Những đối thủ của loa truyền thống

Loa thông thường tạo ra âm thanh bằng cách chuyển động không khí. Dòng điện AC chạy qua một nguồn âm thanh, biến nó thành tín hiệu điện từ, tín hiệu này được đưa vào cuộn dây tạo nên một trường điện từ thay đổi xung quanh cuộn dây. Từ trường này tác động với từ trường phát sinh bởi nam châm vĩnh cửu được giữ cố định vào khung loa. Khi có sự khác biệt cực tính giữa nam châm điện (cuộn dây di động) và nam châm vĩnh cửu, hiện tượng hút/đẩy sẽ xảy ra, tạo nên sự rung động của màng loa. Khi màng loa rung động sẽ di chuyển tới lui tạo một lực áp lên các phần tử không khí xung quanh và chuyển đến màng nhĩ.

Tuy nhiên, nam châm không phải là nguồn duy nhất để phát ra âm thanh. Các công nghệ mới lần lượt ra đời và mang lại cách nhìn khác về loa.

Loa tĩnh điện (Electrostatic Speaker)

Loa tĩnh điện có lẽ là sự thay thế cho loa truyền thống được biết đến nhiều nhất. Chúng khá giống với loa thông thường khi dùng cơ chế rung động màng loa. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở hình dáng màng loa và cách làm chúng chuyển động tới lui.

Màng loa là một tấm film mỏng vó vật liệu dẫn điện trải giữa hai thanh dẫn điện gọi là "stator", được bọc bằng vật liệu cách điện. Như khi cuộn dây trong loa thông thường bị dòng điện biến thành trường điện từ, màng loa và stator này được nạp điện, tạo ra một trường tĩnh điện. Do việc nạp điện thay đổi giữa hai cực âm - dương, màng loa chuyển động tới lui và tạo ra âm thanh. Dòng điện càng mạnh thì màng loa càng rung động mạnh khiến âm thanh lớn hơn.

Ưu thế của loa tĩnh điện là toàn bộ màng loa được điều khiển, khiến dải tần được cải thiện và âm thanh không bị méo vì biến đổi ở màng loa. Dù vậy, tiếng bass khá yếu và loa có thể gặp trục trặc ở dải cao. Tiếng lớn đồng nghĩa với việc dòng điện lớn và nguy cơ cháy sẽ cao hơn. Nhưng âm thanh chúng phát ra khá tốt.

Loa Plasma (Plasma speaker)

Những đối thủ của loa truyền thống ảnh 1

Loại loa này không mới nhưng khá hay và tự chế được, nếu không muốn chi nhiều tiền để mua. Nguyên tắc cơ bản ở đây vẫn là làm chuyển động luồng không khí. Nhưng thay vì nam châm hay trường điện từ, một cung lửa điện được điều khiển theo các cách khác nhau để tạo ra cao độ, âm lượng đa dạng.

Loa mềm dẻo (Distributed Mode Loudspeaker)

Màng loa có thể uốn cong. Ảnh: Gizmodo.
Màng loa có thể uốn cong. Ảnh: Gizmodo.

Loại loa này được hãng NXT phát triển. Trong khi ở loa thông thường, màng loa phải cứng (chúng rung động nhưng không uốn cong, nếu cong sẽ làm méo tiếng), ở loa mềm dẻo, màng loa được uốn cong. Về cơ bản, các sóng cong được dòng điện sản sinh ra ngay trong tấm màng và sự rung động đó tạo ra âm thanh.

Một điểm lợi thế lớn của loa mềm dẻo là chúng khá mỏng và người dùng không cần các thùng lớn. Nhưng cũng như các "đối thủ" khác của loa truyền thống, chúng thể hiện tiếng bass chưa thực sự thuyết phục. Dù vậy, các tấm màng loa lớn hơn sẽ khắc phục được điểm này.

Loa từ tính planar (Planar Magnetic speaker)

Đây là một công nghệ khác dùng màng mỏng để chuyển động không khí. Chúng dùng một tấm film mỏng có cuộn dây được... dập ngay trên đó. Cuộn dây được treo giữa hai nam châm. Khi dòng điện biến đổi, tấm film này di chuyển tới lui. Cũng giống như các loại loa dùng mảng mỏng, người ta phải chế các tấm lớn để có được tiếng bass hay hoặc dùng một loa trầm riêng cho tần số thấp.

Loa nano (Carbon Nanotube speaker)

Các ống carbon nhỏ xíu trở thành vật liệu mà nhiều ngành công nghiệp theo đuổi trong tương lai gần, trong đó có ngành chế tạo loa. Loa nano sẽ tận dụng điện - âm học, giống như cơ chế của sấm. Ống nano được ghép vào một tấm film có các điện cực được gắn ở mỗi đầu. Dòng điện truyền qua tấm film, khi nó thay đổi, không khí quanh ống nóng lên hoặc nguội đi tương ứng, do đó sẽ nở ra hay co vào. Các sóng được hình thành, ép vào hoặc duỗi ra và làm nên âm thanh.

Lợi thế của loại loa này là âm thanh có độ méo tiếng cực thấp.

Theo Sohoa.net (Gizmodo)

Đọc thêm