Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013

Vietnam Audio Visual Equipments Show 2013 bắt đầu từ ngày 6 đến 8/9 tại khách sạn Continental Sài Gòn (Đồng Khởi, quận 1, TP HCM). Dưới đây là những thiết bị âm thanh cao cấp sẽ "trình diễn" tại triển lãm này:

Adam Tensor Beta

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 1

Loa Tensor Beta là dòng loa đầu bảng của hãng Adam Audio.

Adam Audio, hãng loa Đức nổi tiếng ở cả hai lĩnh vực "pro" và "home audio" với công nghệ loa mid/treble ribbon X-ART có độ chính xác rất cao, sẽ giới thiệu Tensor Beta thuộc dòng loa đầu bảng của mình. Thùng loa có thiết kế gồm 2 module độc lập giúp tránh nhiễu động âm thanh từ loa bass làm ảnh hưởng đến chất lượng trình diễn của các driver mid và tweeter. Hai module này được cách ly bằng các túi cát, ngoài ra, thùng loa còn được trang bị một lớp vật liệu Hawaphon chứa các viên bi thép giúp chống rung rất hiệu quả.

Adam Tensor Beta sở hữu loa tweeter và mid công nghệ màng ribbon X-ART được đánh giá có độ chính xác và độ động cao. Dải trầm của loa gồm driver mid/bass 186 mm và 2 loa woofer 260 mm đảm trách. Tensor Beta có dải tần rộng từ 27 đến 50.000 Hz, độ nhạy 88 dB, trở kháng 4 ohm sử dụng cầu loa cao cấp WBT-7030 Ag.

Gryphon Mojo

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 2

Loa bookshelf đắt nhất Việt Nam, giá trên 20.000 USD.

Gryphon Mojo, được xem là thiết kế loa bookshelf đắt nhất hiện nay tại Việt Nam với giá bán của phiên bản thùng màu đỏ lên đến trên 20.000 USD. Mojo là thiết kế loa dạng bookshelf 2 đường tiếng với tổng cộng 3 loa con xếp dọc Bass-Treble-Bass. Mặt trước của loa được vát cong nhẹ giúp các loa con có thể phát âm đồng pha và tập trung hơn đến vị trí người nghe. Thùng loa Mojo làm từ gỗ, bên ngoài phủ lớp composite đặc biệt giúp hạn chế những sóng phản xạ gây nhiễu âm. Bộ 3 loa con của Gryphon Mojo gồm một loa treble ribbon, 2 mid/bass 150mm được Gryphon Audio đặt hàng từ hãng Scan-Speak, nhà sản xuất driver nổi tiếng của Đan Mạch.

Gryphon Mojo dùng bộ phân tần bậc 4, dàn linh kiện được chế tạo thủ công gồm cuộn cảm lõi khí dùng giấy ngâm dầu của Jensen, điện trở than và tụ chính xác của Duelund. Người dùng có thể tăng hoặc giảm dải tần treble bằng cách thay các thanh điện trở bố trí lộ bên ngoài mặt sau loa, nhằm hiệu chỉnh chất âm tối ưu ứng với các điều kiện phòng nghe khác nhau. Đi kèm với Mojo là một đôi chân loa được thiết kế với thân rỗng cho phép người chơi có thể đổ đầy với cát hoặc chì hay bi kim loại giúp chân càng vững hơn.

Sonus Faber Amati Futura

Là thiết kế loa thứ ba được Sonus Faber ưu ái đặt tên sản phẩm với cụm từ “Amati” - tên của nhà sản xuất nhạc cụ huyền thoại Italy, Andrea Amati - đôi loa cột Amati Futura được trang bị những triết lý mới trong thiết kế thùng loa và cũng là một trong những đôi loa đầu tiên của hãng sử dụng cầu loa đôi. Thùng loa của Amati Futura có nhiều thay đổi đáng kể so với triết lý truyền thống của hãng loa Italy. Điểm dễ nhận dạng nhất là việc sử dụng nhiều chi tiết kim loại mạ crôm sáng hiện đại. Amati Futura có tổng cộng 4 driver với phân tần 3,5 đường tiếng gồm loa tweeter 29 mm, mid 179 mm và cặp loa wooofer 220 mm.

Zensati Angel

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 3

Được xem là dòng cáp có chất âm trung tính, không màu và tốc độ nhất, tuy nhiên, do sử dụng chất liệu vàng, cùng với quá trình gia công phức tạp, chuẩn xác và mất nhiều giờ công nên Zensati Seraphim có mức giá cao, xếp vào hàng những thiết kế cáp audio đắt nhất hiện nay. Để có thể trải nghiệm được những đặc tính âm thanh của Seraphim trong một mức giá dễ chịu hơn, Zensati cho ra mắt dòng Angel với cấu trúc dây tương tự như dòng đầu bảng nhưng sử dụng vật liệu đồng tinh khiết thay cho bạc mạ vàng.

Zensati Angel vẫn đảm bảo được tốc độ trình diễn cực cao, trong khi chất âm có chút thiên mộc, ấm, ngọt đặc biệt, dòng cáp mới này sử dụng toàn bộ các đầu giắc do chính Zensati phát triển và sản xuất, tạo nên sự động nhất về mặt chất liệu trong quá trình truyền dẫn.

Thiel CS 3.7

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 4

Loa Thiel CS 3.7 đạt được độ chuẩn về pha thời gian tối ưu.

Thiết kế loa đầu bảng CS 3.7 của thương hiệu loa Mỹ giàu truyền thống Thiel Audio sẽ góp mặt tại triển lãm AV Show 2013 hứa hẹn tạo nên một trong những set-up cả khả năng trình diễn âm thanh chính xác và chặt chẽ nhất. Là tác phẩm cuối cùng của huyền thoại âm thanh Jim Thiel, CS 3.7 được xem là một trong những đôi loa đạt được độ chuẩn về pha thời gian tối ưu, cũng như tạo được sự phối hợp hoàn thiện về dải tần của các driver.

Thùng loa Thiel CS 3.7 có mặt nghiêng quen thuộc, được gia cố ở mặt trước bằng một tấm nhôm dày, phía trên đỉnh loa là chi tiết đặc biệt có dạng hình vòm cong giữ vững khối driver đồng trục mid/treble. Driver đồng trục này gồm loa tweeter đường kính 1 inch nằm giữa và màng loa mid 4,5 inch bao xung quanh. Đặc biệt màng loa mid có thiết kế viền lượn dạng sao đặc biệt giúp tăng độ ổn định và chống rung màng hiệu quả. Cặp củ loa woofer 10 inch cũng được trang bị màng nhôm lượn Star-Diaphragm, giúp loa trình diễn những tiếng bass uy lực, chắc tiếng.

Living Voice OBX-RW

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 5

Loa OBX-RW là thiết kế loa lớn nhất của dòng Auditorium.

Hãng loa Anh Living Voice được biết đến với mẫu loa kèn tham chiếu có thiết kế lộng lẫy Vox Olympian với giá bán trên 300.000 USD. Là thương hiệu loa vừa gia nhập thị trường audio Việt Nam, Living Voice dự kiến sẽ mang thiết kế loa lớn nhất của dòng Auditorium, model OBX-RW. Living Voice OBX-RW có thùng thiết kế đơn giản, sang trọng với các cạnh loa vuông vắn, có độ cứng lên đến D750 (density), lớp veneer gỗ thật ngoài cùng được lựa chọn cẩn trọng với vân gỗ đẹp nhất có thể từ 8 loại gỗ khác nhau.

Loa OBX-RW có trở kháng 6 ohm, 94 dB, sử dụng bộ phân tần rời bên ngoài, trang bị linh kiện cao cấp như điện trở màng phim của Hovland, tụ Musicap và đặc biệt các cuộn cảm được chế tạo bởi chính những kỹ sư của Living Voice. OBX-RW sử dụng tổng cộng chỉ 3 driver theo kết cấu mid/bass-tweeter-mid/bass với loa treble được bố trí lệch sang một bên. Driver tweeter của Living Voice OBX-RW chỉ là driver Scanspeak D2905/990000 Revelator, trong khi loa mid/bass 6,5 inch màng giấy do hãng tự thiết kế.

Avalon Compas

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 6

Compas là mẫu loa mới nhất của hãng Avalon.

Nằm giữa hai model Indra và Time, mẫu loa Compas mới nhất của Avalon được đánh giá rất tốt qua các kỳ triển lãm âm thanh thế giới bởi khả năng tái tạo âm thanh độ động cao, âm hình chính xác và một dải cao được cải thiện đến mức tối ưu. Thùng loa của Compas có thiết kế mới ở phần diện tích xung quanh loa tweeter, giúp loại bỏ gần như triệt để hiện tượng nhiễu xạ gây lệch pha và méo âm cao. Toàn bộ 4 driver của Avalon Compas gồm tweeter ceramic/diamond 1 inch, mid ceramic 4 inch và 2 bass 9 inch - đều là các củ loa mới của Accuton với màng loa màu đen giúp cải thiện độ chính xác nhất là khi trình diễn ở cường độ lớn. Tương tự như vậy, bộ phân tần cũng được hãng thiết kế lại, tập trung vào khả năng thể hiện sân khấu và độ phân giải âm thanh ngay cả khi chạy mức công suất lớn.

Mark Levinson No.52

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 7

Preamp No.52 là thiết bị tiền khuếch đại phức tạp và hay nhất mà tập đoàn Harman Luxury Audio Group từng sản xuất.

Preamp No.52 là món quà dành cho những audiophile yêu mến nhãn hiệu Mark Levinson nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Với cấu trúc dual mono, preampli Mark Levinson No.52 gồm 2 khối khuếch đại đơn tách bạch, chạy mạch hoàn toàn analog. Ngoài ra, để can nhiễu tối đa giữa đường tín hiệu điều khiển và phần khuếch đại analog, chassis của preampli này được tách làm 2 phần riêng biệt.

Preamp No.52 sở hữu 2 chassis rời với cấu trúc vi sai cân bằng dual mono, ứng dụng kỹ thuật cách ly nhiễu đặc biệt. Phần điều khiển được trang bị 2 nguồn DC và bộ lọc AC cho tín hiệu điện sạch và luôn ổn định. Từ bộ điều khiển, 2 dây nguồn sẽ truyền tín hiệu nguồn độc lập cho mỗi kênh đến phần khuếch đại analog bên dưới, tín hiệu âm thanh sẽ được truyền bằng một sợi cáp thứ 3 để tránh nhiễu tối đa giữa tín hiệu nguồn và tín hiệu audio. Toàn bộ đường đi tín hiệu bên trong Preamp No.52 được bọc kín và chống nhiễu cách ly với tín hiệu phono.

Gryphon Diablo

Ampli tích hợp Diablo có khả năng đặc biệt kiểm soát và chinh phục nhiều đôi loa với kích thước đồ sộ, khó kéo. Với công suất đầu ra đạt 250W/8ohm, Diablo được trang bị những công nghệ mang tính chìa khóa của Gryphon Audio Design bao gồm thiết kế mạch True Dual Mono cân bằng hoàn toàn, không sử dụng hồi tiếp âm, trang bị 2 biến thế Holmgrem. Bên cạnh bộ khuếch đại công suất nổi tiếng ổn định, có khả năng tải tốt loa có kháng trở thấp, mạch preamp được thiết kế tỉ mỉ đã giúp Diablo có được đặc tính âm thanh gần tự nhiên, giàu chi tiết và rộng. Ngoài ra, còn phải kể đến chiết áp volume đặc biệt 50 bước sử dụng rờ-le và được kiểm soát bằng vi xử lý giúp giảm tối đa nhiễu âm.

Stealth Dream Power V12

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 8

Dây Stealth Dream V12 có kết cấu lõi xoắn phức tạp.

Tại triển lãm CES 2013, Stealth Audio Cables đồng loạt trình làng các dòng dây tham chiếu series V12, trong đó nổi bật nhất là thiết kế dây nguồn đầu bảng Dream Power V12. Nếu như ở thế hệ trước Dream Power V10, người dùng phải chọn các dây nguồn theo đúng chức năng như dành cho thiết bị digital, preamp, poweramp, thiết bị lọc… thì thế hệ V12 được Timachev Serguei, chủ nhân cũng là nhà thiết kế chính của Stealth Audio Cables gom chung trong một thiết kế “universal”. Người dùng chỉ việc thay đổi vị trí 2 đai ốc trên đầu dây V12 để hoán đổi chức năng ứng với các thiết bị khác nhau.

Dây Stealth Dream V12 có kết cấu lõi xoắn phức tạp sử dụng kết hợp dây bạc, đồng, dây đơn, dẹp, đặc biệt để giảm nhiễu tối đa giữa các lõi dây, hãng sử dụng công nghệ para-vaccum cách ly bằng khí heli. Dây nguồn Dream V12 còn được trang bị một vòng kim loại phủ carbon có thể di chuyển dọc thân dây giúp tránh các nhiễu điện từ của môi trường.

Egglestonwork Andra III Signature

Eggleston Andra nổi tiếng với việc chinh phục các bảng xếp hạng audio vào cuối thập niên 90 trong đó phải kể đến giải thưởng “Thiết bị của năm” do tạp chí Stereophile bình chọn ở hạng mục loa lớn toàn dải (Full-range) vào năm 1997. Sự thành công Andra là không tưởng trong thời điểm mà các đối thủ ở dòng loa toàn dải đều là những siêu loa cột, to, nặng và nhiều driver, trong khi Andra chỉ có thiết kế nhỏ gọn với 5 loa con (4 driver bố trí ngoài, 1 driver ẩn bên trong) nhưng vẫn có khả năng trình diễn dải trầm xuống mức 20Hz. Loa Andra đã bước sang thế hệ thứ 3 vẫn với hình dáng loa như cũ nhưng được cải tiến tốt hơn nhiều ở phần driver, thùng loa gia cường bằng nhôm tấm dạng khối.

Thiết kế thùng bass theo kiểu Isobaric vẫn được duy trì ở model Andra III Signature mới nhất, loa sử dụng 2 loa bass sếp song song mặt hướng cùng chiều, chạy đồng pha bố trí chung trong một thiết kế thùng loa nhằm tăng dải trầm và tiết kiện được diện tích thùng loa.

Totem Wind

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 9

Totem Wind có cấu trúc thùng loa phức tạp.

Nhắc đến Totem, người nghe thường liên tưởng đến những phẩm chất thiên về nhạc tính như mềm mại, ngọt ngào, đầy đặn. Đó cũng là những yếu tố mà Totem muốn mang đến các audiophile sành nhạc và có gu. Triết lý này được thể hiện rõ nhất ở cặp loa đầu bảng Totem Wind. Đôi Totem Wind có cấu trúc thùng loa khá phức tạp, mặt loa xếp nghiêng đảm bảo các driver cùng nằm trong mặt phẳng đồng tâm, bên cạnh đó hãng rất khéo trong việc bố trí thêm các mặt vách phức tạp giúp loại bỏ các nhiễu động âm thanh trong qua trình truyền sóng âm từ mặt loa đến người nghe.

Totem Wind có 4 loa, ba đường tiếng với loa woofer lớn đường kính 22 cm, hai loa mid với driver của Dynaudio và một loa treble kim loại được bố trí trên cùng. Tất cả driver của Wind được đúc trên bộ khung kim loại chắc chắn, đảm bảo cơ cấu ổn định trong quá trình hoạt động của loa. Loa tweeter dạng dome làm bằng hợp kim giữa các kim loại quý, có khả năng hoạt động với hiệu suất cao mà không gây méo tiếng.

JBL K2S3900

Những thiết bị hi-end góp mặt tại AV Show 2013 ảnh 10

JBL Project K2S3900 có thiết kế thùng loa đẹp.

Là thành viên mới nhất của gia đình loa JBL Project K2S, model K2S3900 sở hữu đầy đủ những công nghệ, kỹ thuật của dòng loa đầu bảng K2S9900 trong một thiết kế nhỏ gọn và dễ kiểm soát hơn. Loa JBL K2S3900 có thiết kế thùng loa hẹp hơn các dòng đàn anh, nhưng phần trầm trang bị đến 2 driver woofer 10 inch. Đôi loa woofer này giúp K2S3900 không chỉ có thể trình diễn những âm trầm tròn tiếng thấp đến mức 33 Hz mà còn thể hiện độ động nhanh ấn tượng. Phần trung và cao, K2S3900 vẫn sử dụng thiết kế loa còi nén quen thuộc với dải tần cao mở lên đến 40.000 Hz.

Theo Đức Thanh (VNE)

Đọc thêm