Sẽ có điện thoại "cảm nhận" tâm trạng người dùng?

Sẽ có điện thoại "cảm nhận" tâm trạng người dùng? ảnh 1

Trang tin Techworld Australia phát hiện một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Microsoft ở Châu Á, theo đó hãng này đang thử nghiệm một loại smartphone có các “cảm biến tâm trạng”. Công nghệ có tên gọi MoodScope – sẽ cho phép người dùng tự động chia sẻ tâm trạng hiện tại của họ với bạn bè trên các mạng xã hội ví dụ như Facebook.

Các cảm biến hiện tại dùng để đo lường ánh sáng và tốc độ, tuy nhiên MoodScope sẽ đo lường trạng thái tinh thần của người sử dụng nó và phân nhóm các tâm trạng thành các loại như hồi hộp, vui vẻ, khó chịu, chán chường, bình tĩnh, căng thẳng hoặc phấn khích.

“Ngoài những quan ngại về tính riêng tư thì việc cho phép mọi người tự động chia sẻ tâm trạng của họ sẽ góp phần mở rộng hơn nữa các kết nối mạng xã hội”, một chuyên gia đã nhận xét trong báo cáo này.

"Người dùng sẽ nhận biết rõ hơn về việc nên liên lạc với những người khác vào khi nào và như thế nào".

Microsoft cho rằng công nghệ này sẽ thông báo tâm trạng của bạn đến những người khác trước khi bạn trò chuyện với họ - sẽ rất có lợi cho bạn khi biết trước rằng sếp của mình đang rất giận dữ.

Báo cáo còn cho rằng "cảm biến tâm trạng cho phép người dùng giao tiếp về mặt số hoá gần gũi hơn cách mà họ giao tiếp trong đời thực. Đối với việc chia sẻ tâm trạng, một cảm biến tâm trạng tự động sẽ không chỉ mang đến khả năng tiện lợi mà quan trọng hơn là còn giúp dỡ bỏ các rào cản xã hội đối với người dùng qua việc chia sẻ tâm trạng của họ: chúng ta thường sẽ không nói trực tiếp với mọi người về tâm trạng của mình, nhưng chúng ta cũng thường không dấu kín tâm trạng của mình mãi.”

Theo bản báo cáo thì Microsoft đã phát triển xong sản phẩm mẫu có khả năng nhận biết tâm trạng người sử dụng có độ chính xác trung bình là 66%. Nghiên cứu trên 32 người tham gia thử nghiệm thì sau 2 tháng tập huấn mức độ chính xác đã được nâng lên đến 95%.

Microsoft cũng cho biết các dịch vụ khác cũng sẽ được hưởng lợi từ công nghệ này.

"Các hệ thống cung cấp phim và nhạc như Netflix hoặc Spotiy sẽ được hưởng lợi lớn trong việc sử dụng tâm trạng làm thông tin đầu vào cho các thuật toán đề xuất phim và nhạc cho người dùng. Thông qua việc nắm bắt được tâm trạng và xây dựng các tham khảo về các hạng mục được chọn lựa trước đó, những nhà cung cấp này sẽ có thể đề xuất các sản phẩm giải trí phù hợp với tâm trạng người dùng.”

Theo H.Nam (Dân trí / Mashable)

Đọc thêm