được những cảm xúc nhất định.

Sử dụng tốc độ cửa trập ảnh 3

Bằng cách sử dụng tốc độ cửa trập hợp lý sẽ tạo ra những vệt sáng dài ấn tượng. Ảnh: Photographybay.

Như ở bức ảnh trên đây, người chụp sử dụng chiếc máy ảnh được gắn vào chân máy ở ghế sau ô tô với độ mở f/16 và tốc độ cửa trập là 10 giây. Bạn có thể thấy trong khi bảng táp-tô của ô tô rất rõ nét, nhưng những ánh sáng đèn đường cũng như đèn ô tô bên ngoài đã trở thành những vệt sáng chạy dài rất ấn tượng.

Lia máy

Sử dụng tốc độ cửa trập ảnh 4

Lia máy tạo cảm giác rõ ràng về chuyển động. Ảnh: Photographybay.

Một trong những ý đồ chủ động nhòe hình là kỹ thuật lia máy chụp theo đối tượng chuyển động. Nếu bạn đã thành thục kỹ năng này, bạn có thể tạo được một bức ảnh về chuyển dộng rất ấn tượng với đối tượng chính thì nét, còn toàn bộ khung canh nền sẽ bị nhòe theo chiều chuyển động của máy lia, tạo nên cảm giác rõ rệt về chuyển động.

Đông cứng chuyển động

Với một tốc độ cửa trập đủ nhanh, bạn có thể chụp "đông cứng" đối tượng kể cả khi đối tượng đang chuyển động tốc độ cao. Ví dụ như bức ảnh chụp chiếc xe đua Aston Martin, người chụp sử dụng tốc độ 1/1000 giây khiến cho toàn bộ khung cảnh bị "đông cứng" lại. Mặc dù hình ảnh rất rõ nét, nhưng chính việc chụp bắt dính này lại tạo cảm giác chiếc xe đang đỗ chứ không phải đang đua, không hề thể hiện được ý tưởng về tốc độ.

Sử dụng tốc độ cửa trập ảnh 5

Chiếc ôtô dường như đứng yên chứ không phải đang đua như thực tế. Ảnh: Photographybay.

Tuy nhiên trong một số trường hợp thì việc chụp "đông cứng" lại có những cảm xúc đặc biệt khác, ví như những bức hình thể thao về cảnh cầu thủ tung người lên đá bóng, những cú va chạm nảy lửa trên sân, hay cảnh vận động viên bơi lội nhô đầu lên giữa làn nước… chẳng hạn.

Cách đặt tốc độ cửa trập trên máy ảnh

Thông thường trên các máy ảnh, vị trí tùy chỉnh tốc độ cửa trập thường được ký hiệu bằng chữ Tv (Time Value) hoặc S (Shutter). Bằng việc chuyển về chế độ ưu tiên tốc độ này, bạn có thể điều chỉnh theo từng đối tượng và hoàn cảnh chụp, để thông số độ mở tương ứng cho máy ảnh tự quyết định. Tốc độ thông thường ở các máy dSLR sẽ khoảng từ 30 giây tới 1/8000 giây. Ngoài ra bạn cũng co thể chú ý đến chế độ Bulb, chế độ giúp bạn tự quyết định cửa trập mở đến bao lâu tùy thích cho đến khi nhả nút bấm chụp ảnh. Một điều cần lưu ý là để tốc độ càng chậm, càng dễ bị nhòe hình, vì thế chỉ nên chụp chậm khi máy được đặt trên chân máy.

Theo Nguyễn Hà (Sohoa)

Đọc thêm