Sách điện tử có hại cho sức khỏe?

Sách điện tử có hại cho sức khỏe? ảnh 1

Sách điện tử hoàn toàn có thể thay thế được sách giấy nếu ta biết sử dụng đúng cách.
Dù bạn có muốn hay không thì những ấn phẩm bao gồm sách, báo, tạp chí cũng bị “thế giới ảo” chiếm lĩnh. Nhiều ấn phẩn định kỳ chỉ được phổ biến dưới dạng điện tử thông qua những địa chỉ của các trang internet, sách “giấy” bị thay thế bằng những file văn bản trên màn hình của các thiết bị đặc biệt gọi là sách điện tử.

Đương nhiên sách điện tử phải có những ưu điểm hơn sách thường mới có thể đẩy dần sách thường vào quá khứ chứ! Này nhé, chúng có kích thước nhỏ gọn: một quyển Bách khoa toàn thư hàng vạn trang, nặng vài chục kilô, thậm chí một thư viện hàng nghìn quyển sách có thể xếp gọn vào một quyển sách điện tử mỏng, kích thước bằng quyển sách thường.

Nhờ vậy nó cho phép tiết kiệm chỗ trong nhà, giảm được bụi bặm (sách giấy không chỉ tích luỹ bụi mà chính nó còn “sản xuất” ra bụi, chưa kể còn là nơi trú ngụ của những con bọ gây viêm mi mắt). Đi chơi xa chẳng hạn, với nó cất trong balô, bạn có thể mang theo mình cả một thư viện để tranh thủ làm việc nếu muốn.

Chỉ còn lại một vấn đề, là một thiết bị điện tử, nó có hại cho sức khoẻ, nhất là đối với thị giác không? Có nên thay những quyển sách thường bằng một quyển sách điện tử duy nhất không?

Để giải đáp thắc mắc đó cho bạn, các chuyên gia nhãn khoa đã trả lời ngay là: “Nên!”

Tiến sĩ nhãn khoa Svetlana Mmilova Trường ĐH Y, thuộc ĐHQG Lomonosov khẳng định, thay thế sách báo giấy bằng sách điện tử không mang lại điều gì có hại cho mắt, tất cả chỉ phụ thuộc vào chất lượng của màn hình mà thôi.

Một màn hình tốt giống hệt một cuốn sách in trên giấy thật trắng, nét chữ rõ ràng, cỡ chữ đủ lớn mà như vậy còn dễ đọc hơn sách in trên giấy. Điều quan trọng là màn hình cần có độ phân giải và độ tương phản cao. Tất nhiên màn hình “nhạy cảm” với các nguồn sáng xung quanh hơn sách giấy, dù là giấy bóng láng đi chăng nữa, song dù vậy chẳng có vấn đề gì về thị giác.

Điều chủ yếu là đọc sách điện tử cần tuân thủ những quy tắc mà người ta đã từng đặt ra cho sách giấy. Đó là:

- Không nên đọc sách điện tử trên cơ sở giấy điện tử (tức màn hình tự phát sáng) ở nơi ánh sáng yếu, không đọc quá lâu trên màn hình tinh thể lỏng phát sáng khi ánh sáng bên ngoài tối.

– Không nên đọc khi ngồi trên phương tiện giao thông rung lắc mạnh làm chữ bị nhoè, không đọc khi nằm trên giường.

– Khi đọc cần tuân thủ những quy luật về khoảng cách tới màn hình (như đối với sách thường) - khoảng 30cm để tránh bị cận thị.

– Không đọc “mê mải” mà thỉnh thoảng phải ngừng lại để mắt được nghỉ ngơi, hoặc làm vài động tác thể dục cho mắt như những người sử dụng máy tính hoặc chuyển sang nhìn các vật ở xa.

 - Cuối cùng (và cũng là đầu tiên), để giảm “tải trọng” cho mắt cần phải điều chỉnh màn hình sao cho cỡ chữ, màu sắc, độ sáng, độ tương phản thích hợp nhất đối với bạn.

Ngoài ra nên nhớ rằng đa số sách điện tử hiện đại có cả ghi âm. Nếu mỏi mắt (tự đọc bao giờ cũng có cái thú riêng hơn là nghe một cách thụ động), bạn hãy chuyển từ đọc sang nghe, sẽ được nghe giọng đọc rất chuẩn, để mắt được nghỉ ngơi, thư giãn.

Theo Bảo Châu (VNN)

Đọc thêm