Sony Alpha A390 cho người mới chơi

Sony Alpha A390 cho người mới chơi ảnh 1

Sony Alpha A390 sở hữu cấu hình tương tự người tiền nhiệm A380. Ảnh: Dpreview.

Là phiên bản nâng cấp của dòng máy DSLR bình dân, Sony Alpha A390 vẫn giữ lại những ưu thế được xem là "truyền thống" nhằm cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Canon và Nikon, như thân máy nhỏ nhẹ, cảm quang độ phân giải cao, màn hình lật đa dụng, hệ thống ổn định ảnh tích hợp và cơ chế lấy nét nhanh Quick AF Live View. Chiếc máy ảnh mới chỉ hơi khác "người tiền nhiệm" A380 ở cách thiết kế báng cầm cùng việc bố trí lại tổ hợp phím nguồn/nhấn chụp và đĩa chỉnh thông số ở đỉnh máy. So với các phiên bản trước đó, Alpha A390 đã hạn chế được hiện tượng sai lệch màu sắc và cân bằng trắng kém trong môi trường ánh sáng phức tạp. Tuy nhiên, máy vẫn tồn tại một số "điểm trừ" rất đáng thất vọng như khả năng khử nhiễu tồi, đo sáng không ổn định và thiếu tính năng quay phim.

Sony A390 sở hữu thân hình khá gọn nhẹ với trọng lượng chưa tính pin chỉ khoảng 500 gram, ngang ngửa hai đối thủ Nikon D3000 và Canon EOS 1000D. Tuy nhiên, máy lại có ưu thế hơn ở màn hình kích thước lớn (2,7 inch) và khả năng lật đa năng (135 độ lên trên hoặc 55 độ xuống dưới). Tuy không có khả năng xoay nhiều chiều giống với LCD trang bị trên một số dòng máy ảnh đời mới nhưng màn hình của A390 vẫn đảm bảo đủ sự linh động và tiện dụng với những tư thế chụp khó như đặt sát mặt đất hay nâng máy lên quá đỉnh đầu. Tương tự tiền nhiệm A380, Sony đã thiết kế thêm một gương lật phụ và cảm biến nhận sáng trong buồn lăng kính nhằm phục vụ tính năng lấy nét tức thời Quick AF trong chế độ ngắm ảnh sống. Tuy nhiên, chính cải tiến này lại làm khung ngắm quang trở nên tối và hẹp đi khá nhiều. Độ phóng đại khi sử dụng với ống kính 50mm thiết lập lấy nét vô cực chỉ vào khoảng 0,74x, hơi kém hơn đối thủ Nikon D5000 (0,78x) và thua xa Canon 500D (0,87x).

Sony Alpha A390 cho người mới chơi ảnh 2

Báng cầm có độ sâu lớn giúp người dùng cầm máy thoải mái, kể cả khi sử dụng với những ống kính nặng. Vị trí phím nguồn/nhấn chụp và đĩa tinh chỉnh thông số được điều chỉnh lại để phù hợp hơn với thiết kế mới. Ảnh: Imaging Resource.

Báng cầm được tái thiết kế với độ sâu lớn hơn nhằm đảm bảo sự chắc chắn và thoải mái kể cả khi sử dụng với các ống kính nặng. Vị trí của tổ hợp phím nguồn/nhấn chụp được đẩy ra xa để người dùng có thể dễ dàng điều khiển máy bằng ngón tay trỏ. So với tiền nhiệm A380, bánh răng tinh chỉnh thông số trên A390 cũng có kích thước to hơn và dễ điều chỉnh hơn do được đặt sát mép trên của báng cầm giống như các dòng máy DSLR của Nikon. Hệ thống điều khiển của A390 vẫn giữ nguyên sự đơn giản, gọn gàng như các phiên bản cũ, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Sony nên thiết kế phím Menu và phím xem lại ảnh to, nổi hơn một chút nữa để người dùng truy cập nhanh vào các tính năng này khi chụp vội. Về kết nối, máy cho phép truyền tải dữ liệu qua cổng USB và hỗ trợ xem lại ảnh trên màn hình TV thông qua cổng HDMI. Khe cắm thẻ nhớ đôi tương thích với loại thẻ Memory Stick Duo của Sony và cả định dạng SD truyền thống trên các dòng máy ảnh DSLR bình dân.

Sony Alpha A390 sở hữu cảm quang CCD 14,2 triệu điểm ảnh hiệu dụng theo chuẩn APS-C 23,5 x 15,7 mm. Mặc dù là dòng DSLR giá rẻ song A390 vẫn được trang bị hệ thống rũ bụi cảm biến và cơ chế ổn định ảnh trong thân máy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người dùng có thể tận hưởng công nghệ chống rung trên tất cả các ống kính tương thích với ngàm Alpha. Do sở hữu cảm quang độ phân giải lớn, những thước chụp trong điều kiện đủ sáng rất giàu chi tiết và thậm chí, vẫn không hề bị vỡ hình ngay cả khi crop để in cỡ lớn. Thử nghiệm của Ephotozine còn cho thấy, file RAW có độ nét nhỉnh hơn ảnh lưu dưới dạng nén JPEG một chút.

Sony Alpha A390 cho người mới chơi ảnh 3

Ảnh chụp từ Sony A390 có xu hướng bị cháy khi chụp ngoài trời với các đối tượng có độ tương phản cao. Ảnh: Ephotozine.

Với thiết lập mặc định, A390 tái tạo màu sắc tương đối chuẩn xác. Gam đỏ, xanh dương và lục có mức bão hòa hơi lớn hơn bình thường nhưng không quá gắt nên có tác dụng tích cực trong việc làm ảnh trở nên rực rỡ, sống động khi chụp ngoài trời và dưới các nguồn ánh sáng lạnh. Máy cũng cung cấp một số mặc cảnh trên đĩa xoay chọn chế độ với các thiết lập về màu sắc được tối ưu sẵn nhằm tạo sự đơn giản tối đa cho người dùng phổ thông. Cân bằng trắng tự động trên A390 hoạt động khá ấn tượng. Ảnh chỉ hơi ấm khi chụp dưới ánh đèn dây tóc. Tuy nhiên, màu sắc lại có xu hướng ngả về gam lạnh nếu như bạn thiết lập chế độ chuẩn "Incadescent Light". Cân bằng trắng tương đối chuẩn xác khi sử dụng với đèn huỳnh quang.

Sony Alpha A390 sử dụng hệ thống đo sáng 40 vùng tương tự như tiền nhiệm A380 và A350. Máy phản ứng khá tốt với các điều kiện ánh sáng chuẩn như trong studio hay dưới bóng râm, nhưng bộc lộ điểm yếu "chết người" khi đối diện với môi trường có độ tương phản cao. Ảnh luôn bị phơi sáng già khi có nắng đã khiến các chi tiết như bầu trời hay màu áo thường xuyên bị cháy. Thậm chí, hiện tượng này cũng vẫn gặp phải khi chụp hắt từ bóng râm ra ngoài trời đang có mây. Người dùng có thể sử dụng thêm tính năng tối ưu hóa dải tương phản hoặc trừ sáng đi một chút để khắc phục lỗi mất chi tiết. Cũng cần lưu ý thêm rằng, dải bù trừ sáng trên A390 chỉ cho phép thay đổi trong khoảng +/-2 EV (tăng từng nấc 1/3 EV), rất hẹp nếu so sánh với đa số mẫu DSLR có mặt trên thị trường hiện nay. Tốc độ đồng bộ đèn cũng chỉ đạt 1/160 giây, khá bất lợi nếu bạn muốn phả flash vào ban ngày mà không muốn ảnh bị cháy.

Sony Alpha A390 cho người mới chơi ảnh 4

Cảm quang CCD của Sony A390 sinh ra khá nhiều nhiễu hạt khi chụp trong điều kiện thiếu sáng. Sạn và các biến đổi lạ về màu sắc trở nên nghiêm trọng tại ISO trên 1600 làm các chi tiết nhỏ bị mất và độ nét cũng không còn được đảm bảo. Hiện tượng vỡ pixel ở mép các vùng màu giao nhau và nhiễu hạt quá nhiều tại khu vực tối khiến ảnh chỉ có thể in được cỡ nhỏ với thiết lập nhạy sáng ISO 3200.
Ảnh: Dpreview.

Cảm quang CCD phân giải cao sinh ra khá nhiều nhiễu hạt khi chụp trong điều kiện thiếu sáng. Ảnh chỉ mịn màng với các thiết lập ISO dưới 400. Khi tăng nhạy sáng lên 800, các đốm nhiễu lấm tấm có thể nhận ra tại những vùng có màu tối hoặc trung tính khi xem ở chế độ toàn màn hình. Thuật toán khử nhiễu hoạt động mạnh khiến ảnh hơi mờ. Sạn và các biến đổi lạ về màu sắc trở nên nghiêm trọng tại mức ISO trên 1600 làm các chi tiết nhỏ bị mất và độ nét cũng không còn được đảm bảo. Hiện tượng vỡ pixel ở mép các vùng màu giao nhau và nhiễu hạt quá nhiều tại khu vực tối khiến ảnh chỉ có thể in được cỡ nhỏ với thiết lập nhạy sáng ISO 3200.

Sony Alpha A390 cho người mới chơi ảnh 5

Cảm biến phụ đặt trong buồng lăng kính giúp máy lấy nét rất nhanh và êm tại chế độ Live View, nhưng đồng thời cũng làm ảnh hưởng tiêu cự tới kính ngắm quang. Ảnh: Dpreview.

Sony A390 có tốc độ hoạt động ở mức trung bình - khá. Máy chụp được 2,5 hình mỗi giây khi ngắm ảnh qua viewfinder quang học. Con số này giảm xuống còn 2 hình/giây khi bật tính năng Live View. Tuy nhiên, tốc độ này cũng bị giới hạn ở 6 ảnh RAW hoặc 3 ảnh RAW + JPEG, sau đó, máy phải mất một thời gian nhất định để ghi dữ liệu từ bộ nhớ tạm vào thẻ. Trong 9 điểm lấy nét, chỉ có duy nhất một điểm ở vùng trung tâm thuộc loại cross-type nên máy thường phán đoán nhầm hoặc tỏ ra khá chậm chạp khi chụp trong môi trường thiếu sáng và có độ tương phản thấp. Đây là điều khá bất tiện với những người thích nhiếp ảnh đêm hoặc chụp ảnh lúc hoàng hôn. Tương tự như các dòng máy Alpha trước đó, A390 không được trang bị tính năng quay video thời thượng vốn rất được ưa chuộng trên DSLR và thế hệ máy ảnh "lai" NEX. Pin Lithium đi kèm máy giúp chụp được khoảng 500 kiểu ảnh nếu ngắm qua viewfinder hoặc 230 kiểu khi bật Live View.

Hiện bộ sản phẩm gồm thân máy và ống kit 18-55mm f/3.5-5.6 SAM đang được bán với giá 600 USD tại thị trường Mỹ.

Theo Trần Hạ (Sohoa)

Đọc thêm