Nỗi oan ức của điện thoại di động

Nỗi oan ức của điện thoại di động ảnh 1

Sử dụng ĐTDĐ không gây u não. Ảnh: INTERNET

Mang đủ tiếng ác!

Không phủ nhận sự hữu dụng và tầm quan trọng của ĐTDĐ đối với đời sống con người nhưng cũng thật đáng buồn khi đây là vật dụng bị con người nghi kỵ nhiều nhất. Có thể khẳng định, từ khi ĐTDĐ bắt đầu xuất hiện đến nay, thế giới chưa có một nghiên cứu nào đáng thuyết phục để có thể chứng minh rằng việc sử dụng chúng có thể gây ra những căn bệnh hiểm nghèo hay thậm chí là những bệnh lý thông thường khác. Tuy nhiên, những thông tin theo dạng “lửng lơ, mơ hồ” về tác hại của việc sử dụng ĐTDĐ vẫn liên tục được tung ra.

Tháng 5/1998, các nghiên cứu ngắn hạn và theo dõi một số trường hợp cụ thể của các nhà khoa học Na Uy, Thụy Điển và công ty điện thoại Scandinavian cho hay, sử dụng ĐTDĐ đưa đến nhiều triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất trí nhớ, nóng bỏng trên da và có khó khăn khi nghe.

Báo Daily Mail (Anh) ngày 13/12/1999 đăng tin các nghiên cứu bên Anh cho hay sử dụng ĐTDĐ có thể đưa tới thất thoát chất huyết cầu tố từ hồng huyết cầu và gây ra bệnh tim và sạn thận. Chưa hết, bài báo này còn cho rằng người đeo kính mà dùng ĐTDĐ thì ảnh hưởng của phóng xạ vào mắt tăng 20%, vào đầu tăng 6%. Lý do có thể là do khung kính đeo mắt bằng kim loại thu hút nhiều chất phóng xạ hơn. Nhiều người mà răng sâu trám bằng kim loại than phiền có cảm giác hơi nóng trong miệng và đau nhức răng khi nói chuyện bằng ĐTDĐ.

Cách đây khoảng 10 năm, Giáo sư y khoa Bruce Hocking đã tường trình trước Thượng viện Australia rằng người sử dụng ĐTDĐ có thể bị tổn thương da chung quanh vành tai với cảm giác khác thường ở trong đầu. Theo ông này, đây là hiện tượng được phát hiện ở nhiều người khác nhau. “Ghê gớm” hơn nữa, năm 2000, các bác sỹ Henry Lai và NP Singh thuộc trường ĐH Washington (Seattle, Mỹ) thậm chí còn khẳng định rằng khi sử dụng ĐTDĐ, có tới 50% DNA bị hư hao vì chất phóng xạ từ máy. Còn các nhà khoa học Đức thì cho rằng dùng ĐTDĐ thường xuyên có nguy cơ bị một khối u ác tính trong mắt - một căn bệnh ung thư hiếm gặp.

Những tuyên bố này ngay lập tức dấy lên một làn sóng lo ngại toàn cầu về tác hại của ĐTDĐ kéo theo đó là những vụ kiện “mang màu sắc của ngành công nghiệp thuốc lá” đã nổ ra. Tháng 7/2000, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh Hoa Kỳ đã kiện công ty Motorola và các công ty ĐTDĐ khác, đòi bồi thường 800 triệu USD với lý do là ông ta bị ung thư não gây ra do phóng xạ từ ĐTDĐ. Cũng trong khoảng thời gian này, kỹ sư Robert Kane làm việc cho Motorola kiện công ty vì bị ung thư não trong thời gian thử nghiệm ăng-ten ĐTDĐ cho công ty…

Tuy các vụ kiện này đều được kết thúc với sự bác bỏ của tòa án do thiếu những bằng chứng đáng tin cậy hay rất nhiều các nhà khoa học khác trên thế giới đều cho rằng không thể kết luận hành vi sử dụng ĐTDĐ và các căn bệnh ung thư có liên quan đến nhau, nhưng không vì thế mà ĐTDĐ được giải oan. Cuối tháng 5/2011, một nhóm 31 chuyên gia từ 14 quốc gia khác nhau dưới sự chủ trì của Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức hội thảo nhằm xem xét lại các công trình nghiên cứu trước đây về sóng ĐTDĐ và bệnh ung thư não. Kết thúc hội thảo này, nhóm chuyên gia đã “kích nổ một quả bom nhiệt hạch” khi kết luận rằng, bức xạ từ ĐTDĐ bị xếp vào loại “có thể gây ung thư” vì đã thu thập được dữ liệu cho thấy sự liên quan giữa việc sử dụng ĐTDĐ và một loại ung thư não gọi là “u thần kinh đệm” (glioma)”.

Nỗi oan ức của điện thoại di động ảnh 2

Điều duy nhất chúng ta cần làm để bảo vệ sức khỏe của mình với ĐTDĐ là tránh sử dụng khi đang lái xe bởi tai nạn giao thông chắc chắn có liên hệ rõ ràng với việc sử dụng ĐTDĐ. Ảnh: INTERNET

Đã được minh oan?

Dù đây là kết luận đầu tiên có tính chính thức do một cơ quan uy tín là WHO ban bố, nhưng ngay lập tức quan điểm này đã nhận được vô số những lời phản đối kịch liệt của giới khoa học toàn cầu. Người ta đã “điểm mặt” lại toàn bộ khoảng 30 nghiên cứu khác nhau từ những năm 1970 đến nay và nhận thấy chúng đều thất bại trong việc chứng minh mối liên hệ giữa bệnh ung thư và ĐTDĐ. Ông Ed Yong, Giám đốc Cơ quan thông tin sức khỏe thuộc Tổ chức Nghiên cứu ung thư ở Anh, cho biết đa số nghiên cứu trước đây thất bại vì thực tế tỉ lệ ung thư não của con người vẫn giữ nguyên trong khi mức độ sử dụng ĐTDĐ tăng rất mạnh. Hiệp hội Viễn thông không dây quốc tế (CTIA) và các hãng sản xuất di động lên tiếng chỉ trích kết luận của WHO “gây hoang mang cho người sử dụng ĐTDĐ và cho rằng các chuyên gia WHO không đưa ra được bằng chứng thuyết phục mà chỉ kết luận theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, lấy một vài trường hợp cá biệt, chưa rõ ràng để kết luận.

Phản đối mạnh mẽ nhất có lẽ là bài báo của nhóm các nhà nghiên cứu Anh, Mỹ và Thụy Điển đăng trên tờ The Economist. Nhóm nhà khoa học khẳng định, các luồng vi sóng tần số thấp được phát ra bởi ĐTDĐ rất yếu, chỉ đủ sinh ra một lượng nhiệt cực thấp. “Bất kể nguồn phát có mạnh đến mức nào, sóng vô tuyến không thể gây ra các chất phóng xạ ion hóa… Chỉ có tia gamma, tia X và tia cực tím - những dạng sóng hoạt động ở tần số cao của phổ điện từ - cùng với các hạt phân tách bên trong nguyên tử và tia vũ trụ là có đủ khả năng phá vỡ electron của các nguyên tử khác để sản sinh ra những hợp chất hóa học và nguyên tố tự do. Chính những nguyên tố tự do có tính tương tác cao này là nguyên nhân làm tổn hại cho ADN của con người, gây ra sự đột biến, các bệnh về phóng xạ, ung thư hay thậm chí là tử vong tùy theo liều lượng hấp thụ”, bài báo này viết. Theo báo cáo của The Economist, năng lượng phát ra bởi sóng điện thoại chỉ bằng 1/1 triệu năng lượng cần thiết để sản sinh các nguyên tố tự do.

Phát biểu trên Tạp chí y khoa Environmental Health Perspectives, Giáo sư David Spiegelhalter của ĐH Cambridge (Anh) cho biết: “Nếu như mối nguy hiểm là có thật, có thể nó quá nhỏ bé khiến các nhà nghiên cứu không thể tìm ra một cách dễ dàng, ngay cả khi lượng người dùng ĐTDĐ thường xuyên hiện nay là rất đông”.

Vậy sóng ĐTDĐ có “đóng góp” vào việc gây ra các căn bệnh ung thư ở trẻ em hay không? Câu trả lời cũng là: Không.

Ngày 23/6/2010, các tác giả của một công trình nghiên cứu trong suốt 3 năm tại Anh đã đăng kết quả của mình trên Tạp chí y khoa danh tiếng British Medical Journal khẳng định câu trả lời “Không” của mình. Nhóm chuyên gia đã theo dõi 1.397 em bé từ 0-4 tuổi từ năm 1999-2001 bị bệnh bạch cầu, khối u ở não hay ở hệ thần kinh trung ương. Đây được xem là công trình nghiên cứu rộng lớn nhất từ trước đến nay về mối liên hệ có thể có giữa ung thư trẻ sơ sinh và sóng ĐTDĐ. Các chuyên gia phát hiện ra rằng những trẻ sơ sinh bị ung thư có cha mẹ sống cách xa các trạm BTS hay sử dụng ĐTDĐ ít hơn những trẻ không mắc bệnh.

Ngày 21/10/2011, Tạp chí y khoa British Medical Journal tiếp tục đăng tải kết quả của một công trình nghiên cứu dài hơi nhất từ trước đến nay về mối liên quan giữa ĐTDĐ và sức khỏe do các nhà khoa học của Viện Ung thư dịch tễ Copenhagen (Đan Mạch) tiến hành trên hơn 350.000 người trong khoảng thời gian từ năm 1990-2007. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của 10.729 khối u hệ thần kinh trung ương từ năm 1990-2007 và kết luận rằng những người đã sử dụng điện thoại trong 13 năm hoặc nhiều hơn có tỷ lệ ung thư tương tự như những người không sử dụng. Nhóm nghiên cứu kết luận: “Không có mối liên hệ nào giữa các khối u ở hệ thần kinh trung ương hay não với việc sử dụng điện thoại di động trong thời gian dài”.

Theo thống kê của các tổ chức viễn thông quốc tế, tính đến hết năm 2011, thế giới sẽ có khoảng gần 6 tỷ chiếc ĐTDĐ và theo ông Ed Yong, Giám đốc Cơ quan thông tin sức khỏe thuộc Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh, “Nếu ĐTDĐ thực sự gây ra u thần kinh đệm, số người mắc phải chắc chắn phải gia tăng đáng kể trên toàn thế giới vì sự phổ biến của thiết bị này”.

“Điều duy nhất chúng ta cần làm để bảo vệ sức khỏe của mình với ĐTDĐ là tránh sử dụng khi đang lái xe bởi tai nạn giao thông chắc chắn có liên hệ rõ ràng với việc sử dụng ĐTDĐ” - ông Ed Yong khuyến cáo.

Tuy hơi muộn nhưng có lẽ, đã đến lúc ĐTDĐ cần được minh oan một cách rộng rãi trên toàn thế giới.

Theo Trần Du Phong (ICTnews)

Đọc thêm