Mua linh kiện tự lắp ráp PC – Dễ mà khó

Chưa chắc đã rẻ hơn

Ông Lã Xuân Thắng, Phó giám đốc Siêu thị Máy tính Đăng Khoa cho biết, máy tính bộ lắp ráp trong nước bán khá tốt do lợi thế về giá cả: “So với các sản phẩm máy tính thương hiệu nước ngoài, máy tính bộ có mức giá rẻ hơn đến 40%”. Tuy nhiên, cấu hình của loại máy tính bộ này khá hạn chế.

Dù vậy, doanh nghiệp cũng cố gắng đảm bảo chất lượng của máy, tính ổn định và dùng linh kiện của những thương hiệu nổi tiếng. “Sở dĩ máy tính bộ được bán với giá khá rẻ là do có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và hãng sản xuất linh kiện, đồng thời doanh nghiệp mua linh kiện với số lượng lớn để lắp ráp nên thường được chiết khấu cao”, ông Thắng nói. Thực chất, các nhà phân phối cũng muốn xây dựng máy tính bộ với thương hiệu riêng. Đó là một chiến lược kinh doanh riêng nhằm tạo dấu ấn trên thị trường.

Ông Thắng cho rằng, nếu tự đi “nhặt” từng linh kiện và lắp ráp thành một chiếc máy tính có cấu hình tương tự như bộ máy tính RP1, RP2 của Đăng Khoa, người mua sẽ phải chi nhiều tiền hơn, khoảng 700.000 - 800.000 đồng. “Do hiện nay các công ty thường có chính sách khuyến mãi, giảm trừ khoảng 500.000 đồng tiền mặt cho khách hàng mua máy bộ. Ngoài ra, mua từng linh kiện người mua sẽ không được hưởng ưu đãi về giá của nhà sản xuất như khi công ty máy tính mua nhiều linh kiện để lắp ráp”, ông Thắng lý giải.

Thế nhưng, rất nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ vẫn rất thích tự chọn cấu hình, tự mua linh kiện và lắp ráp thành phẩm. Chính ông Thắng cũng thừa nhận đây là cách mua hàng “chủ đạo”. Ông Thắng cho hay, nếu không kể đến các loại máy tính mang nhãn hiệu nước ngoài như HP, Dell…, máy tính bộ hiện chiếm 30% lượng máy tính bán ra, còn lại 70% là các khách hàng tự mua linh kiện và lắp ráp theo cấu hình riêng.

Tự lắp ráp – vẫn nhiều rủi ro

“Tôi thích mua linh kiện về tự lắp ráp hơn”, anh Bình - một “dân kỹ thuật máy tính” cho biết. “Đơn giản là giá rẻ hơn, cấu hình tự do theo ý thích và là dân chuyên về máy tính nên có thể tự mày mò”. Ngoài tự trang bị máy tính cho mình theo cách này, anh còn tư vấn cho bạn bè và sẵn sàng đi mua cùng họ. Cách làm của một “dân kỹ thuật” như anh Bình là định sẵn một cấu hình phù hợp, tham khảo giá trên web về các linh kiện, sau đó “cứ ở đâu bán cái gì rẻ là mua”. Và bằng cách nhặt linh kiện mỗi cái một nơi, anh tự lắp ráp thành chiếc máy tính “như ý”. “Làm như vậy có thể tiết kiệm 20-30 USD/máy tính”, anh Bình nhận định.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm như thế. Bởi thứ nhất, ngoài việc tự đi mua linh kiện, còn phải biết cách tự lắp ráp. Thứ hai, nếu chiếc máy tính bị hỏng, người dùng sẽ phải tự xác định lỗi nằm ở đâu để tháo linh kiện đó ra và mang đi bảo hành tại nơi đã mua. Bởi vậy, chỉ những người trong “giới kỹ thuật” như Bình mới có thể mua máy theo cách này.

Một cách mua máy lắp ráp phổ biến hơn là đến các hãng phân phối, công ty máy tính uy tín và nhờ tư vấn linh kiện theo cấu hình riêng, sau đó chọn mua linh kiện và lắp ráp miễn phí ngay tại nơi đó. Bằng cách này, nếu máy gặp trục trặc, chỉ cần mang máy ra chỗ đã mua để bảo hành.

Bà Lê Thị Thuột, Trưởng phòng marketing của Bệnh viện máy tính Quốc tế iCare, một đơn vị của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Nguyễn Hoàng, cho biết tự mua linh kiện và lắp ráp có thể giúp giảm giá thành và nhiều người cũng muốn tự lắp ráp máy để “thử” tay nghề của mình vì họ là dân IT.

Theo kinh nghiệm của những người chuyên lắp ráp máy tính, cái khó là việc xây dựng cấu hình thật “chuẩn”. Bước quan trọng tiếp theo là lưu ý linh kiện máy phải đồng bộ, tương thích về các thông số kỹ thuật (tốc độ bus, chuẩn công nghệ mà linh kiện đó hỗ trợ…). Ngoài ra, nếu mua từng linh kiện cần lưu ý tránh hàng giả, hàng nhái bởi chỉ cần một bộ phận kém chất lượng, hậu quả có thể là cả hệ thống máy tính bị cháy, hỏng.

Theo Anh Minh (ICTNews)

Đọc thêm