Sở hữu iPhone: Thuê bao bình dân vỡ mộng

Sau một thời gian úp, mở kiểu “mua iPhone chi phí 4 triệu đồng” hay "iPhone với mức giá 0 đồng"... nhà mạng đầu tiên là VinaPhone đã công bố giá bán 3 loại iPhone (3G-8G, 3GS-16G, 3GS-32G) với mức tương ứng từ 9.888.000 - 13.888.000 đồng cùng với các gói cước trả trước và trả sau.
 
Hy vọng sở hữu “quả táo” với hình thức trả sau, anh Lê Thanh Bình (Hà Nội) hiểu là nộp tiền vào cuối tháng trong vòng 2 năm nên vội vã tìm đến một cửa hàng của VinaPhone để giao dịch.
 
Đến nơi anh Bình mới “ngã ngửa” về cách tính của nhà mạng: Sự thực, dù khách hàng có chọn gói cước kèm theo máy là trả trước hay trả sau thì họ vẫn phải nộp đủ khoản tiền bằng với giá chiếc máy điện thoại đã chọn.

Với thuê bao trả trước thì đơn giản là khách phải trả ngoài số tiền mua máy thêm 1.400.000 đồng, gọi là “cước khoán”, sau đó dùng đến đâu mua thẻ nạp tiền đến đó.

Sở hữu iPhone: Thuê bao bình dân vỡ mộng ảnh 1

Mức giá vẫn là khoảng cách lớn của iPhone với nhiều người 

Với thuê bao trả sau thì số tiền đã nộp được trừ dần vào cước gọi hàng tháng (khoản vượt trội vượt quá giới hạn quy định của từng gói cước thì khách sẽ phải thanh toán vào cuối tháng).

“Lấy đâu ra số tiền cả chục triệu đồng mà nộp ngay. Lại trở về với điện thoại bình dân, khống chế mức cước phí dưới 200.000 đồng nộp cuối tháng thôi. Đành giã từ giấc mơ “quả táo” vì giá của nó vẫn ở trên trời!” - anh Bình than.
 
Viettel đưa ra nhiều cách tính và nhiều gói cước hơn nhưng bản chất thì cũng không có gì khác biệt. Nghĩa là khách hàng cũng phải bỏ trước cả chục triệu đồng để sử dụng các gói cước trong 1 - 2 năm.
 
Trả lời câu hỏi: vì sao khách hàng buộc phải trả tiền trước khi muốn dùng iPhone dù đã cam kết sử dụng gói cước trả sau? Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom khẳng định, nhà mạng chưa đủ cơ sở dữ liệu tài chính về khách hàng (thẻ tín dụng) nên không thể chọn phương án “thả gà ra đuổi”!
 
Câu hỏi khác được đặt ra: Ở Mỹ, iPhone 3G đang bắt đầu giảm giá và rất có thể trong thời gian không lâu điện thoại thế hệ 4G sẽ xuất hiện. Trong thời điểm này, phải chăng các nhà nhập khẩu đang phải mua hàng cũ với mức giá cao?
 
Theo ông Dũng, các dòng iPhone mà Viettel nhập về hiện vẫn là phiên bản thịnh hành trên thị trường. Mức giá mà Apple bán cho Việt Nam cũng không đắt so với các khu vực khác. Điều khác biệt là mức áp thuế nhập khẩu ở mỗi quốc gia (hiện nay điện thoại di động nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu mức thuế đặc biệt).
 
“Quả thực Iphone không phải dành cho tất cả mọi người” - ông Dũng thừa nhận. Điều này đồng nghĩa với sự thật không có chuyện iPhone sẽ được bán với giá rẻ tại Việt Nam. Cũng có nghĩa số khách hàng có đủ điều kiện kinh tế để sở hữu iPhone không thể lên tới con số hàng trăm nghìn như các nhà mạng đã dự báo.
 
Không loại trừ khả năng sẽ xảy ra kịch bản tượng tự khi Viettel phân phối Blackberry trước đây, bởi các mạng chính thức phân phối iPhone còn phải chịu nhiều ràng buộc về các phần mềm bản quyền do Apple đưa ra và những ràng buộc này thì khách hàng đương nhiên phải chịu trách nhiệm thay - nhiều chuyên gia đưa ra dự đoán.

Theo Dân Trí

Đọc thêm